Giới thiệu văn chương có chi tiết tình dục trong nhà trường Nhật Bản

Nhật Bản có bộ công cụ bao gồm Luật thư viện trường học và Tiêu chuẩn tuyển chọn sách của Hiệp hội thư viện trường học toàn quốc hỗ trợ giáo viên chọn lọc ngữ liệu.

Tuy không áp dụng quy chế dán nhãn sách với hầu hết xuất bản phẩm, Nhật Bản lại có màng lọc pháp lý rất chặt chẽ đối với các ấn phẩm có yếu tố có thể ảnh hưởng đến người chưa thành niên như bạo lực, tình dục. Theo đó, Luật về các ấn phẩm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thanh thiếu niên quy định những ràng buộc trong cách thức phân phối các ấn phẩm này đến người dưới 18 tuổi.

Hướng dẫn cụ thể về chọn sách

Ngoài ra, ở Nhật còn có màng lọc pháp lý thứ hai đối với việc lựa chọn - giới thiệu sách đến đối tượng học sinh là Luật thư viện trường học và Tiêu chuẩn tuyển chọn sách (TCTC sách) của Hiệp hội thư viện trường học toàn quốc (đây là cơ quan hiệp hội chuyên môn thuần túy, không thuộc khối nhà nước lẫn khối kinh doanh).

Trong đó, tiêu chuẩn tuyển chọn sách tuy tính pháp lý không cao nhưng đóng vai trò như bản hướng dẫn cụ thể việc chọn sách cho học sinh. Tiêu chuẩn tuyển chọn sách không quy định ngặt nghèo rằng cuốn cụ thể nào thì nên đọc hay không, mà được trình bày dưới dạng các câu hỏi. Thủ thư hay giáo viên có thể trả lời và dựa trên các yếu tố này để xác định xem ấn phẩm có phù hợp hay không.

Trong mục lớn II Tiêu chuẩn phân chia theo lĩnh vực, mục 19 "Sách liên quan về tính dục" đặt ra 3 câu hỏi: (1) Chủ đề, nội dung có chính xác về mặt khoa học và có tương thích với các giai đoạn phát triển của trẻ em, học sinh không? (2) Có quan điểm cao thượng về luân lý không? (3) Có phải là nội dung câu khách không? (theo bản dịch tài liệu này của dịch giả Nguyễn Quốc Vương).

Từ đây có thể thấy vai trò của thủ thư và giáo viên rất lớn, vì họ là những người sẽ dựa trên kiến thức, hiểu biết, cảm quan của mình mà quyết định lựa chọn đầu sách giới thiệu đến học sinh. Giáo viên, thủ thư thường có chuyên môn rất cao. Đặc biệt, còn có các "thủ thư giáo viên" là những giáo viên đã đào tạo qua chuyên môn về thư viện.

Ông Vương, người có nhiều năm nghiên cứu ngành xuất bản và công tác khuyến đọc của Nhật Bản, cho biết rằng tác phẩm có yếu tố không phù hợp với độ tuổi chưa trưởng thành khi đưa vào phổ cập trong hệ thống trường học có thể mượn đến các công cụ giáo dục để điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng tiếp nhận. Ví dụ có thể biên tập lại bằng cách cắt bớt hoặc lựa chọn đoạn trích phù hợp với lứa tuổi của học sinh.

Nhà trường - phụ huynh hợp tác chặt chẽ để khuyến đọc

Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương. Ảnh: FBNV.

Tại Nhật Bản, nhà trường và phụ huynh cũng phối hợp rất chặt chẽ trong công tác khuyến đọc. Trong năm sẽ có hai đợt nhà trường phát danh sách tác phẩm cho học sinh: đầu năm học và trước khi nghỉ hè.

Danh sách này nêu rõ những tựa sách bắt buộc (cần đọc) và tự chọn (nên đọc). Sách được chọn trong danh sách thường dựa trên các ưu tiên: (1) Dựa trên chương trình học (tác giả trong sách giáo khoa - ví dụ chương trình giảng dạy trích đoạn thì đề xuất đọc toàn vẹn tác phẩm, hoặc đề xuất đọc thêm các tác phẩm khác cũng tác giả (2) Những tác giả lớn, kinh điển, có ảnh hưởng (3) Tác phẩm giàu giá trị văn hóa - tinh thần, ảnh hưởng tốt đến trẻ em.

Ông Vương nhận định các thư viện trường học làm việc rất tốt. Họ thường chuẩn bị sẵn các danh sách để giáo viên có thể tham khảo. Ngoài ra còn có các tờ báo về đọc sách, hàng chục hàng trăm tổ chức khuyến đọc thường xuyên cập nhật các danh sách tác phẩm khuyến nghị.

Nhìn lại bối cảnh Việt Nam, dẫu quy định mới về chương trình giảng dạy tạo điều kiện về ngữ liệu mở, khuyến khích giáo viên giới thiệu tác phẩm ngoài chương trình học bắt buộc cho học sinh, song ông Vương cho rằng người làm giáo dục nên thận trọng cân nhắc giữa giá trị nghệ thuật và tác dụng tiêu cực có thể có của tác phẩm, vì các yếu tố nhạy cảm có thể kích động người đọc chưa trưởng thành.

Nhận xét về sự việc giáo viên giới thiệu tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian cho học sinh và chịu phản ứng gay gắt, ông Vương cho đó là trường hợp đáng tiếc. Dịch giả, nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân là thiếu phương pháp làm việc thống nhất, gây ra bất đồng giữa nhà trường và phụ huynh. Trong trường hợp nếu được thông tin đầy đủ từ trước, phụ huynh không tán thành ngữ liệu do nhà trường, giáo viên lựa chọn hoàn toàn có thể phản biện, xin rút tác phẩm khỏi chương trình học.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/gioi-thieu-van-chuong-co-chi-tiet-tinh-duc-trong-nha-truong-nhat-ban-post1475167.html