Giữ nguyên 48 giờ làm việc/tuần, tăng giờ làm việc năm

VCCI đề nghị giữ nguyên thời gian làm việc như hiện nay, tức là mỗi người làm việc 48 giờ/tuần. Thời gian làm thêm trong năm nên tăng từ 200 giờ lên 500 giờ đối với trường hợp bình thường, tăng từ 300 giờ lên 500 đến 600 giờ trong trường hợp đặc biệt.

Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) về cơ bản vẫn giữ nguyên giờ làm việc trong tuần - Ảnh: Internet

Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) về cơ bản vẫn giữ nguyên giờ làm việc trong tuần - Ảnh: Internet

Cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TBXH) Đào Ngọc Dung với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số Hiệp hội doanh nghiệp, VCCI đề nghị giữ nguyên thời gian làm việc như hiện nay, tức là mỗi người làm việc 48 giờ/tuần.

Thời gian làm thêm trong năm nên tăng từ 200 giờ lên 500 giờ đối với trường hợp bình thường, tăng từ 300 giờ lên 500 đến 600 giờ trong trường hợp đặc biệt. Mức tiền lương làm thêm giờ nên giữ nguyên như các quy định hiện hành, còn việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện. Tiền lương ngừng việc trong trường hợp vì sự cố, thiên tai, hỏa hoạn, dịch họa hoặc vì lý do kinh tế mà người lao động phải ngừng việc thì hai bên nên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức tiền lương tối thiểu.

Về những quy định liên quan đến hợp đồng lao động, phía đại diện người lao động đề nghị Bộ luật Lao động (sửa đổi) có nội dung cho phép “ủy quyền lại”, tức là người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động được tiếp tục ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng lao động. Việc điều chuyển lao động được đề nghị sửa đổi theo hướng người sử dụng lao động được quyền chuyển tạm thời người lao động không cần sự đồng ý bằng văn bản của người lao động do yêu cầu sản xuất kinh doanh…Hình thức xử lý vi phạm kỷ luật lao động được đề nghị bổ sung thêm 2 hình thức là chuyển người lao động làm công việc khác với mức lương thấp hơn trong thời hạn 6 tháng hoặc hạ bậc lương…

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam cho rằng, ngành da giày sử dụng 1,5 triệu lao động nên việc thay đổi cùa Bộ luật lao động có ảnh hưởng rất lớn. Với việc giảm giờ làm việc từ 48 xuống còn 44h/tuần, doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng thêm nhiều lao động nhằm đáp ứng tốc độ sản xuất hàng hóa, đặc biệt là vào thời điểm mùa vụ sản xuất hàng hóa cho đối tác ở nước ngoài.

Bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, từ năm 2011 đến nay, tiền lương của người lao động đã tăng gấp 3 lần, hiện chúng ta không còn lợi thế lương thấp nữa ngoài các điểm mạnh về nhân công như chăm chỉ cần cù. Nếu bây giờ còn giảm giờ làm và áp dụng lương lũy tiến làm thêm thì doanh nghiệp không còn lợi thế cạnh tranh nào nữa.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, nếu vẫn áp dụng khung giờ làm việc tối đa 300 giờ/năm, để phục vụ đơn hàng theo mùa vụ, doanh nghiệp sẽ vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam. Khi đó, khách hàng nước ngoài sẽ lập tức dừng tiếp nhận hàng hóa của doanh nghiệp trong nước....

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, việc giữ lại khung giờ làm việc 48h/tuần sẽ giúp giữ được lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và thu hút đầu tư FDI.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi - với tư cách cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho biết, quan điểm của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội là không tăng thời gian làm thêm, cũng không giảm thời gian làm việc bình thường xuống 44 giờ/tuần như một số ý kiến trước đó. Còn việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với lao động nam, 60 tuổi đối với lao động nữ không thể không thực hiện. Lộ trình tăng như thế nào sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Bộ Luật Lao động (sửa đổi) là một Bộ luật gốc liên quan tổng thể các vấn đề về việc làm, an sinh xã hội.

“Đây cũng là Bộ Luật có phạm vi đối tượng điều chỉnh rộng. Bộ Luật kỳ này có tác động sâu rộng qua nhiều vấn đề sửa đổi, nhiều vấn đề mới đưa vào luật đáp ứng hội nhập và các cam kết quốc tế. Đồng thời cũng để thực hiện lộ trình nhằm đảm bảo chủ trương Việt Nam phát triển nhanh và bền vững”.

Trong quá trình đưa ra lấy ý kiến góp ý, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến về thời giờ làm việc bình thường, thời gian làm thêm, tiền lương, hợp đồng lao động, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu… Rất khó để có thể tìm ra sự thỏa mãn tất cả các đối tượng, do vậy, không có phương án tối ưu thì phải tìm phương án phù hợp nhất”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/giu-nguyen-48-gio-lam-viec-tuan-tang-gio-lam-viec-nam-121492.html