Giữ 'hồn' dân tộc

Huyện Định Hóa hiện có trên 66.600 người là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 73,6% dân số toàn huyện). Trong đó, đồng bào dân tộc Dao có trên 2.000 người. Trải qua thời gian, đồng bào dân tộc Dao ở đây vẫn bảo tồn, gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình.

Bà Bàn Thị Hồng (bên phải), Chủ nhiệm CLB hát Pả dung ở xã Phúc Chu (Định Hóa) cùng con gái cả chỉnh sửa trang phục chuẩn bị đi dự Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên.

Người Dao ở huyện Định Hóa sinh sống tại tất cả 23 xã, thị trấn, nhưng tập trung nhiều ở các xã Phúc Chu, Phú Đình, Bảo Linh và Kim Phượng, chủ yếu là người Dao Coóc Mùn. Cộng đồng người Dao ở đây đã và đang cùng nhau gìn giữ, phát huy nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc mình đến tận ngày nay, như: Trang phục, Lễ cấp sắc, lễ cúng, hát Pả dung...

Chúng tôi đến nhà bà Bàn Thị Hồng, Chủ nhiệm CLB hát Pả dung ở xã Phúc Chu (Định Hóa) đúng lúc bà và người con gái cả đang mang những bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình ra chỉnh sửa để mặc đi dự Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên. Bà Hồng chia sẻ: Trang phục của phụ nữ Dao nơi đây gồm áo dài, quần, yếm, khăn đội đầu, dây thắt lưng, mũ. Bà con đều tự tay đi lấy cây chàm trên núi về nhuộm vải. Ngoài yếm, dây thắt lưng có màu đỏ, màu xanh thì quần, áo dài, khăn đội đầu có màu chàm và được thêu những họa tiết, hoa văn mô phỏng hình cỏ cây, hoa lá, hình vuông, hình tròn với nhiều màu sắc ở cổ, chân áo, chân quần. Còn đối với trang phục của nam giới thì đơn giản hơn, mũ, quần áo chỉ có một màu chàm hoặc đen…

Khi nhắc đến văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở Định Hóa, cùng với trang phục truyền thống thì không thể không nhắc đến một nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa của bà con, đó là Lễ cấp sắc. Nghi lễ này đã được đồng bào Dao gìn giữ và phát huy đến tận hôm nay và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2016. Lễ cấp sắc là thủ tục không thể thiếu đối với người đàn ông dân tộc Dao, từ 18 tuổi trở lên được cấp sắc mới được coi là người đàn ông trưởng thành và có quyền tham gia các công việc của cộng đồng người Dao. Trong Lễ cấp sắc, người thụ lễ được đặt pháp danh - tên âm, được học những giáo lý về đạo đức, về nhân sinh quan…

Ông Lý Tiến Thành, ở xóm Làng Hoèn, xã Phúc Chu, cho biết: Theo phong tục của người Dao, Lễ cấp sắc được thực hiện theo thứ tự quan hệ trong gia đình, nghĩa là cha làm trước con, anh làm trước em. Lễ cấp sắc được thực hiện theo các cấp 3, 7 hay 12 đèn, với nhiều nghi lễ như: Lễ trình diện của người thụ lễ, lễ đội đèn, lễ giữ cây đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn tổ tiên... Các hoạt động trong Lễ cấp sắc đều phải làm theo phong tục tập quán truyền thống, trước sự giám sát của thầy cúng và dòng họ, cộng đồng người Dao nơi người thụ lễ sinh sống.

Cuối năm 2021, mặc dù đã trên 60 tuổi nhưng ông Bàn Văn Xuân, ở xóm Hoa Muồng, xã Bảo Linh mới tổ chức Lễ cấp sắc cho mình. Ông phấn khởi cho biết: Cuối năm ngoái, tôi và gia đình đã tổ chức Lễ cấp sắc cho mình. Qua đó tôi đã chính thức được tổ tiên và các vị thần linh chứng nhận, có đủ quyền tham gia các lễ cúng, khi mất đi linh hồn sẽ được nhập vào bàn thờ tổ tiên. Trước đây, Lễ cấp sắc diễn ra trong 3 ngày 3 đêm, nay được rút xuống còn 2 ngày 2 đêm, nhưng vẫn giữ đủ các thủ tục. Để chuẩn bị tổ chức Lễ cấp sắc, gia đình tôi đã nuôi 2 con lợn (mỗi con nặng trên 100kg) cùng vài chục con gà để làm lễ và đãi bà con…

Ngoài trang phục và Lễ cấp sắc thì bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao ở đây còn thể hiện đậm nét qua một số nghi lễ như: Cúng tổ tiên, ma chay, cưới hỏi, cúng rằm tháng Bảy và Tết cổ truyền. Đặc biệt là từ năm 2017 đến nay, bà con đã khôi phục được điệu hát Pả dung của dân tộc mình.

Để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong đó có dân tộc Dao, thời gian qua, huyện Định Hóa đã tích cực vào cuộc nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Bà Hoàng Thị Ngà, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: Hàng năm, chúng tôi đều đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các CLB văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tổ chức sưu tầm, tập hợp tư liệu, sách cổ về văn hóa truyền thống còn lưu giữ được trong nhân dân, sau đó dịch ra tiếng phổ thông làm tài liệu tuyên truyền. Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025 nhằm gắn phát triển du lịch cộng đồng với văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; tổ chức các chương trình liên hoan văn hóa, văn nghệ dân gian để nhiều người dân trong và ngoài huyện biết đến...

Vũ Công

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/van-hoa/giu-%E2%80%9Chon%E2%80%9D-dan-toc-306392-98.html