Giọt mặn trên má diêm dân

Làm muối vốn là một công việc nặng nhọc, vất vả thế nhưng với những diêm dân xứ Thanh, việc này giờ đây chỉ dành cho người trung tuổi, phụ nữ và trẻ nhỏ. Thanh niên trai tráng, người đủ sức khỏe giờ đều rời bỏ quê hương, lên thành phố làm thuê, vào các công ty, xí nghiệp hoặc đi tha phương nơi xứ người…

Diêm dân ở đồng muối Tam Hòa (Hòa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) thu muối về

Diêm dân ở đồng muối Tam Hòa (Hòa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) thu muối về

Nghề làm muối bao giờ hết... chát?

Khi ánh mặt trời rọi xuống như đổ lửa, mọi người tìm cách trú nắng, thì cũng là lúc hàng trăm diêm dân xã Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đang “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên cánh đồng bỏng rát, để mưu sinh.

Quệt những giọt mồ hôi đặc quánh, mặn chát, ông Lê Văn Lộc – thôn 2 Tam Hòa (xã Hòa Lộc), nói: “Gia đình tôi có 1.137m2 đất làm muối, cả nhà đều trông chờ tất vào đây. Không đủ ăn, tôi lại phải mượn thêm hơn 1.000m2 đất của những hộ bỏ hoang để làm. Chính vụ từ tháng 5 – 7, nhưng gia đình tôi vẫn tận dụng làm dai dẳng cả năm”. Ông Lộc nhẩm tính: “Cả năm 2018, trừ chi phí, gia đình tôi thu được vài ba chục triệu đồng. Vắt kiệt cả sức lao động vậy mà mỗi năm thu được có đáng là bao. Các con tôi lại phải ra ngoài làm thuê để kiếm thêm thu nhập chứ không thì chẳng đủ chi tiêu và sinh hoạt”.

Vừa tưới nước lên mặt sân phơi cát, bà Đào Thị Hon, ở thôn Tam Hòa vừa tâm sự: “Trời nắng càng bỏng rát thì hạt muối càng trắng, càng trong. Còn trời mát hay đổ mưa coi như thất bát. Nhà tôi có hơn 1.300m2 đất làm muối. Năm nay, trời nắng nhiều, nên sản lượng muối cũng tăng lên, tuy vậy giá muối bây giờ cao nhất cũng chỉ được 2.200 đồng/kg thôi. Nhưng nếu không làm muối, chúng tôi cũng chẳng biết làm gì để sống. Vả lại, bỏ đi nghề đi, sẽ là người có tội với cha, ông”.

Người làm muối phơi cát

Cùng tâm trạng như ông Lộc, bà Hon, ông Trương Công Tự (65 tuổi), Đào Thị Cúc (65 tuổi), ở thôn 2 Tam Hòa, tâm sự: “Gia đình tôi có 1.200m2 (phần ruộng 6 khẩu), nhưng chỉ còn 2 lao động là tôi và bà ấy. Các con, cháu bây giờ chúng nó không muốn làm muối nữa. Đứa nào lớn lên, đều lo đi tìm việc khác để làm, vì thực ra hiện nay làm muối không có thu nhập. Chỉ có điều, những người trung tuổi, người già như chúng tôi không còn việc gì để làm, nên đành phải bám vào đồng muối thôi”.

Mỗi vụ muối diêm dân đầu tư cũng khá tốn kém. Hàng năm, nếu chỉ tu sửa đồng, ruộng thì cũng đã mất khoảng dăm, bảy triệu đồng (gồm sân phơi, ô chạt, cát giống…), còn làm mới, người dân phải mất khoảng trên chục triệu đồng, chưa tính đến tiền làm nhà kho, khoảng chừng trên dưới hai chục triệu đồng nữa. Vậy mà, cả ngày làm quần quật trên cánh đồng, cật lực lắm thì họ chỉ thu được từ 120.000 – 130.000 đồng/người/ngày. Đó là chưa kể thất bát do thời tiết.

Ông Đào Nguyên Hồng – Chủ nhiệm HTX dịch vụ sản xuất muối Tam Hòa, xã Hòa Lộc dẫn chúng tôi ra khu sản xuất muối của bà con. Đứng trên bờ ruộng nhìn ra cánh đồng muối trắng tinh, ông Hồng lắc đầu, chép miệng: “Diêm dân vui vẻ là vậy, nhưng trong sâu thẳm của người làm ra hạt muối, ai cũng biết niềm vui ấy cũng chỉ trong gang tấc mà thôi. Bao nhiêu năm nay, theo quy luật của nghề muối, trời càng nắng to, nắng kéo dài khoảng hai tuần trong tháng thì coi như hạt muối rẻ mạt”.

Nhọc nhằn gắn bó với nghề

Theo ông Hồng, làm muối là nghề truyền thống của địa phương, duy trì hàng trăm năm nay. Hầu hết các công đoạn làm muối ở đây vẫn theo phương pháp thủ công, truyền thống.

Trước kia, cả xã Hòa Lộc cùng làm muối, nhưng do nghề này quá vất vả, thu nhập thấp nên diện tích sản xuất muối đang bị thu hẹp dần. “Năm nay trong cả tháng 6 có tới 29 ngày nắng, nên sản lượng muối của bà con cũng thu được khá nhiều, dù giá muối đạt mức 2.200 đồng/kg muối khô, nhưng tính ra, ngày công của người làm muối cũng không đáng kể.

Trong khi đó, trước khi bước vào vụ muối, bà con phải bỏ tiền tu sửa ô nại, sân phơi cát khá tốn kém. Bình quân cứ 10m2 ô phơi muối, bà con phải bỏ chi phí 2 triệu đồng. Như vậy, một gia đình có khoảng 1.200m2 đồng muối, thì trừ phần sân phơi cát đi, sẽ còn lại khoảng 300m2 ô nại phơi muối.

Với giá chi phí như vậy, nếu phải đầu tư mới toàn bộ ô phơi muối, thì số tiền sẽ lên vài chục triệu đồng. Ở Hòa Lộc hiện nay, chỉ còn hơn 87ha đất dành cho đồng muối, bao gồm cả kênh mương, đường giao thông và 14ha hồ lấy nước biển. Trong đó, có khoảng 2ha diện tích đất không được canh tác thường xuyên.

Diện tích sản xuất thường xuyên còn 43,7ha bao gồm cả sân phơi cát. Hiện, chỉ còn với 384 hộ giữ nghề làm muối thôi, mà chủ yếu là người trung tuổi, người già. Còn lứa tuổi thanh niên, trai trẻ thì các cháu đều đi làm công ty hết rồi” – ông Hồng cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, cho biết: Những năm trước đây, thu nhập bình quân đầu người của làng muối Tam Hòa chỉ vài chục nghìn đồng mỗi tháng. Thời gian gần đây, do giá muối tăng cao nên thu nhập cho người dân đã lên chừng hơn trăm nghìn đồng mỗi ngày. Mặc dầu vậy, chính quyền xã Hòa Lộc vẫn rất băn khoăn trước tình trạng giá muối còn ở ngưỡng rất thấp, nên diêm dân vẫn luôn đối mặt với cảnh “muối chát”.

Không riêng gì ông Tuấn, tất cả người làm muối hiện nay cũng rất buồn phiền vì giá muối không bao giờ tăng lên. Họ chỉ mong sao Nhà nước có chính sách đầu tư, hỗ trợ vốn cho diêm dân có điều kiện xây dựng ô, nại, chạt, bể lắng lọc, sân phơi... để sản xuất muối. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xây dựng mức giá sàn chung cho hạt muối trong cả nước để ngăn chặn tình trạng đầu nậu, tư thương ép giá của bà con làm muối hiện nay.

Mặc dầu các địa phương đã có dự án cải tạo cánh đồng muối nhằm giảm chi phí đầu tư cho người dân cũng như nâng cao sản lượng; cùng với đó là khuyến khích bà con giữ nghề truyền thống… Thế nhưng, bám nghề thì đói, nên đa phần diêm dân vẫn bỏ quê đi làm ăn xa, nguy cơ mất đất, mất nghề chỉ còn là thời gian.

Sẽ không còn nghề muối?

Nghề làm muối ở Tam Hòa bây giờ chỉ còn người trung tuổi

Ở Thanh Hóa, cuộc sống của người làm muối trước đây rất khó khăn do giá muối rẻ mạt và bấp bênh. Thời gian gần đây, tuy giá muối có tăng cao so với trước, thế nhưng hiệu quả vẫn luôn “bị động” do quy trình sản xuất vẫn theo cách thủ công, truyền thống.

Là người bám nghề đã mấy chục năm, ông Vũ Thế Thiêm (75 tuổi), ở thôn 2 Tam Hòa, chia sẻ: “Năm nay, tôi không còn sức để ra đồng muối nữa. Các con của tôi cũng đã bỏ nghề muối, đi tìm việc ở nơi khác. Vì thế, phần ruộng muối của nhà tôi cũng cho người khác làm rồi. Nói thật với các anh, tôi mà không già yếu, thì vẫn phải bám cái nghề muối này, vì nếu không làm muối, chúng tôi cũng chẳng còn cách gì để nuôi sống bản thân.

Từ đời này qua đời khác, ông bà, bố mẹ truyền cho con cháu làm muối, dù giá cao hay thấp thì bà con cũng phải bám nghề. Bây giờ, giá muối thời điểm này tăng, là bà con cũng thấy phấn khởi rồi, vì chưa bao giờ giá muối lên được như vậy. Tôi luôn cầu mong giá muối đừng tụt xuống như các năm trước nữa, nếu không cuộc sống của bà con diêm dân ở Tam Hòa này vất vả lắm”.

Một nghịch lý tồn tại từ lâu, là ngoài một số ít công ty thu mua lẻ, còn lại hầu hết bà con vẫn phải tự đạp xe rong ruổi đến gõ cửa từng nhà dân để bán muối. Chỉ tính riêng 2 thôn Tam Hòa, đã có gần 500 người (chủ yếu là đàn ông, thanh niên) bỏ nghề đi làm thuê nơi đất khách, quê người. “Năm ngoái, sản lượng muối của bà con ở Tam Hòa đạt khoảng 87 tấn/ha. Nếu tính chi ly để chia tiền công làm muối hàng ngày ra, thì mỗi lao động chỉ được 120.000 đồng/ngày công” - ông Chủ nhiệm HTX muối Tam Hòa bộc bạch.

Đi với chúng tôi ra khu sản xuất muối của bà con, ông Nguyễn Văn Huân – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc bảo rằng: Mỗi ngày HTX muối Tam Hòa sản xuất hàng chục tấn muối thô. Sau khi thu hoạch, HTX nhập cho Công ty Muối Thanh Hóa một phần, bà con tự bán lẻ và tư thương bên ngoài về thu mua một phần. Số muối còn lại được bà con lưu giữ trong kho của gia đình.

HTX muối Tam Hòa cũng đã nhiều lần tìm phương án để giúp diêm dân như, đào tạo nghề theo công nghệ mới, hoặc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất muối sạch. Tuy nhiên, tất cả vẫn mới dừng lại ở dự kiến, hay kế hoạch vì không có kinh phí.

Trước kia, khi đảm nhiệm chức Chủ nhiệm HTX muối Tam Hòa, ông Huân cũng từng có ý tưởng phải đào tạo nghề làm muối cho diêm dân như thế nào, để họ sản xuất có hiệu quả, đem lại giá trị thu nhập cao...

“Nhà nước cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ vốn cho diêm dân có điều kiện học tập theo phương thức tân tiến, xây dựng ô, nại, chạt, bể lắng lọc, sân phơi... để sản xuất muối có chất lượng cao, giá bán cao hơn. Bên cạnh đó, cần xây dựng mức giá sàn chung cho hạt muối trong cả nước để ngăn chặn tình trạng đầu nậu, tư thương ép giá muối như hiện nay”- ông Huân nói.

Trao đổi về vấn đề nghề muối của địa phương, bà Nguyễn Thị Liên – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hậu Lộc, cho biết: Trước thực trạng nghề muối ở Hậu Lộc, huyện đang xây dựng đề án chuyển đổi nghề muối sang nghề khác. Theo đó, lộ trình từ nay đến năm 2025, huyện Hậu Lộc sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích đất đồng muối sang nuôi trồng thủy sản.

“Theo đề án quy hoạch của Tỉnh ủy Thanh Hóa, đến năm 2025, toàn bộ diện tích đất đồng muối từ trước đến nay sẽ được chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng thủy sản và ngành nghề khác. Hiện nay, UBND huyện Hậu Lộc đang giao cho Phòng NN&PTNT xây dựng đề án này. Như vậy, khi đề án này hoàn thiện, thì toàn bộ diện tích đồng muối của xã Hòa Lộc và Hải Lộc sẽ không còn nữa. Nghề muối cũng sẽ không còn, vì thực tế từ trước đến nay giá trị của muối quá thấp”- bà Liên cho hay.

Rời đồng muối Tam Hòa, trên đường trở về thành phố, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp một người chạy xe máy, chở theo sau bao tải muối trắng, len lỏi vào phố phường. Kèm theo chiếc xe muối, là tiếng rao phát ra từ chiếc loa mi ni... muối.... đê. Và tôi thầm nghĩ, khi đề án chuyển đổi nghề muối sang nghề khác theo quy hoạch của tỉnh Thanh Hóa thành công, thì nghề làm muối bao đời nay ở xứ Thanh sẽ trở thành mai một.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/giot-man-tren-ma-diem-dan-4022903-b.html