Giữ 'lửa' hạnh phúc gia đình quân nhân

Những tác động từ mặt trái của đời sống kinh tế-xã hội cũng như đặc thù nghề nghiệp ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm lo, xây dựng hạnh phúc của gia đình quân nhân. Làm thế nào để gia đình quân nhân luôn 'ấm lửa' trước sự tác động này? Ghi nhận ở một số đơn vị thuộc Quân khu 2 nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6).

Thiếu tá QNCN Đào Mai Anh, nhân viên quân y Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 604, có chồng đang công tác tại Bộ CHQS tỉnh Lai Châu. Hiện tại, gia đình chị sinh sống ở tổ 14, khu 2, phường Vân Phú, TP Việt Trì (Phú Thọ). Do chồng thường xuyên xa nhà, ít có thời gian, điều kiện dành cho gia đình nên hầu như mọi việc hai bên nội, ngoại, Thiếu tá QNCN Đào Mai Anh đều phải một mình cáng đáng. Chị luôn cố gắng sắp xếp thời gian, giải quyết chu đáo, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa nuôi dạy con cái chăm ngoan giúp chồng an tâm công tác. “Vợ chồng tôi đều là quân nhân nên thấu hiểu đặc thù công việc và dễ chia sẻ với nhau. Hơn nữa, dù công tác xa nhà nhưng anh ấy thường xuyên gọi điện động viên tôi vượt qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống cũng như định hướng việc học tập của các con, điều này khiến tôi luôn cảm thấy yên tâm, ấm lòng”, Thiếu tá QNCN Đào Mai Anh chia sẻ.

Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang tổ chức Tọa đàm "Xây dựng gia đình quân nhân hạnh phúc, bền vững", tháng 6-2023. Ảnh: HOÀNG VINH

Gia đình Thiếu tá QNCN Giàng Thị Tâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 379, là một trong những gia đình quân nhân tiêu biểu của đơn vị. Chị Tâm quê ở huyện Mường Chà (Điện Biên), chồng chị là Đại úy QNCN Ngô Huy Phong, nhân viên báo vụ, Phòng Tham mưu, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 379, quê ở xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), cách đơn vị hàng trăm cây số. Vợ chồng chị Tâm, anh Phong được Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 379 cho mượn mảnh đất, xây ngôi nhà tạm ở bản Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) gần đơn vị để tiện công tác. Thiếu tá QNCN Giàng Thị Tâm bày tỏ: "So với nhiều gia đình quân nhân khác, gia đình tôi có thuận lợi hơn khi vợ chồng công tác cùng đơn vị, được đơn vị quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt. Đây là động lực, cũng là trách nhiệm để chúng tôi cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc. Theo tôi, nếu vợ chồng có điều kiện ở gần nhau thì tốt, nhưng nếu không được thì cũng phải cố gắng khắc phục, sống lạc quan chứ không nên so sánh, than thở...".

Trên đây chỉ là hai trong số hàng trăm gia đình quân nhân ở các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 2 mà vợ, chồng công tác xa nhau hoặc có quê xa đơn vị, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng luôn giữ được "lửa" hạnh phúc bởi có sự yêu thương, chia sẻ; được cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quan tâm, giúp đỡ. Trong xã hội hiện nay, các gia đình nói chung, gia đình quân nhân nói riêng đều chịu nhiều tác động từ mặt trái đời sống kinh-tế xã hội. Vì thế, theo đại diện các gia đình quân nhân mà chúng tôi có dịp tìm hiểu, không thể tránh khỏi những lúc “cơm chẳng lành, canh không ngọt”. Nếu vợ chồng không thấu hiểu, sẻ chia, nhường nhịn nhau sẽ dễ dẫn đến sứt mẻ tình cảm, thậm chí đổ vỡ hôn nhân. Để xây dựng gia đình quân nhân hạnh phúc, mỗi thành viên trong gia đình cần biết “gạn đục khơi trong”, bỏ bớt "cái tôi", lấy hạnh phúc gia đình, tương lai con em mình làm mục tiêu phấn đấu.

Theo Đại tá Nguyễn Thành An, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang, vợ-chồng cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình; biết cách điều hòa các mối quan hệ. Dù công tác gần hay xa nhau cũng phải luôn tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ, động viên nhau cùng vượt khó. Một gia đình hạnh phúc, hòa thuận sẽ có tác động tích cực đến cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. “Gia đình hạnh phúc không chỉ có sự no ấm mà còn là nơi hội tụ những nét đẹp văn hóa, thể hiện qua thái độ, hành vi, cách ứng xử của mỗi thành viên. Đó là với người trên phải tôn kính, lễ độ, khiêm tốn, quan tâm, chăm sóc; với người dưới cần nhường nhịn, giúp đỡ, vị tha; vợ chồng phải sống hòa thuận trên cơ sở tình yêu thương, chung thủy, hiểu biết lẫn nhau”, Đại tá Nguyễn Thành An tâm sự.

CAO MẠNH TƯỜNG

Hạnh phúc là biết sẻ chia

Chồng tôi là Đại úy Nguyễn Văn Tám, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ba Nang (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị), đóng quân ở huyện miền núi Hướng Hóa, tiếp giáp với nước bạn Lào. Còn tôi và các con ở thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Từ lúc yêu anh cho đến bây giờ, thời gian xa nhau nhiều hơn ở gần, thế nhưng tôi luôn cảm thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn.

Gia đình Đại úy Nguyễn Văn Tám. Ảnh do gia đình cung cấp

Chúng tôi quen nhau qua một người bạn thân của chồng tôi, lúc đó tôi đang là sinh viên Trường Đại học Sài Gòn, còn anh là học viên Học viện Biên phòng tại Hà Nội. Hai đứa ở hai đầu đất nước, chúng tôi liên lạc qua điện thoại, Facebook và email. Ở giữa thành phố biết bao nhiêu cám dỗ, tôi vẫn một lòng hướng về chàng học viên biên phòng với tính cách thật thà, hiền lành; chia sẻ với những khó khăn, vất vả của anh... Nhiều năm qua, vì đường xa, công việc nhiều nên 1-2 tháng anh mới về thăm nhà một lần. Đặc biệt, các dịp lễ, tết hầu như anh phải trực tại đơn vị. Dịch Covid-19 bùng phát, anh đi cả nửa năm không về. Tuy vậy, tôi và các con, gia đình rất tự hào về anh, về những gì anh đã và đang làm. Ở xa nhau nhưng chúng tôi chưa khi nào thấy có khoảng cách. Chúng tôi thường xuyên chia sẻ công việc, cuộc sống thường ngày qua điện thoại vào buổi tối; động viên nhau vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai của các con để cùng cố gắng. Trong thâm tâm, tôi cũng muốn anh được chuyển về đơn vị gần nhà, thế nhưng, tôi không muốn chồng phải suy nghĩ vì điều đó. Tôi tự nhủ, đã yêu bộ đội phải "yêu" cả những khó khăn, thiệt thòi ấy. Và tôi cảm thấy mình được bù đắp bởi mỗi khi về nhà, anh luôn phụ giúp tôi quét dọn nhà cửa, đưa đón con đi học, nấu ăn... đúng như nhà văn Chu Lai đã từng ví von: Lấy bộ đội tuy phải xa nhau nhưng khi các anh về thì đêm nào cũng là đêm tân hôn, tuần nào cũng là tuần trăng mật.

Chị HỒ THỊ HOA

(vợ Đại úy Nguyễn Văn Tám, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ba Nang, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị)

-------------

Yêu thương, nhớ nhung gửi vào lời động viên

Kết hôn năm 2009, được hơn một tháng thì chồng tôi lên đường làm nhiệm vụ. Đến nay, vợ chồng tôi đã có hai cháu nhưng thi thoảng anh ấy mới có mặt ở nhà. Qua hai lần sinh, tôi càng thấm nỗi nhọc nhằn khi chồng công tác ở đảo xa. Mỗi khi trái gió trở trời, con ốm đau, tôi phải một mình xoay xở, đưa con đi khám. Nhớ có lần ở Bệnh viện Nhi Trung ương, khi bác sĩ gọi vào khám, tôi một tay bế con hơn một tháng tuổi, tay kia bế con 3 tuổi. Hôm đó có bà nội đi cùng mẹ con tôi, nhưng bà già yếu nên không giúp được gì nhiều. Khi bác sĩ chỉ định cho con chụp phổi, mẹ con tôi dắt díu nhau đi được một lúc quay ra thì không thấy bà nội đâu, tôi vội vàng đi tìm. Lúc đó nghĩ tủi thân, nước mắt cứ lã chã rơi, tôi ước giá như có chồng ở bên sẽ đỡ vất vả...

Gia đình Thiếu tá Dương Ngọc Tấn. Ảnh do gia đình cung cấp

Qua những phút yếu lòng, tôi lại tự nhủ, phải thật mạnh mẽ, nén cảm xúc riêng để chồng yên tâm công tác. Mọi nỗi nhớ mong tôi đều gửi gắm vào tình yêu và những lời động viên để chồng yên tâm làm tròn nhiệm vụ. Ngược lại, chồng tôi cũng rất tâm lý, dù không có nhiều thời gian ở bên gia đình nhưng anh luôn quan tâm động viên vợ con. Những lúc rảnh rỗi, anh gọi điện về nhà hỏi thăm con học hành, sức khỏe, công việc của vợ ra sao. Những lần về phép, anh luôn dành hết thời gian để chăm sóc gia đình. Chính vì thế, dù có những khó khăn, vất vả nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc và mẹ con tôi sẽ luôn là hậu phương vững chắc, là động lực tinh thần mạnh mẽ để chồng tôi yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mẹ con tôi cũng rất tự hào vì anh đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chị ĐINH THỊ LỆ QUYÊN

(vợ Thiếu tá Dương Ngọc Tấn, Chính trị viên đảo Tốc Tan C, Trường Sa, Khánh Hòa)

----------

Cùng chăm lo gia đình

Hồi ấy, anh làm quản lý bếp ăn thuộc Ban CHQS huyện Tân Phước (Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang) nên thường xuyên đi chợ mua thực phẩm, còn tôi là giáo viên Trường Tiểu học Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (nay chuyển về Trường Tiểu học Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Nhiều lần đi làm cùng tuyến đường nên tôi quen rồi có cảm tình với anh. Chúng tôi "về chung nhà" vào năm 2003.

Gia đình Thiếu tá QNCN Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh do gia đình cung cấp

Hơn 20 năm sống với nhau, tôi hiểu công việc của anh tuy không ở biên giới hay hải đảo như nhiều đồng đội nhưng cũng có những vất vả riêng. Phải nói rằng bộ đội thì ở đâu cũng vất vả. Như đợt dịch Covid-19 mấy năm trước, anh cùng đồng đội phải thường xuyên trực ở các chốt, phục vụ bệnh nhân và đồng bào ở khu cách ly... Lúc đó tôi rất lo nhưng cũng rất tự hào và tin tưởng anh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đơn vị cách nhà khoảng 30km nhưng cách tuần anh mới được về. Mỗi khi có mặt ở nhà, anh chủ động làm việc nhà, từ chăm sóc vườn cây, giúp vợ nấu cơm, giặt quần áo, quét dọn nhà cửa đến đưa con đi học... Đặc biệt, anh còn giúp tôi làm giáo án điện tử phục vụ công tác giảng dạy. Sự quan tâm, động viên, chia sẻ của anh góp phần quan trọng giúp tôi nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Đối với con cái, anh yêu thương nhưng nghiêm khắc trong dạy bảo. Vì vậy, hai con trai của chúng tôi đều ngoan, học giỏi.

Cuộc sống vợ chồng không khỏi có những lúc giận hờn. Khi đó, tôi và anh bình tĩnh nói chuyện, lắng nghe. Cùng là cán bộ, đảng viên nên chúng tôi xác định phải chuẩn mực trong từng lời nói, hành động, làm gương cho các con. Theo tôi, hạnh phúc là biết yêu thương, quan tâm, cùng chăm sóc con cái trưởng thành...

Chị HỒ THỊ LIỄU

(vợ Thiếu tá QNCN Nguyễn Anh Tuấn, nhân viên tài chính, Ban CHQS huyện Tân Phước, Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/giu-lua-hanh-phuc-gia-dinh-quan-nhan-732297