Giới trẻ Nam bộ có còn 'mê' cải lương?

Những ngày đầu năm mới, NSUT Kim Tử Long và Bảo Trân trải lòng với PV Báo Lao Động về nghệ thuật cải lương ngày một lụi tàn. Trong đó có việc giới trẻ Nam bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng ngày càng xa rời cải lương để đến với nhiều loại hình giải trí mới.

Giới trẻ ngày càng xa rời nghệ thuật cải lương.

Giới trẻ ngày càng hết "mê" cải lương

Thập niên 60 là thời kỳ cải lương hưng thịnh nhất, lấn át cả tân nhạc, thu hút mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có đông đảo giới trẻ.

Tuy nhiên, hiện nay cải lương ngày càng lụi tàn, không thu hút được khán giả đến xem nhất là giới trẻ, học sinh và sinh viên.

“Những ngày nghĩ lễ, em và các bạn thường rủ nhau đi xem phim, xem ca nhạc là chính. Còn cải lương thì tụi em không thích nên không đến rạp cải lương bao giờ.” - Nguyễn Tuấn Anh – Học sinh trường PTTH Nguyễn Khuyến, quận 10, TPHCM nói.

“Em chỉ thấy các rạp chiếu phim và sân khấu ca nhạc mọc lên khắp nơi, khi muốn xem, tụi em dễ dàng tìm đến các địa điểm này xem. Trong khi sân khấu cải lương em không thấy đâu, có muốn xem đi nữa thì cũng không biết xem ở đâu.” – Lê Hoàng Cúc – Sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM nói.

Nghệ sỹ Kim Tử Long trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề giới trẻ “quên” cải lương.

Nguyên nhân dẫn đến cải lương không hút được giới trẻ

Chiều 4.1 trao đổi với PV Báo Lao Động, NSUT Kim Tử Long cho biết, cải lương không thu hút được giới trẻ đến xem là vì giá vé quá cao và chưa có nhiều suất diễn để giới trẻ lựa chọn.

“Vé xem phim hay ca nhạc chỉ dao động từ 50.000 đến 200.000 đồng, trong khi vé xem cải lương từ 400.000 – 2 triệu đồng. Vì vậy, với giới trẻ và học sinh, sinh viên không thể bỏ tiền triệu đến xem cải lương được.” – NSUT Kim Tử Long nói.

NSUT Kim Tử Long cũng phân tích thêm, hiện nay môn nghệ thuật cải lương chưa có sân khấu riêng để biểu diễn nên toàn phải đi thuê. Vì chi phí thuê sân khấu quá cao nên dẫn đến giá vé bị đội lên. Mặt khác, môn nghệ thuật này không được biểu diễn thường xuyên và chỉ tổ chức ở một vài địa điểm nên không thu hút được giới trẻ.

Theo NSUT Quế Trân, trong thời đại xã hội ngày càng phát triển, đi kèm với sự phát triển là có thêm nhiều loại hình giải trí từ điện ảnh, ca nhạc, văn hóa, thể thao,… đã giúp khán giả trẻ có nhiều sự lựa chọn. Trong khi đó, sàn diễn cải lương thuộc về nghệ thuật truyền thống nên không phù hợp với giới trẻ, chỉ phù hợp với người dân lớn tuổi.

Theo nghệ sỹ Quế Trân cần xây dựng kịch bản cải lương theo thị hiếu và nhu cầu của giới trẻ.

Giải pháp để kéo giới trẻ đến với cải lương

Theo NSƯT Kim Tử Long, để kéo giới trẻ đến với nghệ thuật cải lương, trước hết cần phải giảm giá vé xuống thấp phù hợp với túi tiền của sinh viên, học sinh.

Mới đây, ngành cải lương đã thành lập được Hiệp hội Sân khấu cải lương để hỗ trợ ngành phát triển.

"Nếu môn nghệ thuật cải lương được xây sân khấu riêng, không phải đi thuê thì giá vé sẽ giảm phù hợp với giới trẻ. Bên cạnh đó, cần phải tổ chức những chuyến biểu diễn lưu động đến các khu công nghiệp, trường Đại học, trường PTTH để thu hút giới trẻ đến xem.”- NSƯT Kim Tử Long nói.

Giá vé cải lương cao chưa phù hợp với giới trẻ học sinh, sinh viên

Nghệ sĩ trẻ Quế Trân thì cho rằng, để thu hút khán giả trẻ đến với cải lương, cần dựng nên kịch bản phù hợp với những vấn đề mà giới trẻ quan tâm.

“Để phù hợp hơn với nhu cầu và thị hiếu giới trẻ, cần tìm hiểu xem giới trẻ ngày nay quan tâm đến những vấn đề gì để đầu tư cho các chương trình cải lương truyền hình dưới dạng game show. Bên cạnh đó, cần đưa cải lương vào học đường, dàn dựng những kịch bản văn học, lịch sử và cả những đề tài mang hơi thở cuộc sống.”- Nghệ sỹ Quế Trân nói với PV báo Lao Động.

Huân Cao

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/giai-tri/gioi-tre-nam-bo-co-con-me-cai-luong-650319.ldo