Giới trẻ Hàn Quốc: Đừng nhắc đến kết hôn, yêu bản thân là đủ

Không chắc chắn về tương lai, gánh nặng tài chính, thích sự tự do... là những nguyên nhân khiến người trẻ Hàn Quốc ngày càng 'nói không với hôn nhân'.

Đối với Park Hyun Ah (30 tuổi, đến từ Hàn Quốc), cuộc sống luôn đi theo một quỹ đạo nào đó.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Hyun Ah thi đỗ vào một trường đại học uy tín. Cô cho rằng mình sẽ vượt qua kỳ thi lấy bằng luật sư hoặc tìm được công việc ổn định, lương cao. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt khiến cô nhận ra điều đó không hề dễ dàng.

Tốt nghiệp đại học, vấn đề Hyun Ah phải đối mặt đầu tiên là việc làm. Qua một năm tìm kiếm, cô vẫn thất nghiệp.

Tháng trước, cô vừa giành được vị trí hợp đồng tại một cơ quan nhà nước. Vấn đề công việc có thể nói đã phần nào được giải quyết.

Người trẻ Hàn Quốc ngày càng "ngại" kết hôn. Ảnh: Uto Image.

Tuy nhiên, "nhiệm vụ cuối cùng" để có cuộc sống hoàn hảo tại Hàn Quốc là kết hôn. Nhưng giống như nhiều người trẻ hiện nay, Hyun Ah không có tự tin để hoàn thành "nhiệm vụ" ấy.

"Khi lớn lên, tôi luôn tin rằng mình sẽ kết hôn vào một ngày nào đó. Nhưng rồi tôi ngày càng sợ hãi hôn nhân vì có quá nhiều áp lực cuộc sống đè nặng", cô gái 30 tuổi chia sẻ với Korea Herald.

Theo thống kê của Chính quyền Seoul, những người cảm thấy "phải" kết hôn giảm từ 23,5% năm 2006, xuống còn 13,5% năm 2014.

Hàn Quốc cũng thống kê số lượng người đăng ký kết hôn ngày càng giảm. Khoảng 430.000 cuộc hôn nhân được đăng ký năm 1996, trong khi năm 2011 là 300.000. Đến năm 2017, số lượng chỉ còn 260.000.

Thay vào đó, số liệu về những người sống một mình rất đáng chú ý. Tính đến năm 2016, khoảng 5,4 triệu dân Hàn Quốc cô đơn, tăng hơn gấp đôi con số 2,2 triệu vào năm 2000.

Sống cho bản thân, 'tự do là nhất'

Blogger Lee Min Ji kiên quyết bảo vệ quan điểm không hết hôn của mình. Cô hy vọng sẽ cống hiến toàn bộ cuộc sống để phát triển bản thân và sự nghiệp. Về nhu cầu tình cảm, cô cảm thấy hài lòng khi chỉ hẹn hò.

"Tôi có bạn trai từ cách đây 7 năm. Mọi người luôn hỏi tôi: 'Tại sao yêu lâu vậy mà không kết hôn?'. Với tôi, đó là hai việc hoàn toàn khác nhau", cô quan niệm.

Theo Min Ji, hôn nhân tức là luôn làm hài lòng các bậc phụ huynh, bị đè nặng bởi áp lực mang thai, nuôi dạy con cái và không ngừng lo lắng về khả năng ngoại tình của chồng/vợ, trong khi vẫn phải làm tốt công việc của mình. Xem xét về các ưu, khuyết điểm, cô tìm cho mình được rất ít lý do để tổ chức đám cưới.

Trong cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 4 vừa qua bởi các trang web việc làm Hàn Quốc và Albamon, 15% trong số 1.141 nam giới và phụ nữ trưởng thành ở xứ kim chi cho biết họ không bao giờ kết hôn. 15% khác cho biết mình sẽ kết hôn, nhưng đa phần thực hiện việc đó khi có đủ khả năng tài chính.

Giới trẻ Hàn Quốc có quan điểm thế nào về hôn nhân? "Because this is my first life" là bộ phim Hàn Quốc xoay quanh quan điểm sống về tình yêu, hôn nhân và sự nghiệp của giới trẻ nước này.

Tại cuộc bình chọn, những người tôn thờ chủ nghĩa độc thân nói rằng: "Sự tự do và thoải mái tận hưởng thời gian dành cho bản thân là điều hấp dẫn lớn nhất".

Phần lớn đàn ông coi gánh nặng tài chính như lý do để nói không với hôn nhân. Phụ nữ thì lo lắng rằng họ sẽ không còn được chăm chút cho bản thân về mặt nghề nghiệp, giải trí và làm đẹp sau kết hôn.

Lee Joon Hee (27 tuổi, làm việc tại một công ty công nghệ) cảm thấy ý tưởng về ngôi nhà ấm cúng và gia đình nghe khá hấp dẫn. Nhưng suy nghĩ sống chung với người khác trong cùng không gian, chia sẻ những khoảnh khắc thân mật nhất lại rất khó khăn.

"Không hẳn là tôi thích một mình, mà là tôi đã quen với nó", anh nói.

Ngay cả những người nổi tiếng cũng bày tỏ nỗi sợ hãi về hôn nhân. Ngày 19/4, trong chương trình Life Bar của đài TVN, Kim Hee Won thú nhận rằng anh không thực sự quan tâm đến việc tìm vợ.

"Nếu bạn muốn sống thoải mái, hãy sống một mình. Nếu bạn muốn sống hạnh phúc, hãy kết hôn, nhưng đổi lại phải mất nhiều công sức và hy sinh", anh quan niệm.

Thay vì kết hôn, nhiều bạn trẻ Hàn Quốc thích dành thời gian chăm sóc cho bản thân, tận hưởng sự tự do hay theo đuổi sự nghiệp. Ảnh: Tin tức Hàn Quốc.

Trên một chương trình của đài MBN, nữ ca sĩ Lee Bon đã tâm sự về nỗi sợ trước những trách nhiệm. Cô có bạn trai 10 năm, nhưng "không cảm thấy tự tin có thể chịu trách nhiệm cho một người khác", rằng liệu cô có thể đối xử chu toàn với cha mẹ chồng hay không.

Theo Kim Sung Sam - giáo sư tâm lý học tại Đại học Daegu Haany, thế hệ người Hàn Quốc trong khoảng 25-35 tuổi được hưởng "độc quyền" về nhiều thứ, cả vật chất lẫn tinh thần khi lớn lên. Do đó, họ luôn muốn bảo vệ lối sống, cũng như sự hài lòng của bản thân.

Không dám mơ đến tổ ấm hạnh phúc

Đối với nhiều người, vấn đề hôn nhân thật sự phức tạp và đau đầu. Đa số nam giới khi được hỏi đều cho biết họ không muốn kết hôn vì không có khả năng chi trả cho đám cưới, mua nhà ở và nuôi dưỡng con cái.

"Tôi không có công việc ổn định hay lương cao. Cha mẹ tôi không giàu có. Tôi không nghĩ là mình có thể cáng đáng được một gia đình", một người giấu tên chia sẻ.

Kim Hong Joong - giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Seoul - cho hay nhiều người Hàn Quốc coi cuộc sống bình thường của một cặp vợ chồng rất khó nắm bắt, đòi hỏi không ít nỗ lực và hy sinh.

"Nếu việc kết hôn, sinh nở và nuôi dạy con cái trước đây phụ thuộc vào cảm xúc thì giờ đây chuyển thành vấn đề của cuộc sống cần được cân nhắc", ông nói.

Áp lực kinh tế, việc làm khiến nhiều người Hàn Quốc không dám "mơ" đến việc lập gia đình. Ảnh: VieclamHanQuoc.com.

Giáo sư xã hội học tại Đại học Sunghuynkwan - Koo Jung Woo - nhận định lối sống của những người trong độ tuổi 20-30 sẽ đem đến nhiều thay đổi trong truyền thống kết hôn ở Hàn Quốc.

"Thống kê cho thấy những người muốn kết hôn thường có xu hướng tìm vợ hoặc chồng có tài chính tương tự, hoặc hôn nhân giữa con cái các gia đình tài phiệt để duy trì sự giàu có", ông cho biết.

Vấn đề đáng báo động này dẫn đến sự ra đời của các khóa về hôn nhân và gia đình tại một số trường đại học. Mục đích của chúng là giúp người trẻ có cái nhìn đúng đắn về các mối quan hệ, việc tìm bạn đời phù hợp cũng như vấn đề trong xây dựng gia đình.

Ở cấp độ cao hơn, những chính sách khuyến khích hôn nhân, đa dạng hóa hình thức kết hôn cũng là điều cần thiết để thay đổi quan điểm về chuyện "dựng vợ gả chồng" của thế hệ trẻ ở Hàn Quốc.

Ánh Hoàng
Clip: K Wonderland

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/gioi-tre-han-quoc-dung-nhac-den-ket-hon-yeu-ban-than-la-du-post842822.html