'Giữ lửa' đờn ca tài tử

Thấm thoắt đã tròn 30 năm, gia đình anh Lê Văn Hai (Hoàng Hai), chị Nguyễn Thanh Nga (Thanh Nga) từ miệt vườn sông nước Cà Mau lên Bình Phước lập nghiệp. Thời gian có trôi qua, nhưng trong sâu thẳm trái tim anh chị vẫn vẹn nguyên tình yêu dành cho nghệ thuật đờn ca tài tử. Mỗi khi có dịp giao lưu, anh chị như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới để lời ca, tiếng hát mãi vang xa…

Giữ gìn và tiếp nối

Có thể nói gia đình anh Hoàng Hai - chị Thanh Nga ở ấp Cây Điệp, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú là một trong những trường hợp rất ít đến nay đã 4 thế hệ luôn chú trọng “truyền lửa” đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử cho con cháu trong gia đình.

Chị Thanh Nga kể, năm 1980, gia đình chị ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Lúc đó, ông bà nội của chị là nghệ nhân hát bội, ba là nghệ sĩ đờn cổ được công nhận nghệ nhân của địa phương, chị là tài tử ca thuộc thế hệ thứ ba của gia đình. Còn anh Hoàng Hai sinh ra trong gia đình cũng có truyền thống đam mê ca cổ. Quê ở tỉnh Sóc Trăng, anh xuống Đầm Dơi lập nghiệp. Tình cờ gặp chị khi cùng tham gia phong trào đờn ca tài tử tại địa phương, ba chị Thanh Nga thấy anh Hoàng Hai vừa chăm chỉ lại có năng khiếu ca hát nên đã dạy anh đờn cổ (guitar phím lõm). Từ đó, anh học được khá nhiều bài bản và trở thành nhân tố nổi bật trong phong trào văn nghệ ở địa phương.

Gia đình anh Hoàng Hai và anh Nguyễn Minh Thuận (thứ 2 từ phải sang) gặp nhau ôn lại tiếng đờn

Gia đình anh Hoàng Hai và anh Nguyễn Minh Thuận (thứ 2 từ phải sang) gặp nhau ôn lại tiếng đờn

Nhờ lời ca, tiếng đờn mà hai trái tim Hoàng Hai, Thanh Nga đã hòa cùng một nhịp để tình yêu chớm nở. Năm 1988, anh Hoàng Hai hoàn thành nghĩa vụ quân sự và cả hai nên nghĩa phu thê. Anh chị sinh được 3 người con, trong đó Ngọc Mỹ là con đầu. Khi mới 5-6 tuổi, Ngọc Mỹ đã bộc lộ năng khiếu ca hát. Hiện Ngọc Mỹ thuộc thế hệ thứ tư là một tài tử ca, nối nghiệp gia đình.

Cố GS.TS Trần Văn Khê từng nói: “Dẫu UNESCO có công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể thì chính chúng ta chứ không ai khác phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy những tinh hoa mà ông cha để lại”. Vì vậy, là một thành viên của gia đình 4 thế hệ gắn liền với bộ môn nghệ thuật này, tôi rất mong chính quyền địa phương có những giải pháp thiết thực để đờn ca tài tử thực sự “bay cao, bay xa”. Bản thân tôi sẽ cố gắng trau dồi kỹ năng, đồng thời phát hiện, cổ vũ những bạn trẻ yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống này thông qua các phong trào văn nghệ tại địa phương. Hy vọng đờn ca tài tử sẽ thực sự “nở hoa” trên vùng đất Bình Phước kiên trung, anh dũng.

Anh Hoàng Hai
ở ấp Cây Điệp, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú

Đờn ca tài tử trên quê hương Bình Phước

Trải qua 30 năm làm bạn với ruộng vườn, nương rẫy trên quê hương Bình Phước, anh chị đã có 8 ha đất sản xuất. Dẫu phải lo toan cuộc sống thường ngày nhưng lời ca, tiếng đờn cứ âm vang thôi thúc trong tim anh chị. Chính vì vậy, dù bận đến mấy, nghe nơi nào có tổ chức đờn ca tài tử là anh chị đến để giao lưu. Qua sự kết nối của Ban Văn hóa xã Tân Phước, anh chị đã gặp nghệ nhân đờn cổ Hoàng Mau, là người cùng quê Cà Mau lên Bình Phước lập nghiệp. Vốn chung niềm đam mê, họ đã quy tụ thêm những nhân tố nòng cốt, đề xuất với lãnh đạo xã Tân Phước thành lập Câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử. Và CLB đờn ca tài tử xã Tân Phước đã ra đời với gần 20 thành viên, do nghệ nhân Hoàng Mau làm chủ nhiệm. Từ đó, anh chị có cơ hội thể hiện khả năng đờn ca của mình và luôn năng động, tích cực tham gia các buổi sinh hoạt của CLB, phong trào văn nghệ tại địa phương. Đến năm 2011, CLB được Trung tâm Văn hóa huyện Đồng Phú mời giảng viên tập huấn nâng cao bài bản cho các hội viên và chuyển lên CLB đờn ca tài tử huyện Đồng Phú, do anh trai chị Thanh Nga là anh Nguyễn Minh Thuận làm chủ nhiệm.

Với tài năng đờn ca của mình, anh chị được lãnh đạo trung tâm động viên tham gia CLB đờn ca tài tử của tỉnh. Anh chị còn vinh dự được Trung tâm Văn hóa tỉnh chọn là đại biểu tham dự sự kiện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trong quá trình tham gia xây dựng phong trào đờn ca tài tử trên quê hương Bình Phước, gia đình anh chị đã đạt nhiều thành tích rất đáng ghi nhận như: giải nhất Liên hoan đờn ca tài tử tỉnh Bình Phước năm 2020; giải nhì Liên hoan đờn ca tài tử và bóng rỗi tỉnh Đồng Nai năm 2023, cũng trong liên hoan này, anh Hoàng Hai còn đoạt giải nghệ nhân lớn tuổi diễn xuất hay nhất. Ngọc Mỹ cũng đoạt giải nhất Liên hoan đờn ca tài tử tỉnh Bình Phước lần thứ VI năm 2022; giải nhì Liên hoan đờn ca tài tử và bóng rỗi tỉnh Đồng Nai năm 2023…

Tiếng lành đồn xa, tài năng ca hay, đờn giỏi của anh chị và con gái Ngọc Mỹ đã được Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương thực hiện phóng sự về gia đình tiêu biểu gìn giữ và phát huy bộ môn đờn ca tài tử trên quê hương Bình Phước nói riêng và khu vực miền Đông Nam Bộ nói chung. Đặc biệt, anh Hoàng Hai và Ngọc Mỹ còn là cộng tác viên các chương trình văn nghệ của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV). Bên cạnh đó, gia đình anh chị cũng được các CLB trong và ngoài tỉnh mời đi giao lưu, biểu diễn tại các sự kiện lớn của khu vực.

Đức Hòa

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/143547/giu-lua-don-ca-tai-tu