Giữ màu xanh cho rừng: Giữ vững an ninh rừng

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân và tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 2, phối hợp với Công an huyện Ngọc Lặc kiểm tra rừng.

Thanh Hóa có 213km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, thuộc 5 huyện phía Tây của tỉnh (theo Hiệp định về quy chế biên giới Quốc gia giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào ký kết ngày 25-9-2017). Khu vực biên giới, cũng là khu vực có diện tích lớn đất rừng và rừng, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Xác định vai trò quan trọng đó, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng (BVPTR). Các ngành chức năng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cùng cấp thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như: Tăng cường công tác tuyên truyền và xây dựng lực lượng nòng cốt; đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt quan tâm tới công tác quy hoạch vùng rừng nguyên liệu. Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến lâm sản, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản chấp hành tốt các quy định của pháp luật... Đến nay, toàn tỉnh có 12 chủ rừng là tổ chức (8 chủ rừng là các ban quản lý rừng phòng hộ và 4 ban quản lý rừng đặc dụng); 13 chủ rừng là lực lượng vũ trang bao gồm 11 đồn biên phòng, 2 trại giam thuộc Bộ Công an; 2 công ty lâm nghiệp; 328 xã được Nhà nước giao quản lý rừng, ngoài ra còn có các chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư thực hiện công tác BVPTR theo quy định.

Với mục tiêu "bảo vệ rừng tại gốc”, nhất là diện tích rừng tự nhiên hiện có, ngay từ đầu năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các chủ rừng thực hiện các biện pháp cấp bách về BVPTR và PCCCR; tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, cho nhiều đối tượng về việc BVPTR. Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn bám cơ sở, nắm bắt thông tin, thường xuyên kiểm tra và tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp và các quy định liên quan; chú trọng xử lý các vụ vi phạm hành chính, khởi tố hình sự trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng để răn đe.

Với nhiệm vụ tham mưu và tổ chức các hoạt động kiểm tra, ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp trên tuyến đường Hồ Chí Minh và 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2, luôn bám sát địa bàn, xây dựng phương án và kế hoạch công việc hợp lý để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đội trưởng Nguyễn Ngọc Huy, cho biết: Để an ninh rừng được giữ vững, đơn vị đã xây dựng, triển khai và thực hiện hiệu quả phương án tác chiến PCCCR trên địa bàn 11 huyện miền núi. Bố trí lực lượng vừa tổ chức ứng trực cháy rừng, vừa phối hợp với các hạt kiểm lâm trên tuyến nắm bắt, theo dõi và bám sát các khu vực có nguy cơ cháy rừng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng huy động lực lượng tập trung đấu tranh chống buôn lậu lâm sản trên đường Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ, đường tỉnh thuộc địa bàn các huyện miền núi. Phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng cá nhân tích cực bám sát cơ sở, tổ chức cài cắm thông tin, nắm chắc tình hình, phương thức hoạt động của các đối tượng, phương tiện có hành vi khai thác, phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép để có giải pháp xử lý kịp thời... Trong 8 tháng năm 2021, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2 đã phối hợp với Phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm và các hạt kiểm lâm tổ chức tuần tra, kiểm tra an ninh rừng 81 lần. Qua đó, đã phát hiện, ngăn chặn 17 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; tịch thu 0,919m3 gỗ tròn; 6,154m3 gỗ xẻ; 8.165kg gỗ gốc hình thù phức tạp; xử lý, ngăn chặn 1,06ha rừng bị phá, thu nộp ngân sách hơn 310 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, cho biết: Trong thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương và cộng đồng cùng tham gia, an ninh rừng trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản ổn định, không có tụ điểm, điểm nóng về khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ trái phép lâm sản; các hành vi vi phạm pháp luật về BVPTR xảy ra trên địa bàn luôn được kiểm soát và xử lý triệt để, không có tụ điểm, “điểm nóng” nổi cộm, bức xúc. Trong 8 tháng năm 2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị kiểm lâm cơ sở tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh rừng; hướng dẫn xử lý, quản lý cưa xăng, gỗ làm nhà; xác định loại rừng, hiện trạng rừng bị tác động, thiệt hại đối với hành vi phá rừng, khai thác rừng trái phép, PCCCR; xử lý trách nhiệm đối với chủ rừng;... Qua đó, toàn lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, khởi tố hình sự 3 vụ, xử lý 239 vụ vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách Nhà nước 2,6 tỷ đồng.

Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác BVPTR và xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng mất rừng, phá rừng, cháy rừng. Đẩy mạnh cơ chế phối hợp với các lực lượng, địa phương và các tổ cộng đồng trong công tác BVPTR. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên diện rộng tại những khu vực rừng trọng điểm, rừng giáp ranh, nhằm giảm số vụ vi phạm. Phối hợp với các chủ rừng, chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát, siết chặt người vào rừng. Tập trung xây dựng và thực hiện tốt phương án PCCCR. Đồng thời, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến, mua bán, kinh doanh gỗ và các loại lâm sản, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm...

Bà và ảnh: Xuân Cường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/giu-mau-xanh-cho-rung-giu-vung-nbsp-an-ninh-rung/20941.htm