Giữ di sản Sài Gòn bằng cái tâm và sự hiểu biết thấu đáo

TP.HCM đang triển lãm phương án sửa chữa và mở rộng khu vực trụ sở HĐND-UBND TP. Theo đó, cảnh quan góc đường Đồng Khởi-Lý Tự Trọng và Pasteur-Lý Tự Trọng sẽ biến đổi.

Đặc biệt, theo phương án này, tòa nhà xưa 59-61 Lý Tự Trọng, tức dinh Thượng Thơ sẽ bị phá bỏ.

Trên báo và mạng xã hội đã có nhiều ý kiến phản biện không đồng tình. Ngoài việc đặt câu hỏi vì sao phải xóa đi một kiến trúc tiêu biểu cho lịch sử TP, nhiều ý kiến còn lo ngại công trình mới sẽ làm gia tăng kẹt xe và kể cả chặt cây để mở rộng đường ở khu trung tâm.

Nhiều người cho rằng không cần thiết phải mở rộng trụ sở UBND TP theo mô hình “Trung tâm hành chính” tập trung nhiều sở, ban ngành; nếu cần thiết xây dựng một “tòa thị chính” mới thì nên ưu tiên đặt ở khu trung tâm mới là Thủ Thiêm.

Thế kỷ 21 là thế kỷ của chính quyền điện tử, là đẩy mạnh cải cách hành chính, tiết kiệm tài nguyên và tiền thuế của dân. Mong rằng các ý kiến nói trên sẽ giúp chính quyền tiếp thu, nhất là trong chỉnh trang và phát triển đô thị.

Triển lãm dự án sửa chữa và mở rộng khu vực trụ sở HĐND-UBND TP.HCM, trong đó, dinh Thượng thơ sẽ bị phá bỏ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhiều người cho rằng vấn nạn lớn nhất hiện nay là tham nhũng, nhất là tham nhũng liên quan đến các dự án công cộng, quyền lợi công cộng. Tuy nhiên, theo tôi, còn có một lý do quan trọng hàng đầu tiềm ẩn trong toàn xã hội và cho nhiều thế hệ, đó chính là việc thiếu hiểu biết về giá trị đô thị, dẫn đến tình cảm hời hợt và thậm chí vô cảm trước những biến đổi xảy đến trên TP mình.

Thật vậy, là thị dân sinh ra hay mới đến một TP, người ta không thể không quan tâm đến quá khứ, hiện tại, tương lai của TP mình đang sống. Huống chi những người làm chính sách, những kiến trúc sư và nhà xây dựng khi muốn xây, sửa một đô thị sẵn có càng phải cẩn trọng, không thể bỏ qua lịch sử đô thị cùng ý đồ quy hoạch của các thế hệ đi trước.

Đặc biệt, với trường hợp Sài Gòn-TP.HCM, một đô thị lớn nhất nước xuyên suốt nhiều thế kỷ, rất xứng đáng là một đối tượng cần nghiên cứu, tìm hiểu thấu đáo nhiều mặt. Từ cuối thế kỷ 19, chính quyền TP đã thiết kế Sài Gòn thành Garden City, là TP ven sông hòa hợp nhiều cây xanh, công viên.

Các thế hệ trước đã giữ lại bán đảo Thủ Thiêm như một vùng thiên nhiên hoang dã suốt nhiều thế kỷ để cho TP bước vào thế kỷ 21 có sẵn dư địa mở rộng đô thị. Nếu hiểu biết thấu đáo và chia sẻ tầm nhìn xa của thế hệ đi trước, hẳn chúng ta đã không phát triển cao ốc loanh quanh ở khu vực trung tâm cũ, để rồi loay hoay với việc xây dựng trung tâm đô thị mới ở Thủ Thiêm.

Phối cảnh dự án sửa chữa và mở rộng khu vực trụ sở HĐND-UBND TP.HCM trông rất ấn tượng, đẹp mắt nhưng lại làm mất đi dinh Thượng thơ.

Sự hiểu biết về giá trị đô thị như Sài Gòn-TP.HCM không thể chỉ là các cơ sở kinh tế, nhà mặt tiền, “đất vàng”, “đất bạc”. Giá trị đô thị còn nằm ở lịch sử xây dựng, ở từng tòa nhà và cảnh quan làm nên hồn cốt TP, làm nên những giá trị nhân văn độc đáo không đâu có. Đô thị Sài Gòn ngay từ đầu là tập hợp đa chủng tộc, đa văn hóa, giao thương và giao lưu quốc tế mở rộng.

Bản thân Sài Gòn-TP.HCM trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, mỗi thời kỳ lại đem đến nhiều giá trị mới, nhiều ký ức và hoài niệm chung quý giá. Không thể tách bóc, bỏ đi bất cứ thời kỳ nào để chỉ giữ lại một thời kỳ đương đại. Còn nhiều điều để phải học về đô thị, học từ di sản đa dạng của lịch sử trước khi xây dựng hay sửa đổi.

PHÚC TIẾN

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa/giu-di-san-sai-gon-bang-cai-tam-va-su-hieu-biet-thau-dao-767691.html