Giữ gìn dấu xưa

Những năm gần đây, cùng với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, xã Cổ Lũng đã, đang trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách đến khám phá cảnh quan thiên nhiên, tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử của mảnh đất anh hùng.

Trên đỉnh đồi Cò Chò, nơi còn lưu dấu tích của đồn Cổ Lũng xưa. Ảnh: tiến đông

Dấu xưa còn đó

Trong thời kỳ kháng chiến, miền Tây Thanh Hóa có vị trí chiến lược quân sự đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ tiếp giáp với nước bạn Lào, nối thông với các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La thành một hành lang phía Tây. Vì vậy, thực dân Pháp muốn đánh chiếm miền Tây nhằm uy hiếp vùng đồng bằng trung du Thanh Hóa. Trong đó, Cổ Lũng (thuộc xã Quốc Thành thời kỳ đó) là nơi có đầu mối giao thông rất thuận lợi, án ngự các con đường hẻm. Từ đây có thể dễ dàng ngược lên Vạn Mai – Suối Rút, lên Tây Bắc, sang Hòa Bình, hoặc sang Hồi Xuân để vào Nghệ An, sang Sầm Nưa (Lào), hoặc xuống các vùng đồng bằng. Ở thời kỳ đó, Cổ Lũng là nơi có vị trí chiến lược quan trọng, có tiềm năng sức người, sức của phục vụ chiến tranh, nên thực dân Pháp đã chiếm đóng hai lần và có ý định chiếm đóng lâu dài.

Theo các tài liệu lịch sử, lần thứ nhất, giặc Pháp chiếm đóng ở Cổ Lũng vào tháng 5-1947. Từ Lào thực dân Pháp chia làm 3 mũi dọc theo sông Mã, sông Luồng, sông Lò kéo xuống đánh chiếm Hồi Xuân, La Hán, quân Pháp cho một mũi thọc sâu vào Cổ Lũng. Trung đội Dân quân Quốc Thành đang tập trung học tập, huấn luyện tại chiến khu Chiềng Vang bị bọn Lang đạo chỉ huy đem nộp cho Tây làm lính của chúng đóng đồn ở Pu Phì Xứa. Căm thù, uất ức, nhiều anh em có ý chờ thời cơ nổi dậy. Nhân dân Cổ Lũng tỏ thái độ bất hợp tác trong việc phục dịch, không nộp lương thực, thực phẩm cho chúng. Nhận thấy bị cô lập, không đủ sức trụ lại, trung tuần tháng 7-1947, bọn Pháp và Lào gian bỏ đồn hành quân ra Ban Công, định hội quân với đồn La Hán. Chớp lấy thời cơ đi đưa chân bọn giặc, đồng chí Lục Văn Anh (người thôn Đốc) dẫn đầu một tổ đội du kích chạy theo đường tắt, đón đầu, dùng súng mút - cơ - tông bắn trúng tên Pháp mang súng máy. Bọn giặc hoảng hốt bỏ chạy theo đường Mỏ Bỉ lên Hồi Xuân không dám đi ra La Hán. Đây là bài học đầu tiên nhân dân Cổ Lũng dạy cho thực dân Pháp, nhắc nhở chúng không được coi thường mảnh đất này.

Lần thứ hai, giặc Pháp trở lại chiếm đóng Cổ Lũng vào tháng 8-1948. Lần này, chúng dùng một lực lượng khá đông gồm lính Âu- Phi, lính ngụy Hòa Bình và bọn Lang đạo phản động ở Bá Thước đi từ Toàn Thắng Cao Phong xuống Lũng Cao và nhảy dù xuống khu vực bản Loọng. Vừa đặt chân đến Cổ Lũng chúng đã khủng bố và uy hiếp nhân dân, tung quân đi càn quét, tìm bắt cán bộ, dân quân và người thân của họ. Bắt giết trâu bò, vơ vét lúa gạo, tháo dỡ nhà dân chuyển vật liệu mang lên đồi Cò Chó để xây đồn.

Theo các tài liệu của nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nam Ninh thu thập được, thời kỳ đó, đồn Cổ Lũng được xây dựng trên đồi Cò Chó, ở giữa thung lũng Mường Khoòng. Quả đồi hình bầu dục, rộng khoảng 1ha, cao hơn mặt bằng xung quanh gần 100m, sống đồi tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc làm doanh trại và quan sát từ xa. Ba mặt Bắc - Tây - Nam sườn dốc cao, tiện lợi cho việc phòng thủ, dưới chân đồi có các khoảng trống, đồng ruộng bao quanh. Mặt phía Đông thoai thoải gắn liền với cánh đồng Na Tông - nơi giặc Pháp bắt dân san ủi đồng ruộng làm sân bay lên xuống thường xuyên. Trên đồn chúng xây 5 lô cốt kiên cố. Xung quanh hệ thống hầm hào, bố trí nhiều ổ súng; hệ thống rào dậu, chông, mìn và bố trí nhiều ụ súng. Bên ngoài đồn, chúng bố trí nhiều chốt chặn từ xa như bốt bản Lặn, các tổ canh gác ở Hón Bật, Nà Kha, Bó Nủa... Từ đồn Cổ Lũng, quân giặc mở các cuộc càn quét xung quanh... Chưa bao giờ người dân Cổ Lũng phải chịu cảnh đau thương điêu đứng như vậy.

Trước hoạt động chiếm đóng, đàn áp và kiểm soát nghiệt ngã của địch, quân và dân huyện Bá Thước đã liên tục đánh địch. Sau những cuộc chiến đấu cam go, đầy hy sinh, gian khổ, kéo dài 16 tháng bằng nhiều hình thức, quân ta kết thúc cuộc chiến đấu và giải phóng đồn Cổ Lũng bằng một chiến dịch binh vận điển hình, khẳng định sức mạnh của chiến tranh nhân dân, đã dồn quân giặc đến bước đường cùng và buộc phải đầu hàng. Ngày 17-12-1949, quân ta tiếp quản đồn Cổ Lũng, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử. Kể từ đây, nhân dân Mường Khoòng thoát khỏi cảnh đầu rơi, máu chảy, phu phen, phục dịch. Huyện Bá Thước sạch bóng quân xâm lược, đồng bào yên ổn làm ăn, ánh sáng của cách mạng đến với mọi nhà. Cùng với chiến thắng đồn Cổ Lũng, các đồn: Toàn Thắng, Mường Trang đã đầu hàng, các đồn thuộc phạm vi chiếm đóng của địch ở Quan Hóa hoang mang dao động. Với khí thế hùng mạnh của quân đội và dân quân du kích làm cho các đồn Pháp chiếm đóng tại miền Tây Thanh Hóa lần lượt bị tiêu diệt. Thắng lợi ở đồn Cổ Lũng đã góp phần giải phóng hoàn toàn miền Tây Thanh Hóa.

Chiến thắng đồn Cổ Lũng thể hiện truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc của nhân dân ta nói chung và của đồng bào các dân tộc Mường Khoòng nói riêng. Sau giải phóng đồn Cổ Lũng, một số cá nhân tiêu biểu đã được cấp trên khen thưởng. Đồn Cổ Lũng được công nhận xếp hạng Di tích lịch sử “Đồn Cổ Lũng, sân bay Cổ Lũng” cấp tỉnh vào tháng 1-2005.

Trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng đồn Cổ Lũng mà huyện Bá Thước tổ chức vào ngày 15-12-2019, chúng tôi may mắn được gặp cụ Hà Văn Kiêm - một trong những nhân chứng lịch sử sinh sống tại thôn La Ca, xã Cổ Lũng. Năm nay, cụ đã ở tuổi 90 nhưng vẫn minh mẫn kể cho chúng tôi nghe về thời kỳ đó. Hồi đó, nhân dân bị áp bức, bóc lột, chúng bắt dân bản nộp thóc, lợn, gà, trâu bò; trai tráng trong làng nhiều người bị bắt đi phu, con gái đẹp trong làng cũng bị ép lên đồn để làm trò tiêu khiển. Thế rồi, sau cái đêm binh biến trên đồn vang lên mấy tiếng súng diệt tên quan Pháp và 1 lính Âu - Phi phụ trách điện đài, người dân trong xã nghe tin đồn Cổ Lũng được giải phóng thì phấn khởi vô cùng. Người dân còn thu hết chiến lợi phẩm từ đồn về tập kết ở làng Lác để giao cho bộ đội, dân làng kéo nhau ra xem... Cũng từ đó, mở ra một thời kỳ mới.

Nỗ lực phát huy giá trị lịch sử

Theo chân Bí thư đoàn thanh niên xã Cổ Lũng Bùi Văn Chuẩn, chúng tôi đến thăm đồn Cổ Lũng - nơi gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng. Phải leo qua con đường trơn và dốc, cây cỏ dại, gai góc chắn ngang đường mới đến được địa điểm vốn là đồn Cổ Lũng trước đây. Đỉnh đồi bằng phẳng, cây cỏ um tùm, những dấu tích của các công sự chiến đấu, hệ thống giao thông hào, lũy tre tường thành, ụ súng và các nền móng của nhà ở, nhà kho của quan chỉ huy Pháp sử dụng trong thời gian chúng chiếm đóng không còn nhiều. Nhìn xuống phía dưới, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tham gia giải phóng đồn Cổ Lũng trang nghiêm phía chân đồi.

Theo ông Bùi Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, Đảng bộ và nhân dân xã Cổ Lũng không ngừng phát huy tinh thần cách mạng, truyền thống đoàn kết dân tộc trong đấu tranh và xây dựng quê hương, đất nước. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Cổ Lũng nổi lên như một điển hình trong việc xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, huy động sức người, sức của cho chiến trường. Những năm giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, Cổ Lũng luôn đi đầu trong các phong trào quần chúng, đặc biệt là phong trào văn hóa thể thao, phong trào tăng gia sản xuất, hoạt động Đảng, chính quyền vững mạnh. Đây là đơn vị “Mười nhất” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Năm 2000, cán bộ và nhân dân xã Cổ Lũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Cổ Lũng đã phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống quê hương, xây dựng Đảng, chính quyền ổn định về chính trị, kinh tế phát triển khá toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi mới. Tính đến năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn toàn xã đạt 23 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, sản xuất ngành trồng trọt đạt kết quả cao. Hoạt động du lịch ngày càng sôi động, trong đó du lịch cộng đồng thác Hiêu ngày càng mở rộng, đón được gần 17.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có gần 700 khách ngoại quốc. Toàn xã có 2 thôn hoàn thành tiêu chí thôn đạt chuẩn nông thôn mới; xã đã hoàn thành 10/19 tiêu chí nông thôn mới.

Những năm gần đây, cùng với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, xã Cổ Lũng đã, đang trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách đến khám phá cảnh quan thiên nhiên, tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử của mảnh đất anh hùng. Đối với Di tích lịch sử “Đồn Cổ Lũng, sân bay Cổ Lũng”, địa phương đã khoanh vùng di tích. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ xây dựng nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ tham gia giải phóng đồn Cổ Lũng. Đây chính là địa chỉ đỏ giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cũng như tình đoàn kết, anh dũng chiến đấu của nhân dân Cổ Lũng nói riêng, huyện Bá Thước nói chung, góp phần tạo nên thắng lợi chung, bảo vệ quê hương.

Cổ Lũng hôm nay, cuộc sống đã thay đổi nhưng những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống vẫn còn lưu mãi với thời gian, trở thành những câu chuyện lịch sử hào hùng truyền lại cho con cháu đời sau gìn giữ và tự hào.

Minh Hiền

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/giu-gin-dau-xua/114505.htm