Giữ lòng tin xã hội

Chồng là ngư dân bị tử vong khi làm việc trên biển, người vợ làm hồ sơ đề nghị Bảo hiểm Pjico chi trả 70 triệu đồng tiền bảo hiểm. Vũ Văn Nhận, lúc đó là trưởng phòng giao dịch của Pjico tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đòi người vợ phải trả 10% số tiền trên (7 triệu đồng) mới được nhận tiền còn lại (63 triệu đồng). Cơ quan chức năng đã bắt quả tang Vũ Văn Nhận khi đang nhận tiền hối lộ vào ngày 4-10 và 24-11 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Ăn chặn cả tiền của người đã chết, còn có sự táng tận nào hơn?

Trước đó không lâu, Công an huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đề nghị truy tố ông Huỳnh Tự Tuyên, nguyên Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện này, về hành vi nhận hối lộ. Ông Tuyên gợi ý rồi hẹn gặp và nhận 20 triệu đồng của một doanh nghiệp khai thác cát vào ngày 10-5 thì bị bắt quả tang. Tương tự, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố Lê Văn Tuyên, giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Hà Trung, đã vòi vĩnh và lấy 100 triệu đồng của doanh nghiệp để cho trúng thầu dự án...

Rất nhiều vụ cán bộ - công chức (CBCC) có hành vi nhận hối lộ bị bắt quả tang được phát hiện, đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Không chỉ ở cấp huyện, mà cấp lớn hơn còn có những vụ điển hình như vụ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng khi đi thanh tra ở tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận hối lộ gần 150 triệu đồng và cơ quan chức năng ngày 18-6 đã khởi tố, tạm giam bà Nguyễn Thị Kim Anh (trưởng đoàn thanh tra) cùng 2 thành viên là ông Đặng Hải Anh và bà Nguyễn Thùy Linh. Còn trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần Công ty AVG, cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son đã nhận hối lộ từ Phạm Nhật Vũ số tiền 3 triệu USD; cựu bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cũng nhận hối lộ của Phạm Nhật Vũ 200.000 USD. Các bị can Cao Duy Hải, nguyên Tổng Giám đốc MobiFone, cũng nhận từ Vũ 500.000 USD; Lê Nam Trà, nguyên chủ tịch HĐTV MobiFone, nhận 2,5 triệu USD...

Dù nhận số tiền hàng tỉ đồng, hàng triệu USD như cựu bộ trưởng TT-TT và cựu lãnh đạo MobiFone hay 7 triệu đồng như trưởng phòng bảo hiểm Pjico thì hành vi đều là bỉ ổi, thiếu nhân cách và bị pháp luật xử lý là thỏa đáng. Những đồng tiền có được không do lao động, không phải tiền lương được trả mà từ tiền của mồ hôi nước mắt người khác làm nên, kể cả đánh đổi bằng tính mạng của ngư dân trên biển. Quyết chí lấy cho được, làm giàu trên những đồng tiền xương máu này, hẳn những kẻ nhận hối lộ đều đã nghĩ tới cái giá phải trả là không hề đắt, chưa kể những hệ lụy đeo đẳng cả đời và dư âm đắng đót của miệng thế gian nếu vụ việc vỡ lở, vướng vào vòng lao lý. Chắc chắn họ đều đã nghĩ tới song vẫn chấp nhận đánh đổi, nếu trót lọt thì phú quý vinh hoa hưởng đủ, còn không thì "hy sinh đời bố củng cố đời con".

Dư luận nhân dân luôn mong những vụ này phải xử thật nghiêm, mức án tương xứng để làm gương cho những người làm việc trong những môi trường, vị trí nhạy cảm, dễ bị mờ mắt, tha hóa bởi đồng tiền. Ngoài tác dụng răn đe thì những người này phải tự răn mình giữ gìn đạo đức công vụ. Bởi làm sai thì không chỉ bị pháp luật xử lý mà còn làm xói mòn lòng tin xã hội.

MINH KHOA

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/giu-long-tin-xa-hoi-20191129224051942.htm