Giữ cho 'Bút sắc, lòng trong': Báo chí Thanh Hóa hòa mình trong dòng chảy đổi mới

'Đi trước mở đường, đi cùng phát triển, đi sau để sơ kết, tổng kết, cổ vũ, động viên'- câu nói của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khi đến thăm và làm việc với Báo Thanh Hóa vào đầu năm 2021 khẳng định báo chí giữ vai trò tiên phong trong việc ổn định tư tưởng, tâm trạng xã hội, đồng hành với tiến trình cách mạng của quê hương, đất nước; mỗi nhà báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng.

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020. Ảnh: Hoàng Lan

Lớn về số lượng, mạnh về chất lượng

Theo thống kê số đơn thư phản ánh về thông tin trên báo chí, tố cáo vi phạm trong hoạt động báo chí giai đoạn 2018 - 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh Hóa là một trong 5 địa phương có hoạt động báo chí sôi động cùng các tỉnh, thành: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An.

Điều đó cho thấy, mọi hoạt động từ tỉnh đến thôn, bản đều có dấu chân của các nhà báo. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những người làm báo ngày càng đi sâu hơn vào những phận người, những câu chuyện có sức ảnh hưởng. Câu chuyện của cụ Đỗ Thị Mơ (84 tuổi, ở thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân) nhiều lần tự đạp xe đến UBND xã xin thoát nghèo. Hay tình bạn đẹp của đôi bạn Ngô Văn Hiếu và Nguyễn Tất Minh (cựu học sinh của Trường THPT Triệu Sơn 5) - suốt 10 năm Hiếu cõng và chở bạn đến trường..., đã tạo cho người đọc niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp, với những con người tự trọng, giàu lòng nhân ái. Và còn rất nhiều những câu chuyện, những vấn đề xã hội được các nhà báo thông tin, chia sẻ để các cấp ủy, chính quyền tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

Đội ngũ những người làm báo đã và đang đóng góp nhiều công sức và trí tuệ của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước, quê hương giàu đẹp, văn minh. Báo chí không chỉ làm nhiệm vụ đưa tin phản ánh mà còn thực hiện chức năng phản biện xã hội. Đã có nhiều tác phẩm báo chí có tiếng vang trong lòng bạn đọc, như: “Rà soát hộ nghèo: Những chuyện chưa kể...” của nhóm tác giả Lê Dung, Trần Hằng, Mai Phương (Báo Thanh Hóa), hay “Sự bất cập trong bình xét hộ nghèo, cận nghèo, dẫn đến chi trả tiền hỗ trợ COVID-19 không đúng đối tượng” của tác giả Lê Dương (Vietnamnet.vn)...

362 Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa (trên tổng số gần 26.000 Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam) đã hòa mình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh. Thực hiện Quyết định số 362 ngày 3-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, tháng 2-2021, Thanh Hóa đã hoàn thành việc sắp xếp và quy hoạch, phát triển báo chí, phát thanh truyền hình trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng định hướng. Hơn hết, đảm bảo tâm tư nguyện vọng và công việc của cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong quá trình sáp nhập.

Hiện Thanh Hóa có 3 cơ quan báo chí của tỉnh gồm: Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Tạp chí Xứ Thanh; 2 tạp chí khoa học; 42 văn phòng đại diện, văn phòng thường trú báo chí Trung ương và hơn 10 phóng viên được giới thiệu về hoạt động trên địa bàn tỉnh; 27 đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện. Sự nhập cuộc của đông đảo người làm báo với vai trò định hướng, dẫn dắt dư luận đã hạn chế đến mức thấp nhất các hình thức xuyên tạc, bóp méo, bịa đặt thông tin.

Đi trước mở đường

Thanh Hóa đứng trước nhiều cơ hội phát triển thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc vào năm 2025, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để góp phần thực hiện mục tiêu này đòi hỏi mỗi nhà báo là một kênh thông tin, là tiếng nói quan trọng để tuyên truyền đưa chính sách vào cuộc sống, phản hồi những kết quả đạt và những hạn chế ở cơ sở. Làm được điều đó, mỗi nhà báo trước tiên phải tự xây dựng hình ảnh của chính mình. Cũng như bao nghề khác, việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp không chỉ là "bổn phận và nguyên tắc hành nghề”, mà còn là “lương tâm và trách nhiệm” với bản thân, với thông tin đưa ra, với mỗi số phận con người mà mình đề cập. Đặc biệt, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, nhiều nhà báo không quản ngại hiểm nguy, luôn ở trên tuyến đầu để đưa thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất, khách quan nhất đến độc giả.

Nhà báo hòa mình vào sự phát triển của tỉnh, điều đó còn chưa đủ. Tôi nhớ rất rõ, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng ngay sau Tết Nguyên đán đã có buổi làm việc với cán bộ và phóng viên Báo Thanh Hóa. Đồng chí chỉ rõ: Báo Thanh Hóa cần phải tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong trong ổn định tư tưởng, tâm trạng xã hội, phát huy vai trò “đi trước mở đường, đi cùng phát triển, đi sau để sơ kết, tổng kết, cổ vũ, động viên” đồng hành với tiến trình cách mạng của quê hương, đất nước.

Những đòi hỏi ấy là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là sự quyết tâm cao của không chỉ các nhà báo mà còn với các cơ quan báo chí. Và để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, các cơ quan báo chí đã mạnh dạn đầu tư vào loại hình báo điện tử với mục tiêu phản ánh và cập nhật kịp thời tình hình thời sự trong nước, trong tỉnh và quốc tế. Nếu năm 2019 lượt truy cập trên Báo Thanh Hóa điện tử là 8,6 triệu thì năm 2020, tổng lượt truy cập đã đạt trên 22,8 triệu lượt, bình quân mỗi ngày thu hút hơn 66.000 lượt truy cập.

Năm 2021 là năm đầu Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây vừa là điều kiện thuận lợi, cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cơ quan báo chí, hội viên, người làm báo trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất, ngày 8-6-2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Đề án “Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025” trong việc thực hiện tốt công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; đảm bảo báo chí tiếp cận nguồn thông tin chính thống, phong phú, đa dạng, đầy đủ, chính xác, kịp thời để tuyên truyền, phản ánh về tỉnh và các địa phương, đơn vị. Các cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện tốt việc kiểm tra, xử lý thông tin trên báo chí. Đây chính là sự quan tâm đặc biệt đến đời sống báo chí, là tín hiệu mở để các nhà báo rộng đường tác nghiệp.

Thách thức vẫn ở phía trước bởi yêu cầu nhiệm vụ chính trị ngày càng cao, nhu cầu thông tin, giải trí ngày càng đa dạng, thậm chí vấn đề kinh tế báo chí ngày càng là bài toán khó. Đó không phải là gánh nặng mà hơn hết là động lực để mỗi nhà báo chúng ta phát huy khả năng của mình góp phần vào sự phát triển của đời sống báo chí nói riêng, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nói chung. Làm được điều đó, hẳn chúng ta sẽ luôn tự hào mình là người “đi trước mở đường, đi cùng phát triển, đi sau để sơ kết, tổng kết, cổ vũ, động viên”.

Kiều Huyền

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/giu-cho-but-sac-long-trong-nbsp-bao-chi-thanh-hoa-hoa-minh-trong-dong-chay-doi-moi/19950.htm