Giữ gìn 'cái gốc' của người cộng sản

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Theo Bác, đạo đức là 'cái gốc' của người cách mạng.

“Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Ngày hôm nay, trong bối cảnh mà đồng tiền như có sức mạnh vạn năng, một bộ phận người dân đề cao giá trị cá nhân với ham muốn vật chất và lối sống hưởng thụ trỗi dậy thì rèn luyện đạo đức cách mạng quả thực là điều không dễ. Cán bộ, đảng viên sẽ phải rèn luyện đạo đức cách mạng bằng cách nào?

Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Anh Liên - nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, người có 90 năm tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng nhưng có đến 80 năm ông dành cho hoạt động cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng.

- Thưa đồng chí Nguyễn Anh Liên, thế hệ đảng viên trưởng thành trong chiến tranh lửa đạn thường có những suy nghĩ và nhận thức như thế nào về đạo đức cách mạng?

Đồng chí Nguyễn Anh Liên: Đối với thế hệ đảng viên trưởng thành từ khói lửa chiến tranh như chúng tôi, tất cả đều có suy nghĩ, nhận thức về đạo đức cách mạng là sẵn sàng vượt lên mọi gian lao khốc liệt, kể cả hy sinh tính mạng để chống giặc, cứu nước, cứu đồng bào. Chúng tôi hiểu vai trò, ý nghĩa của đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên lúc bấy giờ. Nó là yếu tố quyết định hàng đầu để đánh thắng giặc bởi vì để chiến thắng được quân thù thì không chỉ cần có quân đội, vũ khí, xe tăng… mà trước hết, điều quyết định là lòng dân.

Người dân tin Đảng, theo Đảng để trường kỳ kháng chiến không phải ở mệnh lệnh, giấy tờ mà là ở đạo đức cách mạng của những cán bộ, đảng viên, những chiến sĩ đang ở bên cạnh, cùng với nhân dân ngày đêm sống chết với quân thù. Cho nên tất cả cán bộ, đảng viên chúng tôi thời bấy giờ, nhất là những người hoạt động trong vùng địch kiểm soát đều xác định: Nếu không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất cách mạng thì không thể sống được một ngày, thậm chí là một giờ. Bởi vì mất đi lòng tin của dân thì mất nơi nương tựa, mất sự che chở, nuôi nấng, đùm bọc. Mất sự bảo vệ của dân thì nhất định chúng tôi không thể nào thoát khỏi bàn tay đẫm máu của kẻ thù.

Tôi xin kể một câu chuyện của bản thân tôi để thấy lòng dân tin Đảng qua đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên thiêng liêng đến mức độ nào. Năm 1972, khi giặc Mỹ ném bom B52 vào Hà Nội, dù vợ tôi thoát chết nhưng con gái đầu lòng của tôi thì không còn nữa. Lúc bấy giờ tôi đang ở trong vùng địch kiểm soát, hoạt động bí mật để chỉ đạo Đội Thanh niên vũ trang Khu 5 phối hợp với lực lượng địa phương chiến đấu tiêu diệt bọn ác ôn. Khi nghe tin con gái tôi mất, đó là năm thứ 8 tôi vào miền Nam và suốt thời gian ấy chưa có dịp ra Bắc thăm gia đình một lần nào. Lúc bấy giờ, mong ước của tôi là được về thăm vợ, viếng con. Nhưng tôi lại nghĩ đến đạo đức của người cán bộ, đảng viên, của người lính bộ đội Cụ Hồ, nên tôi nén lại ước ao đó. Bởi vì lúc bấy giờ chiến trường cần, nhân dân cần, tôi phải nuốt nước mắt vào lòng để ở lại sát cánh cùng với đồng đội, cùng với nhân dân. Lúc đó, nếu cán bộ của Đảng có hành động thoát ra bên ngoài thì tâm lý người dân sẽ không biết là thế nào, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn.

Đồng chí Nguyễn Anh Liên - Nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

- Đạo đức cách mạng có vai trò quan trọng như vậy thì với bản thân ông, ông đã rèn luyện và tu dưỡng đạo đức cách mạng như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Anh Liên: Như trên tôi đã nói, muốn chiến thắng được quân thù thì phải làm sao để lòng dân tới được trái tim của Đảng, tức là ý Đảng quyện chặt vào lòng dân. Muốn được như vậy thì phải sống như thế nào, công tác, chiến đấu như thế nào, thái độ, tác phong đối với đồng bào, đồng đội, đồng chí, đối với người già, phụ nữ, trẻ em như thế nào để trong mắt người dân, họ tin mình là cán bộ là đảng viên thật, là con em của nhân dân thật. Nếu làm điều gì đó khiến người dân nghi ngờ thì chuyện bảo vệ được bản thân trong thời chiến là điều không thể.

Tôi cũng xin kể thêm một câu chuyện. Để chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972, tôi được Khu ủy Khu 5 cử vào tập trận ở Bắc Khánh Hòa - Nam Phú Yên để xây dựng một đội thanh niên xung phong vũ trang, hoạt động sâu trong vùng địch giữa thị xã Ninh Hòa. Sau mấy tháng hoạt động thì hầu hết các địa điểm bí mật trong nhà, ngoài vườn, ngoài bờ sông đều bị địch phát hiện nên tôi được một gia đình đưa vào trú ẩn trong một căn hầm nổi. Nói là căn hầm nổi nhưng thực tế đó là phòng ngủ của cô nữ sinh 18 tuổi. Tôi trú ở đây an toàn suốt hai tháng trời.

Sau này, có nhiều người không hiểu tại sao mà ông bà nội, ba má, anh chị của cô nữ sinh này lại dám đưa tôi - một cán bộ vào nằm ở trong nhà, trong phòng của cô gái ngần ấy thời gian. Họ không sợ tôi có hành vi xâm hại đến cô gái này hay sao? Cả gia đình và cả cô nữ sinh này đã trả lời một cách rất là bình thường: Bởi vì tin bộ đội cụ Hồ không bao giờ có hành động vô đạo đức! Từ câu chuyện ấy, tôi thấy rằng chính đạo đức, phẩm chất của cán bộ, đảng viên quyết định sự thành bại của cuộc kháng chiến.

- Thưa đồng chí Nguyễn Anh Liên, ông có suy nghĩ như thế nào về việc rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng của thế hệ đảng viên ngày nay?

Đồng chí Nguyễn Anh Liên: Ngày nay, sự cám dỗ về vật chất, tiền tài, danh vọng, địa vị và những cạm bẫy của các đối tượng phản động, phản bội, của bọn “giặc nội xâm” đối với cán bộ, đảng viên không thể nào kể hết được. Những biện pháp, kế sách phòng chống quyết liệt theo tôi cũng đã có rất nhiều, nhất là từ Đại hội Đảng lần thứ XII, đặc biệt là Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Trong thực tế, con người không ai là không có lòng ham muốn, kể cả là sự tham lam. Nhưng có điều là nếu biết kiềm chế, biết giữ mình thì nó hạn chế lại thôi. Không ai là không có ao ước, thậm chí ao ước trong cuộc đời ngày càng tăng lên, nhưng điều kiện lại không theo kịp. Cho nên không trách việc con người có lòng tham, chỉ trách là họ đã không biết kiềm chế, không biết giữ mình mà thôi.

- Vậy trong bối cảnh ngày hôm nay, cán bộ đảng viên phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng như thế nào, thưa ông?

Đồng chí Nguyễn Anh Liên: Tôi nghĩ không có bí quyết nào hay hơn, thành công hơn, hiệu quả thiết thực hơn là chúng ta thực tâm thực lòng quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ và của các anh hùng liệt sĩ đã vì dân, vì nước mà anh dũng hy sinh. Theo tôi, bất cứ trong thời chiến hay thời bình thì việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng cũng chỉ phải xây trên một cái gốc, đó là phải tự soi, tự rèn, tự phê bình và phê bình như Bác Hồ đã dạy.

Bí quyết thành công thì thời nào cũng chỉ có một, đó là phải luôn luôn giữ ấm trái tim mình, là một trái tim của một người cộng sản, trái tim của con cháu Bác Hồ, trái tim của những người kế tục sự nghiệp mà cha ông chúng ta đã để lại. Lúc nào giữ ấm được trái tim đó, đừng để nó nguội lạnh đi thì tất cả mọi chông gai, nguy hiểm, cám dỗ, cạm bẫy nào cũng có thể vượt qua. Bởi vì nếu giữ ấm được trái tim chân chính như thế thì tâm mình sẽ chăm hơn, trí mình sẽ sáng lên, con người mình sẽ sạch sẽ hơn, từ đó mới gột rửa được những thói hư tật xấu, gạt bỏ được lòng tham lam, ích kỉ, lợi mình mà hại dân, hại nước.

- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của đồng chí Nguyễn Anh Liên!

Quỳnh Hoa

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/giu-gin-cai-goc-cua-nguoi-cong-san-post269830.html