Giữ hồn cho xứ sở hoa vàng cỏ xanh

Hơn 2 năm sau cơn sốt của bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, vùng đất Phú Yên đã được gắn lên mình cái tên mới - xứ sở hoa vàng cỏ xanh.

Bãi Môn - Mũi Điện, một địa chỉ du lịch hút khách ở Phú Yên

Du lịch Phú Yên cũng đã có những thay đổi tích cực. Lần trở lại này khiến tôi vừa bất ngờ, vừa hào hứng, nhưng cũng có chút chạnh lòng.

1. Tôi đến với Phú Yên lần đầu tiên vào năm 2014 khi nơi này vẫn còn là “vẻ đẹp tiềm ẩn” của làng du lịch Việt Nam. Đã từng đặt chân đến nhiều vùng biển của Việt Nam, nhưng khi đến xứ Nẫu vẫn bị choáng ngợp bởi vẻ thanh bình, hồ như chưa bị tác động nhiều bởi bàn tay con người. Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) - cực Đông Tổ quốc, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Việt Nam, nằm vươn mình ra biển cả hiền hòa. Ghành Đá Đĩa - “tổ ong khổng lồ” được thiên nhiên ban tặng như một tạo vật vô giá. Nhà thờ Mằng Lăng - nơi còn lưu giữ cuốn sách in đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ của Việt Nam. Bãi Xép, bãi Môn, bãi Bàng, biển Long Thủy... nước trong xanh, trải dài những bờ cát trắng.

Nhắc đến Phú Yên, càng không thể không kể đến những sản vật nơi đây. Một buổi sáng tinh mơ vào mùa cá ngừ đại dương, nếu ghé cảng cá phường 6, thành phố Tuy Hòa sẽ thấy tấp nập trên bến, dưới thuyền. Những chú cá ngừ tươi rói đủ kích cỡ được vận chuyển từ những tàu ngư dân, theo thương lái tỏa đi khắp nơi. Các loại hải sản mực, ghẹ, tôm, cua, ốc… dưới bàn tay thoăn thoắt lựa chọn của thương lái, hay những bà nội trợ. Nếu kể về đặc sản cá ngừ, nếu không thử món mắt cá ngừ đại dương hấp, cá ngừ ăn sống cùng mù tạt, cháo cá ngừ, hay lòng cá ngừ... thì chuyến đi đến Phú Yên của bạn coi như mất đi một nửa thú vị. Còn thêm biết bao nhiêu món ngon như bánh bèo nóng Tháp Nhạn, bánh hồng, xôi vị, cơm gà Tuyết Nhung... khiến du khách lạc cả lối về!

2. Chính bởi niềm nhung nhớ ấy, tôi trở lại Phú Yên. Sau cơn sốt Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, du lịch Phú Yên bắt đầu trở mình và trở thành điểm đến hút khách, đặc biệt trong các dịp lễ, tết. Những điểm tích cực mà ai cũng nhận thấy, đó là hạ tầng giao thông được cải thiện đáng kể. Con đường dẫn ra Mũi Điện, vịnh Vũng Rô hay gành Đá Đĩa đều được trải nhựa phẳng tít. Các bậc thang đá cũng được dựng lên ngay ngắn, không còn cảnh du khách phải leo trèo lên các phiến đá để được chiêm ngưỡng thắng cảnh. Mỗi điểm đến, thay vì vẻ hoang sơ, buồn tẻ, nay cũng có bãi đậu xe chỉnh trang; hàng quán dần mọc lên để phục vụ du khách. Ở Mũi Điện nay còn có xe ôm đưa khách từ ngọn hải đăng xuống dưới chân núi, hay xe điện phục vụ khách từ cổng chào đến lối đi xuống gành Đá Đĩa. Thay đổi tích cực nhất có lẽ là không còn tình trạng rác xả ra bừa bãi. Những thùng rác được đặt khắp các lối đi khiến cảnh quan thêm phần sạch đẹp.

Những sự thay đổi đó khiến dịp lễ 30-4 vừa qua, du khách đến với Mũi Điện, gành Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng, tháp Nhạn, hay các điểm du lịch, bãi biển đều đông nghẹt. Từng đoàn xe khách lớn nhỏ nối dài. Các hàng quán chật kín người, thậm chí nhiều du khách chưng hửng vì không thể thưởng thức món đặc sản mình mong đợi. Cũng đúng dịp này, lễ hội diều, lễ hội ẩm thực xứ Nẫu, lễ hội âm nhạc đường phố, Liên hoan Nghệ thuật bài chòi Phú Yên 2018... nhất loạt được tổ chức, khiến không khí càng thêm phần sôi động.

Thay đổi tích cực ấy khiến những người con mảnh đất Phú Yên tự hào, bởi địa danh này không còn là “thiếu nữ ẩn mình”, mà đang vươn vai tỉnh giấc.

3. Tôi nói với người bạn quê Phú Yên rằng, người dân vẫn làm du lịch theo hướng tự phát, tức là có gì làm nấy. Ở các điểm du lịch như Mũi Điện, gành Đá Đĩa, dù thu vé vào cổng, giá không quá cao, nhưng cũng không thấp (20.000 đồng/người lớn), hầu như không có thêm dịch vụ nào khác để phục vụ du khách. Các hàng quán nơi này vẫn chỉ bày bán những vật phẩm có thể thấy ở bất kỳ nơi nào, ít thấy các đặc sản địa phương. Một điểm chung là khách đến các điểm này ngoài việc tham quan, ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm..., hầu như không được cung cấp thêm thông tin gì. Khu di tích Tàu không số Vũng Rô tuy nổi tiếng nhưng chưa có điểm nhấn, thiếu người thuyết minh nên không phải ai cũng được biết về câu chuyện hào hùng trong trang sử Việt.

Thậm chí, khi ghé nhà thờ Mằng Lăng còn không có cả dịch vụ giữ xe. Khách cứ thoải mái để xe nơi nào trống, tự do tham quan. Khu trưng bày cuốn sách đầu tiên in bằng chữ Quốc ngữ khá đơn sơ với chiếc hộp gỗ được khóa kín, vài bức hình qua các thời kỳ. Khu trưng bày hiện vật phía sau, gắn liền với cuộc sống lao động của người dân cũng rất sơ sài, thậm chí nhiều món đồ lâu ngày đã gỉ sét.

Ý thức của du khách cũng là điều đáng bàn. Nếu ghé Mũi Điện hay tháp Nhạn, không khó để bắt gặp những hình ảnh xấu với chữ viết được khắc lên chằng chịt khắp nơi, đa phần của các bạn trẻ, như một cách để ghi dấu mình đã đến nơi này. Tại Mũi Điện, biển báo cấm tắm vì nguy hiểm đặt khắp nơi, nhưng du khách vẫn thản nhiên vi phạm, không thấy ai nhắc nhở. Ngoài những lợi thế sẵn có với vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, Phú Yên đã và đang làm nhiều cách khác nhau để tạo nên một địa chỉ thu hút du khách, đặc biệt là các bạn trẻ. Đó là tín hiệu đáng mừng. Nhưng, dường như du lịch ở xứ sở hoa vàng cỏ xanh vẫn cho thấy sự đơn điệu so với tiềm năng dồi dào của nó.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giu-hon-cho-xu-so-hoa-vang-co-xanh-517216.html