Giống cà tím lai số 1

Giống cà tím lai số 1, do TS. Đào Xuân Thảng và cộng sự Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, chọn tạo bằng sử dụng ưu thế lai F1.

Đặc điểm giống: Cà tím lai số 1 có thời gian sinh trưởng 135-150 ngày. Dạng cây thân gỗ nhỏ. Phân cành trung bình. Cây cao trung bình 80-100cm. Khả năng sinh trưởng khỏe. Chống chịu sâu bệnh tốt. Thích ứng rộng. Chịu hạn khá. Không chịu được mưa úng kéo dài. Lá cây hình trứng chẻ thùy. Phiến lá có lớp lông mỏng thô ráp. Hoa màu tía. Năng suất trung bình đạt 50-60 tấn/ha. Thâm canh tốt có thể đạt 75 tấn/ha. Thời gian cho thu quả sau trồng khoảng 2 tháng. Quả dài 25-30cm. Đường kính quả 5,5-6,5cm. Thuộc loại quả mọng, nhiều cùi thịt. Độ Brix đạt 4,6-5,0%. Khi chín vỏ quả bóng, màu tím hồng. Thích hợp cho ăn tươi.

Cà tím lai số 1 năng suất ổn định

Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:

Vụ xuân và vụ hè gieo hạt từ 15/1-15/5, trồng từ 20/2-20/6. Thích hợp trồng trên đất cát pha hoặc thịt nhẹ, thuận tiện tưới tiêu. Ruộng cày bừa kỹ, dọn sạch cỏ dại. Lên luống rộng 1,6m (cả rãnh), cao 25-30cm. Yêu cầu không để ruộng cà tím bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây ô nhiễm (bãi rác, nghĩa địa, các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm...).

Mật độ trồng 30-32 vạn cây/ha. Khoảng cách 80 x 50cm/cây. Xẻ rạch trồng 2 hàng trên luống.

Phân bón (1ha): 10-15 tấn phân hữu cơ vi sinh sông Gianh; 330-370kg đạm Urê; 700- 750kg Supe lân; 270-300kg Kali Clorua. Nếu đất có pH kcl dưới 6 cần bón thêm 400kg vôi bột. Bón lót toàn bộ phân hữu cơ vi sinh và phân lân. Bón thúc lần 1 (sau trồng 10-15 ngày): 50-60kg đạm + 50-60kg kali. Bón thúc lần 2 (sau trồng 30-40 ngày): 70-80kg đạm + 70-80kg kali. Bón thúc lần 3 (sau trồng 55-60 ngày): 170-180kg đạm +170-180kg kali.

Lưu ý: Bón vôi (nếu cần) kết hợp với cày phơi ải đất. Sau các lần bón thúc cần xới xáo vun luống và lấp đất kín phân. Sau thu quả lần đầu nếu vườn cà sinh trưởng kém, có thể ngâm phân chuồng hoai mục với nước để tưới cây hoặc sử dung phân bón qua lá.

Chăm sóc: Tưới nước duy trì độ ẩm đất vườn thường xuyên ở mức 65-75% sức giữ ẩm đồng ruộng. Tỉa cành sớm chỉ để lại 3 cành nhánh chính trên cây. Làm sạch cỏ dại kết hợp vun xới loại bỏ cây bệnh, cây lẫn tạp. Sau trồng 25-30 ngày tiến hành làm gián chống đổ cây, đảm bảo các cành và tầng quả không chạm đất, bị nhiễm bẩn và sâu bệnh. Rút nước kịp thời khi thời tiết mưa to.

Phòng trừ sâu bệnh: Thu gom tiêu hủy triệt để mọi tàn dư thực vật trên ruộng trước khi trồng. Cày phơi ải đất để hạn chế mầm, trứng sâu bệnh lưu chuyển từ vụ trước sang vụ sau. Luân canh cà tím với lúa nước. Tuyệt đối không trồng cà tím trên chân ruộng vụ kế trước trồng các cây học cà (ớt, cà chua, khoai tây, cà bát, cà pháo, thuốc lá, thuốc lào...). Xử lý đất bằng thuốc Basudin hoặc Vibam 5H (liều lượng 25kg/ha).

Kiểm tra ruộng thường xuyên để phát hiện và diệt trừ sớm các ổ trứng sâu non. Sử dụng thuốc Sherpa 25EC 0,1% hoặc Cyperkill 10EC 0,1% để trừ sâu xanh, sâu đục quả (phun thuốc vào chiều mát). Các thuốc Zineb 80WP 0,1% hoặc Dacolin 75WP 0,2%; Ridomil 72WP nồng độ 0,15%... cho trừ bệnh sương mai. Actara, Sherzol, Sagosuper trừ bọ trĩ, rầy xanh, nhện. Ofunack, Trigrad trừ sâu vẽ bùa. Coe 85, Topsin, Vanicide phòng bệnh chết cây. Chú ý, tuân thủ thời gian cách ly của từng loại thuốc ghi trên bao gói.

Thu hoạch khi vỏ quả chuyển từ màu tím sang màu tím hồng. Thu quả quá sớm hoặc quá muộn đều ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị cà thương phẩm. Thời kỳ quả rộ cần thu quả hàng ngày. Đầu vụ và cuối vụ cách 2-3 ngày thu quả 1 lần.

Các địa phương đã áp dụng thành công: Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu...

NGUYỄN HẢI TIẾN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/giong-ca-tim-lai-so-1-post237551.html