Giữ điệu tính tẩu mãi ngân xa

Mặc dù ở độ tuổi 'ngoại lục tuần' nhưng Nghệ nhân Ưu tú Lâm Quang Cửa ở thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) vẫn giữ được niềm say mê, nhiệt huyết, tích cực tham gia biểu diễn, chế tác và truyền dạy đàn tính, với mong muốn bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Tày tại địa phương.

Là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở thôn Trung Đô, từ nhỏ, ông Cửa đã đắm mình trong những câu hát Then, câu lượn của các bà, các mẹ. Những lễ hội, chúc thọ hay mừng nhà mới, ông thường theo các cụ đi khắp các thôn trong vùng nghe hát. Những giai điệu ấy như suối nguồn thấm sâu vào tâm hồn ông.

Những giai điệu Then như suối nguồn thấm sâu vào tâm hồn ông.

Cầm cây đàn tính mới hoàn thiện trên tay, ông Cửa cất giọng hát cho chúng tôi một bài hát Then do ông sáng tác với tựa đề “Chào xuân mới”. Dù tuổi đã cao nhưng giọng hát của ông rất ấm, trầm bổng, khoan thai; ngón tay đánh đàn điêu luyện. Kết thúc bài hát, ông Cửa tiếp tục say sưa kể với chúng tôi về những giá trị của nghệ thuật Then: May mắn cho tôi, ngay từ khi còn ở tuổi thiếu niên, đã tiếp cận với nghệ thuật đàn tính, rồi được học hát Then từ những nghệ nhân trong xã. Tiếng đàn, điệu Then hấp dẫn lắm, trong đó có tình yêu cuộc sống, lứa đôi, tình yêu lao động, sản xuất hay những giá trị về gia đình… Sau khi thành thục đàn và hát, tôi còn thử sức sáng tác. Các bài Then cổ được tôi biến tấu theo chủ đề ca ngợi quê hương, tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động không ngờ được mọi người đón nhận và yêu thích.

Công đoạn chế tác đàn tính đòi hỏi nghệ nhân phải thực sự kiên trì, khéo tay.

Cũng bởi say mê hát Then nên ông Cửa rất tỉ mẩn trong việc làm đàn. Ông bảo: Đàn tính là loại nhạc cụ rất khó làm. Chính vì vậy, các công đoạn chế tác đòi hỏi nghệ nhân phải thực sự kiên trì, khéo tay thì mới cho ra những cây đàn có chất lượng. Đàn tính thuộc loại đàn dây, gồm ba bộ phận chính: bầu đàn, cần đàn và dây đàn. Bầu đàn được làm từ những quả bầu già, tròn, rỗng ruột, kích thước vừa phải.

Giữa độ dài của cần đàn và độ lớn của bầu đàn cũng cần có sự tương đồng và phù hợp.

Theo ông Cửa, làm bầu đàn là khâu khó nhất trong quá trình làm đàn. Sau khi tìm chọn được những quả bầu ưng ý, đem cắt ngang khoảng 1/3 tính từ cuống đến giữa quả bầu, rồi ngâm trong nước khoảng nửa tháng. Giữa độ dài của cần đàn và độ lớn của bầu đàn cũng cần có sự tương đồng và phù hợp để tiếng đàn tính vang lên lúc trầm, lúc bổng, lúc dặt dìu, lúc khoan thai chứ không được rè, bục…

Theo ông Cửa, cây đàn hay phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước bầu, tuổi bầu, độ dày mặt đàn, lên dây chuẩn… Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là kinh nghiệm và sự cảm thụ âm nhạc của người làm đàn. Với tâm huyết của mình, đàn tính của ông Cửa dường như đã trở thành thương hiệu, được nhiều người trong và ngoài tỉnh tìm mua.

Nặng lòng với làn điệu Then, ông Cửa luôn đau đáu với việc bảo tồn và truyền dạy hát Then cho thế hệ trẻ. Hơn ai hết, ông hiểu hát Then là một loại hình nghệ thuật truyền miệng, nếu không được lưu giữ, rèn luyện sẽ bị mai một. Ở tuổi của ông, khi mọi người đã nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, thì ông vẫn nặng lòng, luôn đau đáu, lo lắng cho câu hát Then. Ngày ngày, ông vẫn miệt mài sưu tầm, nghiên cứu những làn điệu Then cổ. Ông Cửa trải lòng: Những người am hiểu sâu sắc, đầy đủ về hát Then đều đã già, trong khi đó, thế hệ trẻ chưa hiểu hết các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống tốt đẹp trong các bài hát Then để có ý thức lưu giữ.

Nghệ nhân Ưu tú Lâm Quang Cửa tại lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể nghệ thuật hát Then.

Vừa qua, UBND xã Bảo Nhai mở lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể nghệ thuật hát Then, đàn tính theo Tiểu dự án 2, Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Lớp học thu hút 20 học viên đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, ở mọi lứa tuổi tham gia; Nghệ nhân Ưu tú Lâm Quang Cửa vinh dự là người đứng lớp truyền dạy.

Ngày ngày, ông Cửa vẫn miệt mài tìm tòi, sưu tầm, nghiên cứu những làn điệu Then cổ,

Những buổi đầu học thật khó khăn, vất vả vì phần lớn học viên đều làm nghề nông, chưa một lần làm quen với cây đàn tính và lời Then. Tuy nhiên, với sự truyền dạy, chỉ bảo tận tình của Nghệ nhân Ưu tú Lâm Quang Cửa, các học viên đều cảm nhận được đàn tính là nhạc cụ “hồn cốt” của dân tộc, có thể dùng tiếng đàn tính thay lời muốn nói…

Anh Lâm Văn Trướng ở thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai bộc bạch: Nhờ sự dìu dắt tận tình của nghệ nhân Lâm Quang Cửa, tôi như được “truyền lửa” đam mê, thêm yêu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Hiện tại, tôi có thể biểu diễn được một số bài hát Then truyền thống của đồng bào dân tộc Tày tại địa phương.

Tham gia lớp học hát Then - đàn tính của nghệ nhân Lâm Quang Cửa, chị Vàng Thị Lam ở thôn Bản Giàng, xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà) cho biết: Chúng tôi học và tập luyện hát Then, vừa là niềm tự hào, yêu mến, cũng vừa là trách nhiệm gìn giữ nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình.

Nghệ nhân Ưu tú Lâm Quang Cửa luôn mong muốn truyền lại những nét đẹp nhất, hay nhất của cây đàn tính, điệu hát Then Tày.

Nghệ nhân Ưu tú Lâm Quang Cửa đã từng đoạt giải Nhất tại Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc năm 2018, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen, giải thưởng cao quý tại các cuộc thi về hát Then. Nhưng niềm vui lớn nhất của Nghệ nhân Ưu tú Lâm Quang Cửa là được chứng kiến các thế hệ người Tày say mê tập luyện hát Then và thấy thanh âm trong trẻo của đàn tính vang lên giữa bản làng.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364572-giu-dieu-tinh-tau-mai-ngan-xa