Giữ hồn Sình ca Cao Lan

Nhắc đến đồng bào dân tộc thiểu số Cao Lan, người ta nhớ ngay đến làn điệu Sình ca. Họ tự hào rằng, ở đâu có người Cao Lan, ở đó có Sình ca.

Khi biết tôi muốn tìm hiểu về sình ca Cao Lan, ông Âu Văn Cương, Chủ nhiệm CLB Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan hào hứng kể về những đêm hát sình ca say sưa ở nhà văn hóa tổ 5, phường Đội Cấn, một tổ chủ yếu đồng bào Cao Lan sinh sống. "Sình ca là hồn vía dân tộc mình đó" - ông Cương bắt đầu câu chuyện bằng lời khẳng định. Ông nhớ lại ngày trước, trai gái mượn lời ca tiếng hát để tìm hiểu nhau, hát từ chiều hôm trước đến tận sáng hôm sau. Sình ca có "Thsăn lèn" là làn điệu hát mừng năm mới, "Thsao bạo" là hát đối đáp hay còn gọi là hát giao duyên, "Kên láu" hát trong đám cưới, "Tò tèn" là hát đố...

Ông Âu Văn Cương và Ban chủ nhiệm CLB nhận quyết định thành lập CLB Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan phường Đội Cấn.

Ngôn ngữ của Sình ca được thể hiện theo suy nghĩ ở từng lứa tuổi. Đối với người già, họ hát để biểu lộ tình bạn, tài năng hoặc than về nỗi gian truân của mỗi người. Đối với nam thanh nữ tú, Sình ca thể hiện ước vọng tình cảm lứa đôi, biểu lộ suy nghĩ của cá nhân về cuộc sống hiện tại và mơ ước mai sau….

Sau những ngày lao động sản xuất, mọi người trong tổ tập hợp nhau lại cùng nhau múa hát.

Dù năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng niềm đam mê Sình ca chưa bao giờ nguôi ngoai trong bà Nông Thị Vinh, Phó Chủ nhiệm CLB Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan. "Ná co dưng nàm nêm sềnh cun/Ná co sềnh nêm sềnh sài/ Ná co cenh tìn nêm cau súi/Ná co trông si nêm sinh sằn" (dịch: Ai có nuôi con mới biết lòng cha mẹ/Ai được làm quan thì phải nhớ đến đất làng/Ai làm ruộng thì phải nghĩ đến nước/Ai đi núi thì phải nghĩ đến thần núi).

Bà Nông Thị Vinh (ngoài cùng, bên trái) và bà Vương Thị Triệu (cầm mic) cùng các thành viên trong CLB biểu diễn Sình ca.

Những câu hát Sình ca ấy được bà Vinh cất lên trầm bổng, da diết, những câu hát gợi lục lại trong đầu bà nhiều kỷ niệm. Bà Vinh, hiện là nòng cốt của CLB Giữ gìn bản săc văn hóa dân tộc Cao Lan phường Đội Cấn. Bà bảo, bà biết hát Sình ca từ năm 14, 15 tuổi. Đồng bào Cao Lan mê say dân ca bởi nó không chỉ là những bài hát giao duyên của trai gái mà còn có nhiều bài ca ngợi sản xuất, hát về thiên nhiên; phụng thổ công, thần nông, hát mừng nhà mới, đám cưới, ru con, hát đền ơn cha mẹ, hát đố, hát ghẹo… Qua đó người Cao Lan gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước nguyện với thiên nhiên, thần linh.

Các thành viên CLB thể hiện điệu hát múa "Hạn hán tát nước" của đồng bào dân tộc Cao Lan.

Qua Sình ca, người nghe có thể nhận thấy vẻ đẹp tâm hồn của người Cao Lan bình dị mà tinh tế, mộc mạc mà chân thành. Bà và các thành viên CLB tự sưu tầm, nghiên cứu các làn điệu Sình ca, mở Youtube rồi hát theo. Ai học được gì là ghi chép lại rồi dạy cho người khác. Góp gió thành bão, giờ các thành viên CLB ai cũng có thể hát Sình ca, tham gia vào các điệu múa truyền thống. Hoạt động CLB ngày càng thêm sôi nổi, hiệu quả.

Ngày lễ, Tết hay hội hè, người Cao Lan sẽ mặc những bộ quần áo đẹp nhất của mình và cùng nhau hát, múa.

Yêu làn điệu Sình ca từ tấm bé, từ nhỏ, bà Vương Thị Triệu, tổ 7, phường Đội Cấn đã được nghe tiếng ru ngọt ngào của mẹ và nhịp trống sành của cha. Dường như cái chất “nghệ sĩ gia truyền” đã thấm trong bà từ bé. Bà bảo: “Đi xem người ta hát, múa, nhiều lần vậy là tự khắc thấm vào mình thôi. Đến năm 15 tuổi tôi đã theo các chàng trai sang tận làng bên hát đối Sình ca, nay đã ngoài 70 những vẫn còn mê hát lắm”.

Ý tưởng thành lập đội văn nghệ từ khi ông Cương, bà Vinh, bà Triệu nhận ra phong trào ca hát dần mai một và mong muốn lưu giữ những làn điệu dân ca của dân tộc mình.

Các thành viên tại buổi lễ ra mắt CLB Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan.

Lời hát giúp lục lại ký ức thuở còn trai tráng của người làng và lan nhanh khắp xóm trên, làng dưới như những đám mạ non trên thửa ruộng mới cấy gặp được mưa xuân mơn mởn. Đến khi tiếng hát rộn ràng bên bếp lửa nhà sàn cũng là lúc CLB được thành lập và thu hút hơn 100 thành viên.

Những người trẻ trong câu lạc bộ say sưa học tập và múa hát giữ gìn bản sắc của đồng bào mình.

Sau những ngày lao động sản xuất, mọi người trong thôn tập hợp nhau lại cùng hát. Những cụ ông, cụ bà với hàm răng đen bóng, miệng nhai trầu nhưng đến khi hát vẫn rất mượt mà, ấm áp. Khi Sình Ca đã đi vào được trong đầu của mỗi người, người ta hiểu ra rằng, Sình ca đâu chỉ là câu hát giao duyên, nó là kho tàng dạy cách làm người mà đời cha, đời ông của người Cao Lan để lại. Học được Sình ca với những câu hát sâu sắc, thấm thía là học được cách dạy con cháu biết đối nhân xử thế, biết cách làm người lương thiện, biết cách làm lụng để nhà có nhiều lợn, nhiều gà, biết cách cho cây sắn trên nương nhiều củ, quả ngô mẩy hạt…

Vào những ngày lễ, Tết hoặc ngày hội, người Cao Lan thường gói bánh chim gâu rất ngon và đẹp mắt.

Mùa xuân mới đã về trên khắp ngõ ở phường Đội Cấn, tiếng đài xập xình xen lẫn tiếng lao xao của thanh niên đi học, làm công nhân đang hối hả về nhà. Trong những ngôi nhà vẫn râm ran tiếng trò chuyện, tiếng hát Sình Ca xen lẫn nhịp trống sành. Thứ 7 hàng tuần, các thành viên CLB lại tập trung ở nhà văn hóa tổ 5 để luyện tập, hướng dẫn đám trẻ trong tổ hát, múa Sình ca chuẩn bị các tiết mục giao lưu trong dịp Tết Nguyên đán này. Mọi người hi vọng thế hệ trẻ sẽ kế nghiệp các ông, bà mà viết tiếp câu chuyện văn hóa Cao Lan của dân tộc mình giữa biết bao thách thức, thăng trầm của đời sống hiện đại.

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/hyper-text/e-magazine/giu-hon-sinh-ca-cao-lan-187612.html