Giới trẻ Trung Quốc với nhu cầu được giáo dục giới tính toàn diện

Chính phủ Trung Quốc vừa ra mắt 'Sáng kiến Trung Quốc lành mạnh (2019 - 2030)', có một số yếu tố mới liên quan đến giáo dục giới tính toàn diện. Để đánh dấu dịp này, UNESCO đã tổ chức một cuộc đối thoại chính sách vào ngày 21/ 8 tại Bắc Kinh, với sự tham gia của đại diện Liên hợp quốc, các tổ chức y tế, giáo dục, xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông để thảo luận về báo cáo GEM mới và tài liệu chính sách của UNESCO, 'Đối mặt với sự thật: Giáo dục giới tính cần thay đổi'.

Các nữ sinh cần được giáo dục để tự ý thức về bản thân.

Các nữ sinh cần được giáo dục để tự ý thức về bản thân.

Chủ đề này đã tạo nên tiếng vang ở trong nước. Guo Yueping, một nữ sinh viên đại học 21 tuổi và là thành viên năng động của Mạng lưới Thanh niên Trung Quốc chia sẻ: “Giáo dục giới tính ở cấp phổ thông chỉ giới hạn ở một số kiến thức cơ bản về hệ thống sinh sản được truyền đạt trong các giờ sinh học và một trao đổi ngắn chỉ dành cho nữ về kinh nguyệt. Tôi cũng từng chính kiến hai sinh viên mang thai ngoài ý muốn đã bị buộc thôi học”.

Chỉ một nửa số học sinh trong số 30 trường trung học trên sáu tỉnh và thành phố ở Trung Quốc nhất trí rằng các cô gái nên nói chuyện với ai và khi nào nên kết hôn. Một nửa không đồng ý với nhận định rằng “một phụ nữ có thể từ chối quan hệ tình dục với chồng của mình”.

Tương tự, Mạng lưới Thanh niên ở Trung Quốc và Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy chỉ 10% trong số gần 20.000 sinh viên đại học từ hơn 130 trường đại học được khảo sát đã được tham gia khóa giáo dục giới tính tại trường tiểu học. Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy những sinh viên trẻ tuổi thường thiếu hiểu biết về giới tính, bạo lực, tránh thai và dễ mang thai sớm và ngoài ý muốn, cũng như có hiểu biết hời hợt về HIV, đặc biệt là ở học sinh nông thôn.

Tăng cường giáo dục giới tính tại các tỉnh nông thôn. China Daily

Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết khoảng cách này bằng cách thúc đẩy giáo dục đồng đẳng trong giới trẻ. Bà Hong Ping, Ủy viên Ban chấp hành Hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi gọi đó là chương trình sức khỏe vị thành niên để tránh sự phản đối không cần thiết, nhưng thực chất nó là giáo dục giới tính bao gồm các khía cạnh sinh lý, tâm lý, đạo đức và pháp lý. Giờ đây, chương trình này đã trở thành một trong mười chương trình chính phủ có thương hiệu hàng đầu tại các cơ sở giáo dục”.

Josephine Sauvarin, cố vấn thanh niên của UNFPA chia sẻ rằng chương trình không chỉ nói về khía cạnh tình dục. Sự thiếu hiểu biết về bình đẳng giới, sự đồng thuận và quyền lợi sẽ dẫn đến phân biệt đối xử và bạo lực giới, cũng như những hệ lụy kiểu mang thai sớm và ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục…

Mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng về tác động tích cực của chủ đề này, việc thực thi chương trình vẫn bị cản trở bởi sự phản đối của xã hội do những quan niệm sai lầm rằng chương trình có thể phát sinh mâu thuẫn với văn hóa truyền thống và vẫn còn nhiều rào cản hoạt động như không đủ hỗ trợ cho giáo viên, thiếu nguồn lực thích hợp.

Giáo sư Gu Mingyuan, thành viên của Ủy ban tư vấn giáo dục quốc gia cho biết: “Sự chậm tiến bộ trong quá trình thực hiện cả do nhận thức xã hội và phương pháp luận. Giáo dục giới tính không chỉ là về hành vi tình dục mà còn chứa rất nhiều chủ đề liên quan đến đời sống giới trẻ”.

Thâm Quyến được biết đến là một trong số ít các thành phố trong cả nước phổ cập giáo dục giới tính ở trường. Tuy nhiên, ngay cả ở đó, cô Zhang Ling, Phó trưởng ban Giáo dục Đạo đức, Thể chất, Sức khỏe và Nghệ thuật của Phòng Giáo dục Thâm Quyến giải thích rằng từ năm 2008, do cải cách giáo dục bắt buộc, hầu hết các trường học đã bãi bỏ các lớp giáo dục sức khỏe này. Bây giờ có lẽ chỉ 10% các trường vẫn đang duy trì những chương trình tương tự. Dù có những giáo viên sẵn sàng tham gia, trường cũng không có kinh phí thêm cho những giờ học này.

Phụ huynh quan tâm lắng nghe tích cực

Theo Guo Yueping, giống như nhiều người trẻ ở độ tuổi của mình, ở tuổi thiếu niên, cô sẽ trò chuyện với bạn bè về những vấn đề này và ít phải trao đổi với phụ huynh vì e ngại làm như vậy sẽ phá vỡ những điều cấm kỵ vô hình.

Hong Ping trích dẫn một cuộc khảo sát của CFPA vào năm 2014 cho thấy 80% cha mẹ cảm thấy không thể nói chuyện với trẻ em về sức khỏe sinh sản và tình dục. Tổ chức này đã điều hành một chương trình nhằm tăng cường kiến thức cho phụ huynh về sự tự tin cũng như kỹ năng giao tiếp với con cái về tình dục, giới tính và sức khỏe sinh sản. Hiện tại chương trình này đang được triển khai ở hầu hết các tỉnh của Trung Quốc. Ông Hong Ping cho hay chương trình phổ biến đến mức ở một số nơi, phụ huynh phải chờ xếp hàng để có thể đăng ký tham gia.

Hani

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/tam-nhin-unesco/gioi-tre-trung-quoc-voi-nhu-cau-duoc-giao-duc-gioi-tinh-toan-dien-156266.html