Giữ màu xanh cho rừng vùng biên Quan Sơn

Lên Quan Sơn vào mùa khô, song những cánh rừng trồng như quế, luồng, lát, keo... và rừng tự nhiên vẫn phủ một màu xanh ngút ngàn. Được biết đó là rừng thuộc địa bàn Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Quan Sơn bảo vệ, quản lý và các xã tham gia thực hiện dự án lâm nghiệp như: Na Mèo, Sơn Điện, Sơn Hà, Trung Tiến, Trung Thượng, thị trấn Sơn Lư...

Lực lượng bảo vệ rừng Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn tuần tra rừng tại xã Sơn Điện.

Diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt đã và đang được phục hồi, phát triển ổn định. Rừng vùng biên Quan Sơn với nước bạn Lào đang ngày một phục hồi, phát triển xanh tốt. Rừng nhiều tầng, nhiều tán, không những đã phát huy tính năng phòng hộ, bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường mà còn tạo nguồn sinh thủy cho đầu nguồn sông Luồng, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, hạn chế lũ lụt, hạn hán, là nơi cho các loài động vật cư trú và bảo tồn nguồn gen các loài thực vật rừng.

Đến tháng 1-2020, BQL rừng phòng hộ Quan Sơn được giao quản lý, sử dụng 16.483,58 ha rừng, trong đó 10.337,7 ha là rừng phòng hộ, diện tích còn lại là rừng sản xuất. Diện tích được giao thực hiện Dự án 661 trên đất của dân là 1.518,04 ha. Ngoài các yếu tố khách quan do hàng năm nhiều tháng thời tiết nắng nóng, khô hanh, trong khi đó trên 1.000 ha rừng nứa, vầu trên địa bàn quản lý đến chu kỳ thoái hóa, có khả năng chết hàng loạt, một số diện tích rừng hỗn giao gỗ, nứa, nguy cơ cháy cao trong những ngày thời tiết nắng nóng, khô hanh. Một số hộ nghèo trên địa bàn (được Nhà nước cho tiêu chuẩn làm nhà) đã tự ý vào rừng do BQL khai thác gỗ làm nhà, gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng (BVR). Hiện một bộ phận người dân trên địa bàn canh tác trên nương rẫy cố định vẫn còn thói quen đốt dọn thực bì để lửa cháy lan vào rừng và cháy rừng từ nước bạn Lào lan sang khu rừng do BQL quản lý.

Để nâng cao hiệu quả BVR, BQL rừng phòng hộ Quan Sơn đã xây dựng phương án, lập bản đồ quy hoạch đất gắn với quy hoạch 3 loại rừng. Các loại đất, loại rừng được quản lý, khai thác, sử dụng đúng mục đích, phù hợp tiêu chí quy định. Diện tích đất quy hoạch cho rừng sản xuất được điều chỉnh đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế huy động mọi nguồn lực để bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR). Trong các giải pháp quản lý, BV&PTR, ban luôn chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương có rừng để xác định ranh giới chủ quản lý, tổ chức đóng mốc tạm thời tại các vị trí xung yếu để phân định rõ ràng. Đồng thời, tổ chức giao khoán một số diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần dân cho các hộ dân địa phương nhận khoán quản lý, BV&PTR. Ban đã giao cụ thể diện tích rừng và đất lâm nghiệp cho các trạm quản lý, BVR trực thuộc quản lý. Do đó, hiện trạng quản lý sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn đơn vị quản lý không xảy ra tranh chấp, sử dụng đất sai mục đích, không để xảy ra tình trạng sử dụng rừng trái quy hoạch.

Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, BV&PTR, ban đã có những sáng kiến cải tiến công tác quản lý, BVR nhằm giúp các hộ nhận khoán không những làm tốt công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), mà còn kinh doanh nghề rừng có hiệu quả, để đồng bào yên tâm gắn bó với rừng. Ngoài các phòng chuyên môn nghiệp vụ, BQL rừng phòng hộ Quan Sơn thành lập 7 trạm quản lý, BVR chuyên trách ở những địa bàn trọng điểm, tăng cường cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám cơ sở tuyên truyền cho các hộ nhận đất, nhận rừng hiểu được lợi ích của rừng; tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, BVR; triển khai phòng, chống sâu hại rừng... Để sản phẩm lâm nghiệp được phép khai thác được tiêu thụ cho đồng bào địa phương, ban đã liên doanh, liên kết với các đơn vị trong và ngoài tỉnh, xây dựng xưởng chế biến tăm vầu, mành xuất khẩu, đũa luồng,... tạo việc làm tại chỗ và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động trong vùng dự án.

Cùng với việc giao 9.177,88 ha đất lâm nghiệp cho các hộ công nhân, nhân dân quản lý, sử dụng lâu dài, trong các năm vừa qua, BQL rừng phòng hộ Quan Sơn đã tổ chức 1 làng định canh, định cư, đưa 18 hộ với gần 90 nhân khẩu là đồng bào các dân tộc địa phương vào làm nghề rừng lâu dài với ban. Thực hiện Dự án 661, ban đã tạo việc làm cho 105 hộ, hơn 525 nhân khẩu trên địa bàn tham gia dự án với diện tích 1.518,04 ha. Tính đến tháng 1-2020, BQL rừng phòng hộ Quan Sơn đã trồng mới được 1.518,04 ha rừng; hàng năm làm tốt công tác khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có.

Trong những ngày thời tiết khô hanh và dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị, loa truyền thanh, cán bộ kỹ thuật trực tiếp về thôn, bản,... BQL rừng phòng hộ Quan Sơn đã tập trung tuyên truyền Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, BV&PTR; công văn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, chỉ thị của Huyện ủy Quan Sơn về công tác BVR, PCCCR, PTR; các biện pháp chủ động PCCCR đến mọi người dân trên địa bàn. Đầu tư hàng trăm triệu đồng làm các biển báo, mua sắm các thiết bị, dụng cụ như bàn dập lửa, can đựng nước, loa cầm tay, dao, rìu,... phục vụ PCCCR cho đơn vị và các xã vùng dự án. Tổ chức ký cam kết BVR với 100% số hộ nhận khoán BVR trên địa bàn BQL. Để những cánh rừng vùng biên được an toàn, BQL rừng phòng hộ Na Mèo đã chủ động ký quy chế phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm lâm, các đồn biên phòng thường xuyên tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, PCCCR, phát triển rừng đến cán bộ, công nhân viên và các hộ nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp.

Kết quả nổi bật, hàng năm rừng trồng mới trên địa bàn được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sinh trưởng, phát triển tốt; diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất hiện có được bảo vệ an toàn, không để xảy ra cháy rừng. Độ che phủ rừng từ 81% (năm 2010) tăng lên 87% (tháng 12-2019).

Thùy Dương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/giu-mau-xanh-cho-rung-vung-bien-quan-son/113673.htm