'Giữ lửa' bên đỉnh Ku Vơ

Nằm ngay khu trung tâm thị trấn Lao Bảo (huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị), người dân bản Ka Tăng (trên 90% đồng bào dân tộc Vân Kiều) sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông-lâm nghiệp và làm nghề kéo xe chở hàng thuê ở khu vực cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo.

Cuộc sống khá vất vả nhưng người dân nơi đây luôn đề cao phẩm giá con người, tuyệt đối không tham gia vào các tệ nạn xã hội, không tiếp tay cho đối tượng xấu. Vai trò của các già làng, trưởng bản, gương sáng đồng bào đã giúp thanh niên tuổi trẻ vượt qua cám dỗ xấu hại…

Đứng trưa, bản Ka Tăng (nằm bên đỉnh núi Ku Vơ hùng vĩ) khá vắng vẻ. Anh Lê Văn Hùng, Phó bản dẫn chúng tôi một vòng thăm thú nơi này, bộc bạch: “Giờ này, phần lớn bà con vẫn còn trên nương rẫy, kéo xe chở hàng thuê cho khách ở khu vực cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Họ làm việc cật lực từ tầm 7h sáng đến tối mịt mới về. Tuy nhiên, anh vẫn có thể gặp những con người đáng gặp của bản để hiểu hơn về cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của bà con, và nhất là công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), giữ vững bình yên bản làng qua hàng thế hệ nơi đây”.

Bộ đội Biên phòng cùng dân bản Ka Tăng chăm sóc vườn cây trồng dưới chân núi Ku Vơ

Bộ đội Biên phòng cùng dân bản Ka Tăng chăm sóc vườn cây trồng dưới chân núi Ku Vơ

Chúng tôi theo anh Hùng đến thăm nhà mẹ Hồ Thị Nọ, bố Hồ Văn Công (người Pa Kô, Vân Kiều lớn tuổi thường được gọi là bố và mẹ) ở cuối bản cũ và đầu bản mới. Mẹ niềm nở mời nước khách nấu từ lá cây vối thơm phức mùi núi rừng. Những năm tháng chiến tranh bom đạn, và sau này hàng chục năm sau giải phóng vẫn còn không ít khó khăn vất vả phải vượt qua để xây dựng cuộc sống mới, vẫn còn rõ mồn một trong kí ức của mẹ, như vừa mới ngày hôm qua.

“Thời gian cuối năm 1962 đầu 1963, vùng Lao Bảo bị đánh phá dữ dội, bộ đội đã giúp sơ tán dân đến những nơi an toàn, trong đó ưu tiên sơ tán người già và trẻ em ra miền Bắc. Tháng 3 năm đó, mẹ được đưa vào học văn hóa ở Trường Dân tộc Trung ương Hà Nội. Đến cuối năm 1969, mẹ tốt nghiệp lớp 10, tình nguyện trở vào lại miền Nam phục vụ kháng chiến”, mẹ chậm rãi kể.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo cùng dân bản Ka Tăng họp giữ gìn khối đoàn kết dân tộc

Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, mẹ Nọ cũng như bao con dân của bản, trở lại đây để xây dựng lại bản làng, vốn đã bị đánh phá tan hoang trong chiến tranh. Tại đây, mẹ gặp bố bây giờ, ông lúc đó là thương binh sống sót sau hàng chục lần vào sinh ra tử trên chiến trường A So, A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Hỏi chuyện duyên nợ vợ chồng, mẹ móm mém cười: “Bố hơn mẹ 12 tuổi, nay đã 86 tuổi, đầu óc không còn minh mẫn. Nhưng riêng những kỷ niệm chiến tranh, thì bố thường nhắc tới, có chuyện còn nhớ như in. Có những lúc nhớ bạn bè đồng đội hy sinh, bố thắp nén nhang ra vái vọng trước hiên nhà, mắt nhòe đi, rưng rưng nước. Con của bố mẹ đứa nào cũng được bố dạy dỗ cẩn thận. Bố dạy về truyền thống cách mạng, về đạo lý uống nước nhớ nguồn. Con cái nhờ đó mà không có đứa nào hư. Trong bản này cũng thế, từ trẻ nhỏ đến thanh niên đứa nào cũng nghe lời của bố”.

Thiếu tá Ngô Quang Thuyên, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo cho hay: “Bố Hồ Văn Công và mẹ Hồ Thị Nọ là những tấm gương sáng của bản Ka Tăng từ hàng chục năm qua. Mặc dù tuổi cao sức yếu, không còn có thể lên nương lên rẫy làm những công việc nặng nhọc, bố Công, mẹ Nọ vẫn luôn hết mình đóng góp cho bản làng, nhất là việc tuyên truyền, nói những lời hay ý đẹp để qua đó giúp cho thanh thiếu niên làm những việc nên làm, và tránh những việc không nên làm. Nhờ đó, những năm qua, người dân bản Ka Tăng, mặc dù sống ngay bên cửa khẩu Lao Bảo, nơi vốn có điều kiện phức tạp về các hoạt động xã hội, an ninh, trật tự, song bản làng này không hề có người xấu, người vi phạm pháp luật”.

Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo Nguyễn Hữu Dũng cho biết thêm: “Bản Ka Tăng qua nhiều năm là địa phương điển hình về đảm bảo ANTT; giữ vững, phát huy nét đẹp văn hóa của bản làng. Cả bản hiện có trên 190 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông-lâm nghiệp và làm nghề kéo xe chở hàng thuê ở khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, phần lớn đất đai lâm nghiệp thì cằn cỗi, khó phát triển, nên thu nhập của người dân hiện vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn”.

“Trong Nghị quyết của HĐND thị trấn về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng giai đoạn 2015-2020, chúng tôi vẫn đặc biệt chú trọng tới vai trò của các già làng, trưởng bản, gương sáng đồng bào. Những gương sáng này không chỉ giúp cho bà con dân bản ngày càng có được cuộc sống ổn định và tiến bộ, mà còn giúp cho chính quyền, ngành chức năng có điều kiện để làm tốt bổn phận của mình đối với nhân dân”, ông Dũng nhấn mạnh.

Nhờ đó, những năm qua, người dân bản Ka Tăng, mặc dù sống ngay bên cửa khẩu Lao Bảo, nơi vốn có điều kiện phức tạp về các hoạt động xã hội, an ninh, trật tự, song bản làng này không hề có người xấu, người vi phạm pháp luật.

So với hơn 20 năm trước, lúc lên đây, cái hồn cái cốt của bản Ka Tăng này bây giờ vẫn thế, trải qua biết bao biến động của đời sống kinh tế thị trường vẫn không hề thay đổi. Một bản làng đã được hình thành, phát triển từ lâu đời bên đỉnh núi Ku Vơ sừng sững cao hơn 1 nghìn mét so với mực nước biển, luôn được vun vén, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa…

Hữu Thành

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/giu-lua-ben-dinh-ku-vo-1487602.tpo