Giữ lấy nghề xưa: Gìn giữ cho mai sau

Trải qua hàng trăm năm ra đời, tồn tại và phát triển, những làng nghề truyền thống không phải khi nào cũng rực rỡ. Nhưng với sự quan tâm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và chính sự cần cù, chịu khó, sáng tạo của con người xứ Thanh, những nghề tưởng như đã mai một lại được hồi sinh, tiếp tục sứ mệnh của mình trong thời đại mới.

NNƯT Nguyễn Bá Châu luôn mong muốn gìn giữ và truyền lại những tinh hoa nghề đúc đồng lại cho con cháu.

Trước sự cạnh tranh “khốc liệt” với các sản phẩm công nghiệp hiện đại trên thị trường, có những thời điểm, nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hoạt động chật vật, hoặc đứng trước nguy cơ mai một. Tuy nhiên những năm gần đây, nhờ có các cơ chế, chính sách, cùng sự nỗ lực khôi phục, gìn giữ, phát triển nghề của Nhân dân các địa phương, nhiều làng nghề đã “hồi sinh”, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 52 ngày 12-4-2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn. Cùng với đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) nêu mục tiêu: “Tiếp tục phát triển tiểu thủ công nghiệp, chú trọng sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch, xuất khẩu”, điều đó đã góp phần định hướng cho các làng nghề tiếp tục duy trì, phát triển đảm bảo tính bền vững.

Năm 2018, nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Xác định việc phát triển làng nghề đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nghề truyền thống; do vậy trong quá trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ trong làng nghề vươn lên phát triển sản xuất. Đến nay, cơ sở hạ tầng khu vực làng nghề đã được đầu tư cơ bản, giao thông thuận tiện. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã định hướng cho các hộ ứng dụng khoa học - công nghệ trong một số khâu sản xuất, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị nghề truyền thống; có ý thức bảo vệ thương hiệu bằng việc lưu dấu thương hiệu trên sản phẩm; hướng tới 100% các cơ sở sản xuất đúc đồng truyền thống có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Cùng với các cấp, ngành, chính quyền địa phương cũng như Ban quản lý làng nghề xã Thiệu Trung, các hộ dân làng nghề đã tích cực và chủ động trong việc nghiên cứu ra sản phẩm, khẳng định thương hiệu sản phẩm địa phương. Với tình yêu và niềm đam mê, NNƯT Nguyễn Bá Châu đã mày mò, nghiên cứu, đúc thành công trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống với nhiều kích cỡ khác nhau, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao. Từ chiếc trống đồng với phiên bản và hoa văn Ngọc Lũ năm 2000; chiếc trống đồng có kích thước lớn nhất Việt Nam với đường kính mặt trống 1,51m, cao 1,21m năm 2007; đến chiếc trống đồng phiên bản Ngọc Lũ được xem là lớn nhất thế giới nặng khoảng 8 tấn, cao 2m, đường kính mặt trống 2,7m năm 2013; đặc biệt là 1.000 tượng mẹ Âu Cơ làm quà tặng đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2017... đã được ông cùng với đội ngũ thợ đúc đồng làng Trà Đông cho ra đời. Mỗi một sản phẩm đều góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam thêm phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hiện xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) có 3/5 thôn có nghề rèn truyền thống gồm thôn Ngọ, thôn Sơn và thôn Bùi. Hiện nay, nghề rèn cũng đã được phát triển rộng ra hai làng còn lại là làng Xuân Hội và làng Thị Trang, với hơn 1.600 hộ, chiếm hơn 61% số hộ trong xã. Chưa kể các hộ đi làm ăn xa, mang nghề rèn đi khắp muôn nơi sinh sống, lập nghiệp trên mọi miền đất nước.

Về làng Ngọ, hỏi thăm cơ sở sản xuất của anh Phạm Văn Tiến (sinh năm 1995), người dân địa phương ai cũng khen ngợi chàng trai giỏi giang, tháo vát. Tiếp nối nghề xưa mà cha ông để lại, năm 2019, anh Phạm Văn Tiến đã quyết định thành lập Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài. Nhằm từng bước xây dựng thương hiệu, khẳng định chỗ đứng trong thị trường, anh Tiến đã mạnh dạn tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Hiện nay, bộ sản phẩm dao thép trắng không gỉ của công ty đang hoàn thiện thủ tục, phấn đấu trở thành sản phẩm OCOP 4 sao trong năm 2022. Anh Tiến cho biết: “Bên cạnh việc mở rộng sản xuất, thời gian tới, công ty thực hiện ứng dụng công nghệ, sản xuất dây chuyền, từ đó đa dạng hóa sản phẩm, hướng đến các sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu làng rèn”. “Không bao giờ được phép ngừng cố gắng” - đó là điều mà anh Tiến luôn ấp ủ mang theo trên suốt hành trình phấn đấu phát triển nghề, gắn bó với nghề truyền thống của gia đình, quê hương.

Bộ sản phẩm dao thép trắng không gỉ của Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài hướng đến trở thành sản phẩm OCOP trong năm 2022.

Ông Hoàng Trọng Dần, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc cho biết: Sản phẩm nghề rèn Tiến Lộc giờ đây không chỉ dừng lại ở những công cụ truyền thống mà đã đa dạng các sản phẩm, nhiều chủng loại, số lượng lên đến hàng nghìn loại, chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn. Sản phẩm nghề rèn đã vươn đến hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và sang tận các nước bạn Lào, Campuchia, Myanma... Đặc biệt, xã Tiến Lộc đã được đầu tư và quy hoạch làng nghề tập trung, tạo bước đột phá quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của làng nghề. Đến nay, hầu hết các hộ trong làng nghề đã xây dựng cơ sở sản xuất, đi vào sản xuất ổn định, đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm máy móc, mở rộng nhà xưởng, góp phần tạo việc làm ổn định cho một bộ phận người lao động địa phương và một số xã lân cận.

Thiết nghĩ, để các nghề và làng nghề truyền thống phát triển, cùng với các chính sách hỗ trợ trong việc quy hoạch, phát triển, các cơ sở sản xuất cần nghiên cứu việc đăng ký thương hiệu sản phẩm. Mặt khác, cần phải cải tiến, đổi mới mẫu mã, tạo ra sản phẩm phong phú, đa dạng, chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, các cấp, ngành và chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra ổn định cho các sản phẩm. Hướng đến việc xây dựng các làng nghề truyền thống trở thành điểm đến tham quan, mua sắm hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế... Có như vậy, các nghề và làng nghề truyền thống mới có thêm cơ hội phát triển mạnh mẽ, ổn định, bền vững trong tương lai.

Bài và ảnh: Lê Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/giu-lay-nghe-xua-gin-giu-cho-mai-sau/23832.htm