Giữ lửa trăm năm ở làng rèn Lý Nhân

Nép mình ở vùng đất bãi bên bờ sông Hồng, làng rèn Lý Nhân (thuộc xã An Tường - Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) vốn là một trong những làng nghề rèn nổi tiếng và lâu đời tại đồng bằng Bắc bộ.

Con đường nhỏ dẫn vào làng rèn Lý Nhân (thuộc xã An Tường - Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) quanh co, tiếng đe, tiếng búa thi nhau vang lên chan chát, từng viên gạch dưới chân cứ thế rung lên theo từng nhịp đập.

Cha truyền con nối

Làng rèn Lý Nhân hay còn gọi là làng rèn Bàn Mạch, ngay cả những cụ cao niên trong làng cũng không ai biết rõ nghề rèn bắt đầu từ bao giờ, nhưng suốt hàng trăm năm qua, nghề rèn Lý Nhân vẫn được cha truyền con nối, bền bỉ phát triển.

Trong nền kinh tế hội nhập mở cửa của thời đại mới, những sản phẩm với mẫu mã đa dạng đẹp mắt từ nước ngoài tràn vào khiến biết bao nhiêu làng nghề đã phải ngậm ngùi đóng cửa. Nhưng những sản phẩm đến từ làng rèn Lý Nhân, An Tường vẫn tồn tại đến tận ngày nay.

 Suốt hàng trăm năm qua, nghề rèn Lý Nhân vẫn được cha truyền con nối, bền bỉ phát triển mà không hề bị mai một. (Ảnh Hoàng Diệp)

Suốt hàng trăm năm qua, nghề rèn Lý Nhân vẫn được cha truyền con nối, bền bỉ phát triển mà không hề bị mai một. (Ảnh Hoàng Diệp)

Ở Lý Nhân có hơn 80% hộ gia đình gắn bó với nghề. Năm 2006, làng rèn Lý Nhân được công nhận là làng nghề truyền thống. Những sản phẩm đến từ làng rèn Lý Nhân rất đa dạng phong phú muôn hình muôn vẻ, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trong đời sống của người dân, chủ yếu phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp như liềm, cuốc, xẻng, dao, kéo, mác…

Những sản phẩm hoàn thiện ở Làng rèn Lý Nhân. (Ảnh Hoàng Diệp)

Gắn bó với nghề rèn gần 20 năm nay, anh Nguyễn Đình Hoạt (SN 1984) chia sẻ: “Đối với người dân làng tôi, nghề thợ rèn không chỉ là một người thợ, mà còn là một nghệ nhân, người thợ rèn không chỉ đòi hỏi có sức khỏe mà còn yêu cầu sự khéo léo của đôi tay lành nghề”.

Người thợ chăm chút từng công đoạn. (Ảnh Hoàng Diệp)

Có dịp tới thăm làng rèn Lý Nhân, ngay từ đầu làng, chúng ta đã nghe thấy những âm thanh của quai búa, thổi bễ, mài giũa… Có lẽ, vì thế mà những người dân nơi đây đã dần gắn bó và trưởng thành từ âm thanh leng keng quen thuộc đó.

Danh thơm một làng nghề

Hỏi thăm các nghệ nhân trong làng, chúng tôi được biết: Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, máy móc dần dần được đưa vào quy trình sản xuất, giúp người thợ không còn vất vả như xưa. Các hộ dân đã tự trang bị cho mình các loại máy móc để giải phóng sức lao động như máy mài, máy cán thép, búa máy, máy dập, máy cắt gọt kim loại, máy phay… Đây cũng là phương pháp sản xuất theo hướng hiện đại sử dụng máy móc hỗ trợ sức người, từ đó phát triển làng nghề rèn Lý Nhân ngày càng bền vững, tạo dựng thương hiệu riêng của một làng rèn truyền thống.

Những cỗ máy này dao động từ 100-200 triệu. (Ảnh Hoàng Diệp)

Mọi người thường truyền tai rằng, nghề rèn là nghề vất vả, cần sức lực và sự tỉ mỉ… Để làm ra những sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ rèn Lý Nhân phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ công đoạn ra phôi đến gia công trong lò. Trong mỗi công đoạn lại đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và cái tâm với nghề mới cho ra được những sản phẩm chất lượng tốt nhất.

Một sản phẩm hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn từ thô sơ đến máy móc. (Ảnh Hoàng Diệp)

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Văn Túc (SN 1954) một thợ rèn lành nghề trong làng nói: “Công việc ở đây tuy vất vả, nhất là trong mùa nắng nóng nhưng đổi lại thu nhập cao hơn so với nhiều ngành nghề khác ở nông thôn và được duy trì quanh năm nên thu nhập của tôi ở tuổi này cũng ổn định”.

Theo bác Túc, giai đoạn nung và nhúng nước là khâu quan trọng nhất (Ảnh: Hoàng Diệp)

Điều đặc biệt ở Làng rèn Lý Nhân là sự kết nối, hỗ trợ nhau giữa các hộ gia đình, mỗi ngày khu làng nghề có thể làm ra hàng vạn sản phẩm. Bởi vậy nên trải qua hàng trăm năm, nghề rèn Lý Nhân vẫn không bị mai một.

Nghề rèn đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ gia đình, những ngôi nhà nhỏ tiêu điều được thay thế bằng những căn nhà cao tầng khang trang đẹp đẽ, cuộc sống người dân cũng ấm no đầy đủ hơn. Đồng thời thu hút được một lượng lớn lao động từ các nơi lân cận tới đây làm việc, tạo việc làm cho những người lớn tuổi. Mức thu nhập của lao động tại các xưởng sản xuất dao động từ 150 - 350 nghìn đồng/ngày tùy theo công việc, trình độ tay nghề. Đối với gia đình và những hộ không phải thuê nhân công có mức thu nhập cao hơn, từ 500.000 đến 1 triệu đồng/ngày.

Không chỉ có những thợ nam lành nghề mà làng rèn Lý nhân còn tạo việc làm cho nhiều phụ nữ. (Ảnh Hoàng Diệp)

Làng rèn Lý Nhân không chỉ là một nghề để mưu sinh mà còn là nét đẹp văn hóa ông cha để lại, điều đặc biệt và đáng tự hào ở một vùng quê Việt Nam.

Hoàng Diệp

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giu-lua-tram-nam-o-lang-ren-ly-nhan-post240305.html