Giữ nét Việt cùng giấy dó

Cùng với những trải nghiệm độc đáo ngày xuân trên đất Việt, nhiều du khách nước ngoài khi rời Hà Nội đã mang về những món quà lưu niệm độc đáo, lưu dấu ấn văn hóa truyền thống. Đó là những sản phẩm như bao lì xì, lịch bàn in hình tranh Đông Hồ, quạt giấy, đồ trang sức… làm từ giấy dó.

NDĐT- Cùng với những trải nghiệm độc đáo ngày xuân trên đất Việt, nhiều du khách nước ngoài khi rời Hà Nội đã mang về những món quà lưu niệm độc đáo, lưu dấu ấn văn hóa truyền thống. Đó là những sản phẩm như bao lì xì, lịch bàn in hình tranh Đông Hồ, quạt giấy, đồ trang sức… làm từ giấy dó.

Những món quà độc đáo

Bao lì xì từ giấy dó.

Bao lì xì từ giấy dó.

Những ngày giáp Tết, đoạn phố “đường tàu” trên đường Trần Phú (Hà Nội) rực rỡ hơn ngày thường bởi những cành đào, cây quất. Nhiều bạn trẻ hay du khách nước ngoài tới đây để tìm những món quà “độc” và “lạ” từ một cửa hàng nhỏ xinh mang tên Zó ngay trong con phố ấy.

Cuối năm là mùa sản xuất tất bật nhất của bởi Zó. Tập phong bao lì xì đủ kiểu dáng nằm gọn trong giỏ mây, bộ lịch treo tường, lịch bàn, lồng đèn với những bức tranh dân gian Đông Hồ thân thuộc, hay những chất liệu tranh dân gian được bóc tách in, trở thành một phần của bao bì điện thoại, bìa sổ, bìa album ảnh…đầy nghệ thuật, giàu sức sáng tạo nhưng có tính ứng dụng cao. Những hình ảnh dân gian được in trên chất liệu giấy dó truyền thống dân dã, mộc mạc, thuần Việt, tự nó đã có sức hút với mọi du khách.

Đưa giấy dó nhập cuộc với đời sống hiện đại là cách mà những thành viên của Zó đã bền bỉ thực hiện trong sáu năm qua. Từ đó, họ có thể góp phần giữ gìn truyền thống, đồng thời quảng bá văn hóa Việt tới thế giới. Nhiều sản phẩm của Zó gắn với những kỷ niệm Hà Nội của thời bao cấp, cầu Long Biên, tà áo dài…có thể tìm thấy trong cửa hàng nhỏ chỉ hơn chục mét vuông này. Bên cạnh đó, nhiều du khách đến đây để tìm những sản phẩm mới lạ. Mỗi lần về thăm nhà, chị Nguyễn Thị Minh (du học sinh Việt Nam tại Australia) thường mua những món đồ như hộp đựng diêm, vỏ ốp điện thoại, quạt bằng giấy dó… để mang đi tặng bạn bè.

Chị Minh chia sẻ: “Những sản phẩm này đáp ứng được nhiều tiêu chí quà tặng như gắn với quê hương, vừa có thể sử dụng, chứ không chỉ đơn thuần là trưng bày, lại nhỏ gọn, nhẹ nhàng nên có thể mang nhiều. Nhưng hơn hết, tôi có thể kể với bạn bè tôi về giấy dó truyền thống”, chị Minh tự hào nói.

Theo chị Lê Hồng Kỳ, thành viên của doanh nghiệp xã hội Zó, những sản phẩm thủ công này đã không chỉ có tại cửa hàng của Zó, mà đã được bán trong khu vực phố cổ Hà Nội, Hội An, TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc. “Thế mạnh của các sản phẩm của Zó là sự độc đáo và vẻ đẹp truyền thống. Ngay từ chất liệu giấy dó đã mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Trong quá trình sản xuất, từ nghệ nhân làm giấy, tới đội ngũ thiết kế đã luôn luôn gắn giá trị truyền thống vào sản phẩm, điều này đã tạo nên sức cạnh tranh trên thị trường, khiến sản phẩm của Zó có chỗ đứng tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong nước cũng như nhiều du khách, bạn bè nước ngoài biết tới”, chị Lê Hồng Kỳ cho biết.

Bảo tồn và phát triển làng nghề

Du khách nước ngoài cùng trải nghiệm làm sản phẩm từ giấy dó (Ảnh: Zó).

Từ khi thành lập vào năm 2013 đến nay, những thành viên của doanh nghiệp xã hội Zó đã gắn hoạt động của mình với việc bảo tồn và duy trì làng nghề. Chị Nguyễn Hồng Nhung, thành viên sáng lập Zó, cho biết, ngay từ khi có ý tưởng phát triển sản phẩm gắn với giấy dó, họ đã tìm tới những nghệ nhân làm giấy dó tại Bắc Ninh và Hòa Bình để cùng bàn những giải pháp không để mai một sản phẩm làng nghề truyền thống.

Thành quả của sự kết hợp ấy là những sản phẩm mang thương hiệu Zó liên tục đổi mới và phát triển trong những năm qua. Không chỉ làm giấy dó truyền thống, những nghệ nhân tại Hòa Bình còn cùng với các thành viên của Zó đưa vào những bản thử nghiệm mới như giấy dó thả lá tre, giấy dó nhuộm tràm, nhuộm hoàng đằng, cẩm hồng, thậm chí còn làm giấy thả xơ chuối, thả nguyên hoa, lá để làm mới những chất liệu mộc mạc, gần gũi, bình dị. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã đồng hành thúc đẩy Zó phát triển. Họ đặt hàng Zó sản xuất những bao bì, túi đựng quà tặng, đặc biệt là những mặt hàng có cùng xu hướng gắn với truyền thống như khăn thêu, áo dài lụa, tranh dân gian… Sự kết hợp này mang ý nghĩa trân trọng văn hóa dân gian được bảo tồn đến ngày nay, vừa thể hiện sự chăm chút, trân trọng với món quà được tặng.

Khách du lịch tự làm sản phẩm thủ công từ giấy dó (Ảnh: Zó).

Đều đặn những năm qua, tại cửa hàng của Zó đều có chương trình tự làm sản phẩm thủ công từ giấy dó với thời lượng khoảng hai tiếng. Nhiều công ty du lịch thường xuyên tổ chức các chương trình trải nghiệm cho khách nước ngoài như Buffalo Tours, Exotissimo, Đường mòn Đông Dương… đã đưa khách tới Zó. Hằng tháng, Zó tổ chức trung bình hai tour du lịch trải nghiệm làm giấy dó tại Hòa Bình để mọi người có thể hiểu được cách làm nên một tờ giấy thủ công, cũng như tự do sáng tạo làm giấy dó với nhiều biến thể mới mẻ, độc đáo kết hợp làm giấy thả lá lúa, bông hoa…

Đến nay, Zó đã giúp cho ba hộ gia đình người dân tộc Mường tại thôn Suối Cỏ, xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình duy trì và có thêm nguồn thu ổn định từ làm giấy dó. Nhằm tạo sinh kế cho phụ nữ nông thôn, Zó không chỉ hỗ trợ máy móc thiết bị và tìm đầu ra cho sản phẩm, mà còn tổ chức nhiều chương trình trải nghiệm cho du khách để thêm nguồn thu từ du lịch cũng như động viên nghệ nhân, thợ thủ công giữ nghề.

Bài và ảnh: THẢO AN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39143702-giu-net-viet-cung-giay-do.html