Giữ chữ 'tín' trong liên kết sản xuất

Liên kết trong sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Tuy nhiên, để mối liên kết này bền chặt, cả doanh nghiệp và người dân cần giữ chữ 'tín', xây dựng niềm tin, chia sẻ khó khăn, lợi ích với nhau.

Người dân xã Cư Lễ thu hoạch dong riềng trồng theo mô hình liên kết.

Được giá và có đơn vị bao tiêu sản phẩm giúp người dân xã Cư Lễ hứng khởi thu hoạch dong riềng.

Đầu tháng 11, các hộ dân xã Cư Lễ tập trung thu hoạch củ dong riềng. Bên cạnh niềm vui được xã hỗ trợ về phân bón, kỹ thuật, người dân còn phấn khởi vì giá bán cao hơn năm trước (1.900 đồng/kg). Sản lượng củ dong riềng của gần 19ha nằm trong dự án được cơ sở chế biến miến dong của xã bao tiêu theo hợp đồng.

Chị Hà Thị Linh, thôn Cạm Mjầu, xã Cư Lễ cho biết: Trồng rau, trồng khoai tây không bán được thì có thể ăn hoặc phục vụ chăn nuôi chứ dong riềng không ai mua thì chỉ đổ bỏ. Vì thế, cứ có doanh nghiệp, hợp tác xã ký bao tiêu sản phẩm là bà con mừng. Cả người trồng và HTX đều tin tưởng nhau từ nhiều năm nay nên bà con yên tâm mở rộng diện tích.

HTX Tài Hoan, xã Côn Minh có sản phẩm miến dong được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia duy nhất của Bắc Kạn. HTX Tài Hoan có vùng nguyên liệu 70ha được ký kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với 500 hộ dân. Thành công của HTX Tài Hoan là minh chứng cho thấy để phát triển sản xuất bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở sản xuất và người dân để có được vùng nguyên liệu ổn định.

Mô hình liên kết trồng khoai tây của HTX Bình Minh, xã Trần Phú.

Chị Trần Minh Anh, thành viên HTX Tài Hoan khẳng định: Trong làm ăn với các đối tác trong và ngoài nước, HTX luôn đặt chữ “tín” lên hàng đầu. Chữ “tín” này được xây dựng từ nỗ lực của HTX và cộng đồng trách nhiệm của người dân trong vùng nguyên liệu mà HTX đã ký kết bao tiêu sản phẩm.

Nhằm tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, huyện Na Rì sử dụng kết hợp nhiều nguồn lực giúp người dân đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị liên kết. Thực tế cho thấy, đây là hướng đi phù hợp mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp, HTX. Tuy nhiên, không phải ở đâu, lúc nào, mô hình nào việc liên kết cũng hiệu quả, bền chắc.

Còn nhớ khoảng 10 năm trước, mặc dù đã ký kết hợp đồng bao tiêu nhưng khi giá thị trường rớt thảm, nhiều doanh nghiệp, HTX không thu mua dong riềng khiến bà con “khóc dở mếu dở”. Hay như ở xã Dương Sơn mấy năm trước, doanh nghiệp thu mua xong củ nghệ nhưng “quên” không trả hết tiền cho người dân.

Ông Nông Văn Luyến, chủ cơ sở sản xuất miến dong Luyến Uyên, xã Cư Lễ chia sẻ về liên kết trong sản xuất dong riềng.

Mới đây nhất, dù đã ký hợp đồng bán gừng cho một doanh nghiệp nhưng nhiều hộ dân ở Đổng Xá vẫn “bể kèo” bán ra bên ngoài. Giá theo hợp đồng ký trước đó là 7.000 đồng/kg nhưng được tư thương trả 10 – 12.000 đồng/kg, người dân vì lợi ích trước mắt sẵn sàng “bán chui”. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu doanh nghiệp đã phải tăng giá thu mua lên 9.000 đồng/kg. Ngoài lý do chênh lệch giá thu mua, theo cán bộ chuyên môn và người dân địa phương phản ánh, chính doanh nghiệp niên vụ trước chậm trả tiền cho bà con nên ảnh hưởng tâm lý nông dân.

Giám đốc HTX Bình Minh, xã Trần Phú, anh Bàn Hữu Thân chia sẻ: Nhiều năm qua, HTX Bình Minh luôn giữ mối liên hệ làm ăn gắn bó với người dân trong xã và địa phương lân cận. Dù thế, có những thời điểm một số hộ dân vì thấy giá thị trường cao hơn nên bán nông sản ra bên ngoài. Chúng tôi biết nhưng không hủy việc làm ăn với các hộ dân đó mà kiên trì tuyên truyền để bà con hiểu đồng hành, chia sẻ với HTX để cùng nghĩ lớn và làm lớn.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Cương, Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho rằng: Để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa và nâng cao giá trị nông sản huyện Na Rì luôn quan tâm đến liên kết giữa “bốn nhà”. Việc liên kết giúp phân chia trách nhiệm của mỗi “nhà”, gắn kết các quá trình sản xuất để xây dựng mô hình phát triển bền vững, đồng thời cũng giúp việc triển khai nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia đến cơ sở dễ dàng, hiệu quả hơn. Nhưng thực tế cho thấy, vẫn có những mối liên kết chưa hiệu quả, thiếu tính bền vững mà nguyên nhân giữa các bên chưa thật sự tin tưởng nhau, chưa cùng nhau chia sẻ những khó khăn, vướng mắc do yếu tố thời tiết, thị trường mang tới. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương vừa đóng vai trò tiếp lực thông qua chính sách hỗ trợ, vừa tạo mối gắn kết nhưng cũng phải là “trọng tài” phân định quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, HTX và người dân để việc liên kết thực sự bền chặt, hiệu quả./.

Xuân Nghiệp

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/giu-chu-tin-trong-lien-ket-san-xuat-post57873.html