'Giữ đất' chống sạt lở

Trong những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) nên tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng diễn ra phức tạp. Vì vậy, để đảm bảo đời sống, sản xuất của người dân, thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh đã đầu tư các công trình, dự án phòng, chống sạt lở khắc phục tình trạng này trên địa bàn tỉnh.

Công trình khắc phục sạt lở tại thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (Sóc Trăng) giúp người dân yên tâm sinh sống. Ảnh: TL

Sạt lở bờ biển, bờ sông

Do ảnh hưởng của khí hậu và dòng chảy nên tình hình sạt lở đê biển, bờ biển trên địa bàn tỉnh xảy ra chủ yếu trên tuyến đê thuộc địa bàn TX. Vĩnh Châu. Theo đó, dòng chảy và sóng biển đã làm thiệt hại đáng kể diện tích rừng phòng hộ ven biển, có nơi đai rừng phòng hộ còn rất mỏng (10m - 30m), cá biệt có đoạn đê biển không còn rừng phòng hộ làm nhiệm vụ chắn sóng nên sóng biển có điều kiện đánh trực tiếp vào thân đê, uy hiếp an toàn hệ thống đê biển trên địa bàn TX. Vĩnh Châu, có thể thống kê như: Khu vực K39 - K45 thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải, tuyến đê dài trên 7km có khả năng bị hư hỏng nặng, bởi sóng biển đánh trực tiếp vào thân đê, nguy cơ vỡ đê là rất cao; khu vực tuyến đê biển từ ranh tỉnh Bạc Liêu đến cống số 4 có chiều dài 6km bị đe dọa trực tiếp do sóng biển và sự biến đổi của dòng chảy. Tại khu vực trên, dãy rừng phòng hộ làm nhiệm vụ chắn sóng bị thiệt hại nghiêm trọng, có đoạn không còn rừng phòng hộ.

Bên cạnh đó, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây diễn ra khá gay gắt, tập trung trên địa bàn huyện Cù Lao Dung ở các khu vực bờ sông Định An, đoạn qua xã An Thạnh 3 (khu vực đồn biên phòng cũ), có chiều dài hơn 3.000m và xói lở nghiêm trọng trên bờ sông Trần Đề, đoạn qua ấp Nguyễn Tăng, xã Đại Ân 1, có chiều dài hơn 500m và buộc phải di dời 24 hộ dân đến nơi an toàn. Ngoài ra, sạt lở còn đe dọa nghiêm trọng đến hệ thống đê tả - hữu, có chiều dài hơn 20km thuộc địa bàn xã An Thạnh Đông bên bờ sông Định An (giáp tỉnh Trà Vinh), các bờ bao bảo vệ hầu hết đều đang bị xâm thực nghiêm trọng.

Đồng thời, trên địa bàn huyện Kế Sách sạt lở diễn ra tại các cồn thuộc sông Hậu (Phong Nẫm, An Tấn, An Công, Mỹ Phước...), các kênh nội đồng như: Rạch Mọp (khu vực UBND xã An Mỹ), kênh Rạch Vọp (khu vực Cầu Lộ xã Thới An Hội, đoạn qua UBND xã Trinh Phú). Ngoài ra, trên các địa bàn khác, sạt lở cục bộ thường xuyên xảy ra tập trung tại khu vực thị trấn Đại Ngãi, Long Đức, Song Phụng (Long Phú), khu vực kênh Thạnh Mỹ (đoạn qua xã Hòa Tú 1), huyện Mỹ Xuyên.

Giải pháp ứng phó sạt lở

Trước tình hình sạt lở ngày càng nhiều và phức tạp, UBND tỉnh và các ngành chức năng thực hiện các công trình củng cố và nâng cấp tuyến đê biển nhằm khắc phục sạt lở như: thực hiện dự án “Nâng cấp đê biển từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ranh Bạc Liêu” bằng cách nâng cấp đoạn đê từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải có chiều dài 15km và nâng cấp đê biển từ Trà Sết đến ranh Bạc Liêu có chiều dài 40km để gia cố sức an toàn cho tuyến đê. Cùng với đó, tỉnh triển khai Dự án Khắc phục sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Kế Sách, khu vực chợ Thới An Hội; Dự án Nâng cấp đê, bờ bao các cồn trên sông Hậu và tại huyện Long Phú đã triển khai chống sạt lở khu vực thị trấn Đại Ngãi, xã Long Đức và xã Song Phụng. Đối với huyện Cù Lao Dung, tỉnh triển khai công trình khắc phục sạt lở bờ sông khu vực sạt lở đồn biên phòng, xã An Thạnh 3 và các bờ bao đầu kênh đê tả - hữu Cù Lao Dung trên địa bàn các xã, thị trấn.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cù Lao Dung Nguyễn Văn Đắc chia sẻ: "Thời gian qua, tỉnh và các sở, ban ngành đã hỗ trợ huyện thực hiện 92 bờ bao đầu kênh đê (đê tả - hữu) đảm bảo việc sản xuất của người dân trên địa bàn huyện. Cùng với đó, tôi thiết nghĩ để bảo vệ tốt các tuyến đê sông, ngoài việc triển khai các công trình cứng hóa thì tại huyện có những khu vực người dân nuôi thủy sản ngoài đê và họ thường đắp các bờ bao bảo vệ ao nuôi. Tuy nhiên, khi việc nuôi thủy sản không hiệu quả, hộ nuôi thường bỏ ao, bờ bao quanh ao bị sóng đánh làm sạt lở. Do vậy, với các khu vực này, phía bên ngoài cần trồng các loại cây bảo vệ bờ bao bên ngoài, kết hợp luôn việc nuôi thủy sản dưới tán cây, tạo sinh kế cho hộ dân. Vì vậy, kiến nghị tỉnh hỗ trợ huyện các loại giống để trồng tại các điểm trên để bảo vệ đê tốt hơn…”.

Để tiếp tục triển khai công trình phòng, chống sạt lở trên địa bàn tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo thông tin: “Tới đây, các dự án chống sạt lở sẽ được đầu tư trên địa bàn tỉnh như Dự án Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó hỗ trợ tỉnh thực hiện công trình chống sạt lở chiều dài 900m tại xã Trinh Phú, huyện Kế Sách và công trình kè ngầm ly tâm chắn sóng dài 2,5km từ cống số 2 đến ranh Bạc Liêu tại TX. Vĩnh Châu; Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất chủ trương bổ sung cho tỉnh kinh phí trong khuôn khổ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chống sạt lở đê biển TX. Vĩnh Châu”.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/giu-dat-chong-sat-lo-56870.html