Giữ mãi phẩm chất anh hùng

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, chỉ trong một đêm, phân đội vũ trang của Đồn Công an nhân dân vũ trang 805 (nay là Đồn BPCK Long Bình, BĐBP An Giang) với 14 đồng chí đã liên tục đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch với quân số đông hơn gấp hàng chục lần. Thành tích đặc biệt xuất sắc đó gắn liền với tên tuổi của Hạ sỹ Nguyễn Hồng Thanh, Phân đội trưởng Phân đội vũ trang Anh hùng...

Chập chờn "bóng ma chiến tranh"

Tiếp chúng tôi trong căn nhà Đồng đội do BĐBP An Giang trao tặng năm 2010, Đại úy Nguyễn Hồng Thanh với dáng người cao gầy, nước da sạm đen và giọng nói sang sảng đúng chất Nam bộ vẫn nhớ như in từng chi tiết của trận đánh ngày 30-4-1977, trận đánh mở màn chống lại tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xa-ry xâm chiếm nước ta ở biên giới An Giang.

Đại úy Thanh kể: "17 tuổi, tôi đã thoát ly gia đình để vào du kích xã Khánh An, đến năm 20 tuổi thì nhập ngũ vào Đại đội An ninh vũ trang của tỉnh. Đầu năm 1976, lúc tôi 21 tuổi thì được điều động về Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) 805, làm Phân đội trưởng vũ trang phụ trách chốt Vạt Lài. Thời điểm đầu năm 1977, tình hình trên tuyến biên giới Tây Nam nói chung và An Giang nói riêng diễn biến vô cùng phức tạp, tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xa-ry với dã tâm xâm lược đã phối hợp với bọn tàn quân của chế độ cũ châm ngòi lửa chiến tranh biên giới, lấn chiếm đất đai, phá hoại kinh tế, bắt bớ cán bộ, hãm hiếp phụ nữ, giết hại trẻ em, gây nên tình trạng mất ổn định, cản trở công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Những ngày cuối tháng 4-1977, quân Pôn Pốt liên tiếp có những biểu hiện bất bình thường như: Tăng cường lực lượng ra sát biên giới đào công sự, có những toán sỹ quan đeo K54 đi quan sát địa hình dọc biên giới, nhiều bóng đen và tín hiệu đèn chớp tắt trong đêm ở gần sát những khu đồn trạm của ta, tung thám báo qua biên giới, rải truyền đơn trong đêm ở nhiều nơi trong tỉnh. Mặc dù đã sớm phát hiện được ý đồ thâm độc của chúng và đã có phương án sẵn sàng chiến đấu, song ta vẫn chưa lường hết được tính chất nguy hiểm của quân Pôn Pốt trong đợt tấn công vào đêm 30-4 và kéo dài đến ngày 15-5-1977".

Đại úy Nguyễn Hồng Thanh. Ảnh: Đ.T

Đại úy Nguyễn Hồng Thanh. Ảnh: Đ.T

22 giờ, ngày 30-4-1977, bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xa-ry huy động toàn bộ quân chủ lực Quân khu Tây Nam mà đơn vị đột kích chủ yếu là Sư đoàn bộ binh 2, các đơn vị quân địa phương tỉnh, huyện, bọn tàn quân của chế độ cũ, phản động lưu vong đóng dọc biên giới cùng các loại pháo, cối và trang bị hỏa lực cá nhân rất mạnh đồng loạt tấn công dồn dập vào các xã, đồn, trạm, chốt biên phòng trên toàn tuyến biên giới của tỉnh An Giang. Cùng với việc tấn công, buộc ta tập trung đối phó, không thể chi viện cho nhau và cứu giúp nhân dân, quân Pôn Pốt cho nhiều mũi tràn vào khu dân cư giết người cướp của, hãm hiếp phụ nữ, chặt đầu trẻ em, tàn phá hoa màu, nhà cửa của dân ta, thực hiện mệnh lệnh "giết sạch, cướp sạch, đốt sạch".

Những trận đánh nảy lửa

Ông Thanh kể: “Trên địa bàn Đồn CANDVT Long Bình phụ trách, địch có khoảng 1 tiểu đoàn, tấn công vào 2 chốt Vạt Lài và mương Hội Đồng. Lúc 16 giờ, địch xuất hiện từ Mương Lở kéo xuống rất đông, khi đến cây gòn cách chốt hơn 1km, chúng triển khai lực lượng thành 3 mũi với hỏa lực cối 60, 82, ĐKZ, tiểu liên AK... Tôi nhanh chóng cho phân đội mang ba lô, quân trang gọn nhẹ đưa vào công sự, kiểm tra lại súng ống đạn dược và triển khai đội hình sẵn sàng đánh địch. Tôi chia phân đội làm 3 bộ phận phụ trách trên 3 hướng với trang bị chủ yếu là AK, M79 và 1 khẩu đại liên. Tôi sử dụng 1 khẩu B40, 1 khẩu cối 60 và 3 quả đạn 72 sẵn sàng tiếp ứng chi viện cho toàn phân đội.

Sau khi quán triệt xong nhiệm vụ, các bộ phận vào vị trí chiến đấu thì địch bắt đầu bắn phá vào chốt của ta. Từ khoảng 18 giờ 30 phút đến 19 giờ, địch dùng pháo đủ loại gồm cối 60, cối 82 cùng ĐKZ và pháo 105 ly từ Mương Lở bắn vào chốt Vạt Lài. Khi pháo bắn chuyển làn, tôi ra lệnh tăng cường quan sát đề phòng địch bí mật bò đánh thẳng vào lực lượng ta. Cùng lúc đó, tổ 1 báo cáo nghe có nhiều tiếng động lạ, tôi chạy đến thì phát hiện địch vừa nổ súng, vừa xung phong. Tôi ra lệnh ném lựu đạn và bắn trả, cản chúng không tiến lên được. Tôi bắn tiếp 1 quả B40, làm hỏa lực địch câm họng, chúng rút chạy, phân đội đã ngăn được đợt tấn công thứ nhất của địch.

Ngay sau đó, tổ 2 báo cáo có rất nhiều tiếng động ở mương Vạt Lài, tôi cùng đồng chí Xeng đến vị trí quan sát thì phát hiện địch đã tràn vào. Chờ cho chúng đến gần, tôi ra lệnh ném lựu đạn và nổ súng, đồng thời bắn tiếp 1 quả B40 làm địch thương vong nhiều. Tôi ra lệnh tổ đồng chí Xeng bò lên quan sát thì phát hiện 3 tên địch đã chết.

Khi vừa trở về vị trí khẩu cối 60 được khoảng 20 phút thì nghe tiếng động dưới nước cạnh mé sông gần tổ 3, tôi lệnh cho đồng chí Bạo và Trung quan sát phía mé sông thì phát hiện 6 đến 7 tên địch đang đi khom. Lợi dụng sậy đê và bờ chuối che khuất, chúng định đánh vào phía sau lưng ta. Đồng chí Trung báo cáo: "Anh Thanh, cập mé sông có 6,7 tên địch"! Ngay lập tức, tôi ra lệnh cho phân đội ném lựu đạn và nổ súng vào đội hình địch. Bị trúng đạn bất ngờ, bọn chúng kêu la inh ỏi rồi hoảng loạn tháo chạy. Tôi xông lên ném thêm 1 quả lựu đạn, tiếp đó, 2 đồng chí lao ra bắn chết 4 tên, thu được 3 khẩu súng. Phân đội bẻ gẫy đợt tấn công lần thứ hai của địch.

Đến khoảng 22 giờ, địch tập trung hỏa lực bắn vào chốt và đồng loạt la ó, xung phong tấn công vào trận địa của ta. Tôi ra lệnh bắn trả, cản lực lượng địch, nhưng chúng vẫn lợi dụng đông người, vũ khí mạnh ào ào tiến vào. Tôi ra lệnh bấm mìn đã gài sẵn và dùng cối 60 bắn liên tục 12 quả khiến chúng hoảng loạn và tháo chạy về bên kia biên giới.

Bước sang ngày 1-5, địch lại dùng hỏa lực B40, B41, ĐKZ và súng bộ binh đồng loạt tấn công và xung phong trên cả 3 hướng. Trước tình hình đó, tôi lệnh cho toàn phân đội mật phục chờ cho địch đến gần mới nổ súng. Đúng như dự đoán, địch chỉ bắn mà không dám tiến sâu vào trận địa của ta.

Trời vừa hửng sáng, địch dùng pháo bắn dữ dội vào chốt, đến trưa, chúng tiếp tục đánh ta một trận nữa bằng bộ binh ở hướng Tây. Trận chiến rất ác liệt. Ta ở trong công sự bắn trả như mưa làm địch không tấn công được và phải rút chạy. Kết thúc trận đánh, phân đội diệt tại chỗ 18 tên, thu 4 súng AK, 1 B40 và 1 máy RPC 25. Về phía ta, hy sinh một đồng chí và 3 đồng chí bị thương".

Ở chốt mương Hội Đồng, phân đội có một tiểu đội gồm 8 đồng chí đã cầm cự với địch từ 22 giờ, ngày 30-4 đến sáng 1-5. Với quyết tâm thà chết chứ không để mất chốt, cả tiểu đội đã anh dũng chiến đấu và phút cuối chỉ còn một đồng chí sống sót. Tại đồn chính cũng bị địch pháo kích nặng nề. Trận này tập thể Đồn CANDVT 805 được Bộ Tư lệnh CANDVT tặng Bằng khen; hai chốt và 8 liệt sỹ được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Riêng Phân đội trưởng Nguyễn Hồng Thanh được phong quân hàm vượt cấp từ Hạ sỹ lên Thượng sỹ.

Xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ"

Tham gia trên 30 trận đánh lớn nhỏ, trận nào Phân đội trưởng Nguyễn Hồng Thanh cũng thể hiện tài chỉ huy mưu trí, dũng cảm, sáng tạo và làm cho quân địch khiếp đảm. Năm 1978, Cục Chính trị CANDVT đã phát động phong trào thi đua "Học tập tấm gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm của Phân đội vũ trang Nguyễn Hồng Thanh". Cũng trong năm 1978, đồng chí Thanh được phong quân hàm vượt cấp lần thứ hai, từ Thượng sỹ lên Thiếu úy.

Kết thúc chiến tranh biên giới Tây Nam, Phân đội vũ trang của Đồn CANDVT 805 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1979). Thiếu úy Nguyễn Hồng Thanh vinh dự được ra Hà Nội dự Đại hội Đại biểu thanh niên toàn quốc lần thứ V và là một trong 3 đại biểu của lực lượng CANDVT sang Cu-ba dự Liên hoan Thanh niên thế giới. Sau đó, ông tiếp tục sang Cam-pu-chia làm chuyên gia quân sự và đến năm 1988 thì về phục viên với quân hàm Đại úy.

Trở về địa phương, Đại úy Nguyễn Hồng Thanh lại gắn bó với ruộng đồng và cùng vợ nuôi dạy các con chăm ngoan, học hành tiến bộ. Trong căn nhà Đồng đội treo đầy những tấm huân huy chương, bằng khen, giấy khen các loại, người thương binh hạng 4/4 với thương tật 38% ấy chưa bao giờ quên mình là một người lính. Mỗi lần gặp lại đồng đội, ông lại rưng rưng nhớ về những ngày tháng khốc liệt nhất của chiến tranh, nhớ về những đồng đội đã sát cánh cùng ông chiến đấu và ngã xuống, nhớ về một thời hoa lửa nơi ông đã hiến trọn tuổi xuân của mình cho Tổ quốc.

Trong những lần nói chuyện truyền thống, ôn lại lịch sử, Đại úy Nguyễn Hồng Thanh không quên "truyền lửa" cho thế hệ trẻ. Điều ông tâm đắc nhất chính là các bạn trẻ, đặc biệt là các cán bộ, chiến sỹ trẻ đang công tác tại BĐBP An Giang hôm nay đã gìn giữ và phát huy truyền thống anh hùng của những người đi trước, tiếp bước cha anh bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguyễn Đức Thắng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/giu-mai-pham-chat-anh-hung/