GIỮ CHẤT LƯỢNG HUẤN LUYỆN TRONG NẮNG NÓNG

Những năm gần đây, thời tiết, khí hậu diễn biến cực đoan; vào mùa hè, nhiệt độ thường tăng cao, nắng nóng kéo dài. Trong khi đó, nhiệm vụ huấn luyện của bộ đội cơ bản ở ngoài trời. Trên thao trường, những ngày nắng nóng nền nhiệt thường hơn 40 độ C, có nơi, có lúc tăng tới gần 50 độ C, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bộ đội và công tác huấn luyện của các đơn vị.

Trước thực tế đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp khoa học, đồng bộ để giữ vững và nâng cao chất lượng huấn luyện, bảo đảm an toàn sức khỏe của bộ đội. Tuy nhiên, ở một số đơn vị có cán bộ còn lúng túng, cơ quan tham mưu chưa kiểm tra giám sát kỹ càng nên chất lượng huấn luyện mùa nắng nóng còn bị ảnh hưởng.

 Bộ đội Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 20, Sư đoàn 330, Quân khu 9) huấn luyện nội dung “Trung đội bộ binh mở cửa đánh chiếm đầu cầu”. Nguồn: qdnd.vn.

Bộ đội Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 20, Sư đoàn 330, Quân khu 9) huấn luyện nội dung “Trung đội bộ binh mở cửa đánh chiếm đầu cầu”. Nguồn: qdnd.vn.

Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động điều chỉnh nội dung, thời gian huấn luyện như: Thời gian huấn luyện buổi sáng được đẩy lên sớm hơn. Khi nền nhiệt trong ngày còn thấp, các đơn vị triển khai huấn luyện các nội dung có cường độ hoạt động cao như chiến thuật, kỹ thuật, võ thuật... Vào buổi chiều thì quy trình đó được thực hiện ngược lại. Thời điểm nắng nóng thì bố trí các nội dung huấn luyện trong nhà hay dưới bóng cây như chính trị, hậu cần, quân y, tài chính... Việc kéo dài thời gian nghỉ cho bộ đội vào giữa trưa khi ngưỡng nhiệt trong ngày tăng cao nhất cũng được áp dụng, kết hợp với bổ sung các vật dụng che chắn trên thao trường, trận địa. Thực hiện rút ngắn thời gian và tăng số ca, kíp trực để cán bộ, chiến sĩ được xoay vòng nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe.

Chúng tôi cho rằng, một trong những nguyên tắc mà cấp ủy, chỉ huy các cấp phải nắm và vận dụng linh hoạt, đó là tăng dần cường độ huấn luyện một cách khoa học để bộ đội từng bước thích nghi với nắng nóng. Một mặt phải tăng cường rèn luyện thể lực, tăng độ dẻo dai, để bộ đội có đủ sức khỏe hoạt động trong điều kiện phức tạp. Cần tuyệt đối tránh huấn luyện một cách máy móc, duy trì quá sức chịu đựng của bộ đội, hoặc tư tưởng “tránh nắng”, huấn luyện qua loa đại khái, cắt xén nội dung, thời gian, làm ảnh hưởng tới chất lượng huấn luyện và trình độ, khả năng chiến đấu của bộ đội.

Bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành huấn luyện khoa học, các đơn vị cần đặc biệt chú ý huấn luyện cho bộ đội nhận biết các dấu hiệu sốc nhiệt để chủ động phòng tránh, sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách. Cơ quan quân y, cán bộ, nhân viên quân y các cấp vừa là người huấn luyện, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, vừa phải tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, người chỉ huy các biện pháp huấn luyện phù hợp với sức khỏe bộ đội. Một mặt phải thành lập các tổ, chiến sĩ bảo vệ sức khỏe, nắm chắc tình hình, diễn biến trên thực địa, để có cách ứng phó kịp thời trong mọi tình huống.

Các đơn vị cũng cần chủ động tạo nguồn lương thực, thực phẩm có chất lượng tốt, giá trị dinh dưỡng cao, bảo đảm cơ cấu bữa ăn hợp lý, định lượng cân đối, đủ khoáng chất, phù hợp với điều kiện thời tiết mùa hè và cường độ hoạt động của bộ đội. Nhà ăn, nhà bếp và nơi ngủ nghỉ phải bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, dù thời tiết nắng nóng bộ đội vẫn ăn ngon, ngủ ngon. Đây chính là “nguồn nội lực” để nâng cao sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu của bộ đội.

TIẾN ĐẠT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/giu-chat-luong-huan-luyen-trong-nang-nong-622748