Giới trẻ khởi nghiệp với đồ handmade

Hiện nay, xu hướng khởi nghiệp bằng đồ handmade (sản phẩm thủ công) được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Mỗi món đồ handmade đều chứa đựng sự độc đáo, sáng tạo, tiếp cận được nhiều tệp khách hàng, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Trong số những người trẻ lựa chọn hình thức khởi nghiệp này có chị Phan Thị Kim Ngân (ấp 3, xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) và Vương Tường Quân (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Chị Vương Tường Quân (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) tận dụng thời gian rảnh cuối tuần để làm sản phẩm handmade

Chị Vương Tường Quân (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) tận dụng thời gian rảnh cuối tuần để làm sản phẩm handmade

Có thêm thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/tháng

Bên cạnh công việc chính là nhân viên tuyển dụng, đào tạo, chị Vương Tường Quân (SN 2001) còn tận dụng thời gian rảnh phát triển cửa hàng online, chuyên cung cấp những sản phẩm túi, nón, áo len thủ công.

Chia sẻ về cơ duyên khởi nghiệp mặt hàng này, chị Quân cho biết: “Trong đợt dịch Covid-19, tôi thường xem video trên YouTube để tìm hiểu và học cách móc len. Dần dần, tôi nhận thấy tiềm năng của nghề này nên quyết định khởi nghiệp. Nguồn vốn ban đầu đến từ khoản tiền tiết kiệm cá nhân rồi dần phát triển thêm”.

Chị Quân tâm sự, giai đoạn đầu khởi nghiệp gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong khâu lựa chọn nguồn nguyên, vật liệu. Để tạo ra những sản phẩm khác biệt, đáp ứng thị hiếu, bền và đẹp, chị Quân dành nhiều tâm sức lựa chọn những cuộn len hiếm, độc, lạ. Chị thường tìm kiếm trên những sàn thương mại điện tử, cửa hàng len trực tuyến ở nước ngoài nên giá nhập cao, thậm chí không nhập đủ nguyên liệu mới lạ để phục vụ nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, thời gian sau, mọi thứ dần ổn định, chị Quân tìm được “mối” cung cấp len cuộn chất lượng, màu sắc đa dạng, bắt mắt,...

Hiện tại, ngoài công việc tại văn phòng, chị Quân còn dành thời gian cuối tuần để nhận đơn đặt hàng và thực hiện theo yêu cầu của khách. Thu nhập trung bình mỗi tháng từ công việc này dao động khoảng 3-4 triệu đồng. Chia sẻ về dự định tương lai, chị Quân cho biết sẽ phát triển cửa hàng online, tạo ra những món đồ có giá trị cao và thân thiện với môi trường.

Tạo việc làm cho những bạn trẻ khác

Chị Phan Thị Kim Ngân (SN 2001) được bạn bè, người thân nhận xét khéo tay, có gu thẩm mỹ tốt. Ban đầu, chị Ngân chỉ làm đồ handmade vì sự yêu thích, dần nhận ra niềm đam mê với mặt hàng này nên quyết định khởi nghiệp. Hiện chị Ngân chủ yếu làm những sản phẩm liên quan đến len như móc khóa, hoa, quần áo, túi xách, kẹp tóc, khăn choàng,... theo yêu cầu của khách hàng.

Chị Phan Thị Kim Ngân chủ yếu kinh doanh những sản phẩm thủ công như móc khóa len, hoa len, gấu bông len,...

Chị Phan Thị Kim Ngân chủ yếu kinh doanh những sản phẩm thủ công như móc khóa len, hoa len, gấu bông len,...

Cuối năm 2023, chị Ngân dùng số vốn 2 triệu đồng tích lũy được để mua nguyên, vật liệu. Đến thời điểm hiện tại, với tổng số vốn đầu tư hơn 10-20 triệu đồng, chị có thu nhập khoảng 6-12 triệu đồng/tháng nhờ “tiếng lành đồn xa”, nguồn khách hàng ổn định. Chị Ngân cho biết: “Tôi chủ yếu bán sản phẩm thủ công trên fanpage. Mỗi dịp cuối tuần, tôi sẽ bán trực tiếp tại công viên, những hội chợ khởi nghiệp do địa phương kết nối. Ngoài ra, mọi người cũng có thể đến nhà tôi lựa chọn sản phẩm nếu có nhu cầu”.

Để bảo đảm tiến độ và mở rộng quy mô kinh doanh, chị Ngân còn hợp tác với các bạn trẻ có cùng đam mê móc len. Chị Ngân chủ động tìm kiếm những bạn có tiềm năng trên các hội, nhóm, sau đó trao đổi và thống nhất mặt hàng sẽ kinh doanh. Khi những bạn này gửi hàng đến nhà, chị Ngân chịu trách nhiệm kiểm tra và bày bán. Nhờ vậy, ngoài tạo nguồn thu nhập ổn định cho bản thân, chị Ngân còn hỗ trợ những bạn trẻ khác có việc làm, thu nhập.

Góc làm sản phẩm thủ công của chị Phan Thị Kim Ngân (ấp 3, xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)

Góc làm sản phẩm thủ công của chị Phan Thị Kim Ngân (ấp 3, xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)

Chị Ngân chia sẻ: “Việc bảo đảm sự đồng đều và tinh xảo trong từng chi tiết sản phẩm là vô cùng quan trọng, bởi những mặt hàng lỗi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số bán hàng. Ngoài ra, tôi cũng lắng nghe ý kiến của khách và không ngừng trau dồi kỹ năng để tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo”.

Xu hướng người trẻ khởi nghiệp bằng đồ handmade không chỉ mang lại thu nhập mà còn tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, mang đậm dấu ấn cá nhân. Đây là một hướng đi mới mẻ, tiềm năng cho giới trẻ trong thời đại kinh tế số./.

Ngọc Hân

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/gioi-tre-khoi-nghiep-voi-do-handmade-a176106.html