Giới trẻ ASEAN và sự sẵn sàng cho cách mạng 4.0

Dù có những lo lắng về tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, một số công ăn việc làm sẽ bị xóa bỏ khi mọi thứ được tự động hóa toàn toàn nhưng Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Malaysia Syed Saddiq Syed Abdul Rahman tin tưởng vào tương lai lạc quan khi ASEAN có dân số tương đối trẻ, còn nhiều tiềm năng để phát triển và cộng đồng kinh doanh tăng trưởng tốt.

Phiên Diễn đàn mở trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018. Ảnh: HỒNG NGUYỄN

Cốt lõi của cách mạng 4.0 là kinh tế số

Phát biểu khai mạc Diễn đàn mở với chủ đề: “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” ngày 11.9 tại Hà Nội trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN), ông Klaus Schwab - người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF ASEAN 2018 nhận định, đặc điểm nổi bật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là tốc độ.

Ông cho rằng, muốn thành công trong tương lai cần tận dụng lợi thế đến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Thông điệp của tôi là, đối với thế hệ trẻ, hãy nắm bắt cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp này mang lại” - ông nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, Giám đốc điều hành Google Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á - Ấn Độ, Rajan Anandan cho biết: “Cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 là kinh tế số. Với 10 quốc gia ASEAN hợp lại, nền kinh tế số ở ASEAN có kích thước tương đối lớn, phát triển nhanh và có tiềm năng rất lớn”.

Theo ông, tiềm năng kinh tế số ở ASEAN cần tăng thêm 5 lần nữa. Trong đó, nhóm các quốc gia ASEAN cần đảm bảo có nền kinh tế số tích hợp, có luồng dữ liệu chảy tự do, sự thanh toán xuyên suốt cũng như sự dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ tự do giữa các quốc gia.

Ông Rajan Anandan nhấn mạnh, để đảm bảo con người chiến thắng máy móc thì kỹ năng là quan trọng nhất. Google tập trung vào đào tạo kỹ năng ở mọi cấp, từ sinh viên cho tới doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 50% GDP của khu vực và 80% việc làm được tạo ra ở ASEAN. Để ASEAN nắm bắt được toàn bộ tiềm năng này, chúng ta cần tập trung vào kỹ năng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để khai thác được nền kinh tế số” - ông nói.

Ông cũng tiết lộ, Google cam kết đào tạo các kỹ năng số cho 3 triệu chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2020 để họ thực sự khai thác được một cách tốt nhất cuộc cách mạng 4.0.

Làm điều khác biệt để tạo dựng tương lai

Chủ tịch tập đoàn kinh tế số của Malaysia Yasmin Mahmood cho rằng, công nghệ đang diễn ra với tốc độ nhanh, một quốc gia muốn chiến thắng phải biết sử dụng các yếu tố động lực nội tại cũng như biết nắm bắt cơ hội.

Theo bà, 65% người trẻ hiện nay sẽ tốt nghiệp và sẽ làm những công việc thậm chí còn chưa tồn tại ở thời điểm hiện nay. Do đó, để chuẩn bị cho điều này, chính phủ các nước phải có các chính sách nhất định.

Ông Lê Hồng Minh, CEO của VNG cũng nhận định, những “điều kỳ diệu” như khoảnh khắc máy tính trả lời câu hỏi tự nhiên trong sự kiện của Google vài tháng trước hay khi iPhone ra mắt năm 2007… sẽ trở thành điều rất bình thường trong tương lai.

Dành lời khuyên cho những người trẻ trước cách mạng 4.0, ông nói: “Đừng làm những điều bình thường, hãy làm những điều khác biệt để làm nên tương lai”.

Cũng chia sẻ với những trăn trở của giới trẻ về việc thích ứng trong kỷ nguyên mới, Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Malaysia Syed Saddiq Syed Abdul Rahman nhấn mạnh: “Tôi có chiến lược khác, tôi không tin rằng người trẻ chỉ cần thích ứng. Thích ứng là theo các quy tắc bình thường nhưng quan điểm của tôi là chúng ta cần suy nghĩ khác đi, vượt ra khuôn khổ của những điều bình thường. Hãy tìm ra những biện pháp không khác thường để tạo ra những kết quả khác thường. Nếu mỗi người trẻ đều tìm ra được đam mê của mình, chúng ta sẽ làm được những điều kỳ diệu”.

HÀ LIÊN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/gioi-tre-asean-va-su-san-sang-cho-cach-mang-40-630369.ldo