Giữ gìn, phát huy văn hóa biển Nam Trung Bộ (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Vươn ra biển lớn - Nguồn sống của cư dân ven biển Nam Trung Bộ là những sản vật từ biển; họ biết sống dựa vào biển, vươn ra biển để kiếm tìm nguồn hải sản. Từ ngàn xưa họ đã biết chế tạo ra những công cụ lao động, vật dụng và cả những đồ trang sức từ biển. Ngày nay, ngư dân vẫn kiên trì, quả cảm vươn ra biển lớn để mưu sinh và gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đi đâu chúng tôi cũng được nghe những câu chuyện kiên cường bám biển của bà con ngư dân Nam Trung Bộ. Họ đoàn kết và cùng tương trợ đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Ðồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa Mai Thành Phúc cho biết: Tinh thần bám biển của người Việt cũng được tạo nên từ gốc gác nông nghiệp vốn yêu từng tấc đất, khi họ xem biển cũng là một phần máu thịt của Tổ quốc. Cả đời gắn bó với biển, gia đình tôi và nhiều gia đình khác gắn bó, trưởng thành từ biển nay càng vững tin khi đi trên những "con tàu 67" và sản vật đánh bắt được nhiều hơn xưa... Người ngư dân già cho biết thêm, một đời gắn bó với biển cả, thế hệ con cái cũng nối nghiệp. Ngư dân đoàn kết, giúp nhau làm ăn trên biển, cùng nhau bám biển, giữ ngư trường...

Phát triển các làng cá theo hướng hiện đại là rất cần thiết, thể hiện qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, du nhập và chuyển giao các ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đóng tàu bằng vật liệu mới, đào tạo nâng cao tay nghề và nhận thức của ngư dân, tổ chức lại sản xuất quy mô theo tổ đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn, có sự đầu tư đồng bộ và nguồn vốn lớn theo lộ trình… Ðồng thời, đối với các làng cá truyền thống lâu đời, cần giữ gìn, bảo tồn và phát huy theo phong tục.

Anh Vũ Ngọc Tùng, năm nay 47 tuổi, quê gốc một làng biển ở Quảng Ngãi, dạt trôi theo nghề vào cảng Hòn Rớ, Nha Trang lấy vợ lập nghiệp. Anh là người thấm thía hơn ai hết sự hao hụt nguồn cá, khi bắt đầu theo cha từ năm 14 tuổi làm đủ thứ nghề biển từ giã cào, lưới rút cho đến câu vàng, câu đèn… Anh từng theo bạn ra Cửa Tùng, Cửa Vạn (Quảng Bình) rồi ra tận Thanh Hóa câu mực, ngày ấy, mực nhiều đến mức mỗi đêm câu được cả tấn. "Nay thì khác rồi, ghe thì nhiều mà cá thì ít" anh Tùng nhỏ nhẹ. Người làng biển Nam Trung Bộ vốn dám nghĩ lớn và làm lớn, đến nay, anh đã có hai tàu câu cá ngừ đại dương và đang đóng một tàu công suất lớn 800CV, nhờ hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 67/NÐ-CP.

Những ngày cuối tháng 12 vừa qua, trong tiết trời se lạnh, mưa phùn, chúng tôi gặp anh Lê Văn Nghĩa, 41 tuổi, quê ở thôn Trường Ðịnh, xã Tịnh Khê tại khu đóng tàu xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Anh bộc bạch: "Khi con tàu được hạ thủy, không chỉ đơn thuần là một giao dịch với khách hàng, mà đó là "đứa con tinh thần" của mình. Nhìn "đứa con" đó hùng dũng vươn ra biển lớn, chúng tôi rất xúc động như mới hoàn thành trách nhiệm của người cha. Còn chủ tàu Nguyễn Tấn Thiên, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) hiện đang giao cho xưởng đóng con tàu 790CV và chuẩn bị hạ thủy. Ðây là lần thứ ba ông Thiên tin tưởng gửi cả linh hồn con tàu cho đội thợ của tôi".

Đại diện Hiệp hội Nghề cá xã Bình Châu, TP Quảng Ngãi Nguyễn Thành Hùng cho biết: Hiện, hiệp hội đã xây dựng hơn 31 Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển. Trước đây, khi chưa thành lập tổ thì việc liên hệ giúp đỡ nhau rất khó khăn. Từ ngày tổ đi vào hoạt động đã góp phần tích cực mang lại hiệu quả trong khai thác hải sản. Hiệu quả không chỉ là những khoang cá đầy, mà nó còn giúp các ngư dân xích lại với nhau và quan trọng hơn hết là cùng nhau hướng về nơi biển cả để bảo vệ chủ quyền của quê hương, Tổ quốc.

Còn tại tỉnh Phú Yên, Tổ tàu thuyền an toàn được thành lập cách đây hơn 10 năm, đến nay toàn tỉnh đã có 113 tổ với 1.026 tàu cá và hơn 8.200 lao động là thành viên. Ông Trà Chí Thu, một trong những người tham gia Tổ tàu thuyền an toàn đầu tiên ở làng biển Phú Thọ 1, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Ðông Hòa, khẳng định: Từ khi có Tổ tàu thuyền an toàn, bà con ngư dân liên kết với nhau, sắm tàu lớn hơn. Gặp được luồng cá thì thông báo cho nhau. Ðược biết, trước yêu cầu phát triển và tình hình thực tế, từ năm 2012, tỉnh Phú Yên vận động thành lập các Nghiệp đoàn Nghề cá với chương trình hành động: "Liên kết vươn khơi bám biển khai thác thủy sản, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là trách nhiệm hàng đầu và là quyền lợi của mỗi đoàn viên nghiệp đoàn".

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Ðịnh Nguyễn Văn Phúc, những năm qua, ngư dân Bình Ðịnh đã có nhiều nỗ lực nâng cấp và đóng mới tàu cá công suất lớn để thích ứng với điều kiện khắc nghiệt hiện tại. Bên cạnh việc cơ cấu lại đội tàu cá cùng các nghề khai thác phù hợp với ngư trường và nguồn lợi, Sở đang và sẽ củng cố, phát triển các mô hình hợp tác sản xuất, như: tổ đội, hợp tác xã, liên kết giữa sản xuất - thu mua -
chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Vừa qua, ngư dân Bùi Thanh Ninh ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (Bình Ðịnh) được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là đại diện nông dân Việt Nam xuất sắc, bởi đội tàu cá ông đang quản lý lên tới 16 chiếc với tổng công suất hơn 6.000CV chuyên hành nghề lưới vây rút đánh bắt cá ngừ sọc dưa vùng ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa. Tổng sản lượng đánh bắt bình quân mỗi năm của đội tàu ông Ninh đạt hơn 1.000 tấn hải sản; hơn 200 ngư dân làm việc trong đội tàu hầu như thời gian ở trên biển nhiều hơn trên bờ. Cũng chính ông Ninh là người mạnh dạn đề xuất dự định xin đất, xây dựng trạm dịch vụ làm chỗ nghỉ chân cho ngư dân trên đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) và được các cấp có thẩm quyền chấp nhận. Tấm lòng của những người giữ biển Nam Trung Bộ là vậy.

Chúng tôi đã có những ngày đi đến những vùng quê mang nhiều chất biển, còn mang hồn biển của Ðà Nẵng. Bỏ lại sau lưng những ồn ào, tấp nập của phố phường, được gặp hình ảnh những miệt chài trong hương nồng biển cả. Có thể, trong dòng chảy của văn hóa, sự phát triển kinh tế sẽ không ảnh hưởng nhiều đến những giá trị cốt lõi nhất mà một nghề truyền thống có tự bao đời nay đã chắt chiu, gìn giữ. Ông Võ Mãn, 70 tuổi, thợ mộc, đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề đóng tàu ở Ðà Nẵng tâm sự: Bởi yêu nghề, yêu biển cho nên sẽ gắn bó với nghề này đến chừng nào không còn đủ sức khỏe. Ðối với ngư dân, con tàu là mái nhà. Nhà có vững thì nghề mới vững. Nghề vững là kinh tế mới ổn định.

Trần Văn Mười là một trong những ngư dân Ðà Nẵng mang khát vọng chinh phục biển khơi, làm giàu từ biển với những nỗ lực không ngừng trong đầu tư đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi. Ngoài việc sở hữu nhiều tàu gỗ công suất lớn, đánh bắt hiệu quả, anh Mười mạnh dạn vay vốn theo Nghị định 67/NÐ-CP để đóng mới tàu vỏ thép trị giá 18,5 tỷ đồng, hạ thủy đầu năm 2016. Ðây là một trong những tàu vỏ thép hành nghề chụp mực, lưới vây có hiệu quả nhất của ngư dân Ðà Nẵng, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động. Anh Mười cũng như hàng nghìn ngư dân vùng duyên hải miền trung đã và đang làm giàu từ biển, kết nối được mạch nguồn kinh tế biển với niềm tự hào bao đời nay của ông cha.

Hàng nghìn năm nay, để tồn tại, ngư dân Việt Nam đã biết cách tổ chức khai thác tiềm năng của biển và đạt được những kết quả nhất định. Văn hóa hướng biển khiến con người dũng cảm, kiên cường hơn. Ðây là điều luôn cần thiết cho việc xây dựng, tôn tạo, gìn giữ biển, đảo quê hương của Tổ quốc. Biết bao ngôi làng chài đã đứng trước biển nghìn năm nay với tư thế của người lấn biển, chống chọi bão giông và mưu sinh. Dù ở mức độ khác nhau, làng biển trên mỗi miền đất nước đang cần nhiều đổi thay, biến tâm thức biển nghìn đời nay thành tâm thế sẵn sàng vươn ra biển lớn.

* Bài 1: Độc đáo văn hóa biển miền trung

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 10-1-2018.

ÐÀO TRÍ HÙNG và HỒNG KẾ NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/35242802-giu-gin-phat-huy-van-hoa-bien-nam-trung-bo-tiep-theo-va-het.html