Giữ 'hồn' và phát huy 5 vùng văn hóa kinh đô

Tại Hội thảo 'Giữ gìn và phát huy nét đặc trưng văn hóa của từng vùng kinh đô xưa và nay trong việc xây dựng văn hóa địa phương và cả nước', được Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức mới đây, đại biểu văn nghệ sĩ đến từ 5 vùng kinh đô xưa và nay (Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế) cùng nhau tìm lời giải cho câu hỏi: Phải làm gì để giữ gìn và phát huy văn hóa 5 vùng kinh đô.

Văn nghệ sĩ 5 vùng kinh đô xưa và nay tham quan Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Đăng Chung

Văn nghệ sĩ 5 vùng kinh đô xưa và nay tham quan Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Đăng Chung

Đặc trưng văn hóa

Điểm lại những đặc trưng văn hóa của Hà Nội như: Tập trung nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhất; văn hóa của tứ trấn; tập trung trí tuệ, lan tỏa các giá trị văn hóa… GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội - cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để khai thác những tiềm năng đó. Theo ông, ngoài sự hợp tác đa dạng ở nhiều mặt, góc độ, còn có một lĩnh vực hết sức tiềm năng đó là du lịch văn hóa giữa 5 kinh đô. Tiềm năng rất có triển vọng; đồng thời là chất kích thích cho sự phát triển của Hà Nội và các tỉnh có kinh đô xưa. Để khai thác tốt tiềm năng này, trước hết nên bắt đầu bằng mối quan hệ truyền thống vốn có trong lịch sử giữa các tỉnh, thành phố kinh đô.

GS.TS Lê Hồng Lý dẫn giải những mối quan hệ đầy thú vị: Chẳng hạn những dấu tích từ kinh đô Hoa Lư còn có ở Hà Nội như chùa Một Cột – Nhất trụ, Ô cầu Dền - cầu Dền, Tràng An - Trường Yên. Lam Kinh Thanh Hóa với Hà Nội có sự tích hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây với những truyền thuyết liên quan đến Lê Thái Tổ và các vua Lê khác cùng những công thần như Lê Lai, Nguyễn Trãi. Giữa Huế, Hà Nội và Thanh Hóa với các làng nghề tiến vua có nguồn gốc từ những nơi này, các giá trị văn hóa kinh kì, mối quan hệ giữa Đông Đô, Tây Đô và Phú Xuân... Còn Phú Thọ với Hà Nội có thành Cổ Loa, Thục Phán An Dương Vương với đền Hùng và các di tích trên vùng đất Tổ...

“Cần kết nối các thành phố kinh đô trong hoạt động du lịch và giới thiệu sản phẩm cho nhau. Làm sâu sắc các mối quan hệ giữa các kinh đô, giáo dục cho các thế hệ trẻ của 5 kinh đô về các di sản lịch sử, văn hóa của nó, khơi dậy niềm tự hào, đoàn kết cùng phát triển. Tổ chức các cuộc giao lưu, hội thảo khoa học, các đề tài nghiên cứu, các cuộc liên hoan, các tour du lịch và nhiều mối liên hệ khác. Làm sao để nơi này có thể làm điểm tựa, làm chất xúc tác cho nơi kia trong khai thác du lịch và trên mọi lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, để có thể khai thác triệt để tiềm năng của mỗi kinh đô, vì sự phát triển của nhau và sự phát triển của cả nước. Vấn đề đưa di sản truyền thống vào sự phát triển đương đại đòi hỏi trí tuệ của các nhà khoa học, các nhà văn, nghệ sĩ, nghệ nhân và những người làm du lịch của 5 kinh đô hôm nay” - GS.TS Lê Hồng Lý nhấn mạnh.

Cố đô Huế hằng năm thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước

Khắc phục khiếm khuyết

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh đến từ Thừa Thiên - Huế lại lưu ý đến câu chuyện bảo tồn và phát huy văn hóa Hán Nôm tại Thừa Thiên - Huế nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn một số khiếm khuyết chưa có điều kiện khắc phục. Đó là bản dịch các bộ sử kí, dư địa chí, hội điểm của các vương triều trước vẫn để lại những sai sót. Cần phải rà soát lại, đối chiếu nguyên văn và bản dịch để sửa chữa các nhầm lẫn, sai sót trong các bản dịch trước năm 1975, khi đất nước chưa thống nhất.

Theo ông, đấy là một công việc to lớn ngoài khả năng của một vài cá nhân, cần có sự hợp sức của các nhà xuất bản, và nhất là có chủ trương của Viện Sử học.

“Mặt khác, tất cả các tập thơ văn ngự chế của các hoàng đế nhà Nguyễn, sáng tác của các hoàng thân nhà Nguyễn vẫn chưa được phiên dịch và xuất bản. Đó cũng là một việc quan trọng trước mắt cần có sự hỗ trợ của các cơ quan văn hóa để thực hiện công trình lớn này. Có như thế việc bảo tồn và phát huy văn hóa Hán Nôm tại Thừa Thiên - Huế mới thực sự có ý nghĩa sâu sắc” – Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh trăn trở.

Từ kinh nghiệm sáng tác của mình, nhà văn cao niên Nguyễn Hữu Nhàn đến từ đất Tổ Phú Thọ nhắn nhủ rằng ở mỗi vùng kinh đô luôn ẩn chứa biết bao câu chuyện văn hóa trong đời sống. Vậy nên, một nhà văn không chỉ biết nhăm nhăm học lý luận văn học, biện pháp tu từ và các thủ pháp cấu tứ tác phẩm để xây dựng hình tượng nghệ thuật cho tác phẩm văn học của mình mà cần phải học rộng sang các lĩnh vực lịch sử, văn hóa học, khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học... nếu không khi về cơ sở sẽ không biết gì để sưu tầm, khai thác. Vì thế yêu cầu nhà văn càng không được ngại khó, ngại khổ phải đi, đi và viết liên tục thì sẽ có những đóng góp xứng đáng cho vùng đất kinh đô cổ của mình.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/giu-hon-va-phat-huy-5-vung-van-hoa-kinh-do-3969335-b.html