Giữ quy định Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư các dự án vay ODA

Sáng 28-5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Báo cáo nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng sửa đổi tập trung vào tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý vốn đầu tư công; thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công; tăng cường cải cách hành chính và đẩy mạnh phân cấp.

Căn cứ phạm vi sửa đổi rộng, số lượng điều sửa đổi khá nhiều, UBTVQH tiếp thu ý kiến đại biểu, đổi tên dự án Luật “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công” thành dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Trước một số ý kiến đại biểu đề nghị việc phân công nhiệm vụ cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quản lý nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài phải bảo đảm đúng quy định của Luật Quản lý nợ công, UBTVQH đã tiếp thu, chỉ đạo chỉnh lý quy định này trong dự thảo Luật trình Quốc hội, bảo đảm thống nhất với Luật Quản lý nợ công và rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quản lý các dự án ODA.

UBTVQH cũng nêu quan điểm, để tăng cường kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ, việc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài là cần thiết. Do vậy, UBTVQH giữ quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án vay ODA, vay ưu đãi nhóm A, B, C.

Về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, đây là nội dung còn ý kiến khác nhau.

Do đó, UBTVQH xin ý kiến đại biểu theo 2 phương án:

Phương án I: Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Quốc hội có thể giao UBTVQH xem xét, quyết định, điều chỉnh danh mục, mức vốn của từng chương trình, dự án đầu tư công thuộc ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn như đã thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Phương án II: Chính phủ và một số đại biểu đề nghị quy định Quốc hội quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua.

Lý do bởi quy định Quốc hội quyết định danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án sẽ dẫn tới mất nhiều thời gian, phát sinh nhiều thủ tục hành chính.

Mặt khác, danh mục dự án phải qua nhiều bước để xác định thông tin nên cần có thời gian, nếu có thay đổi sẽ phải thực hiện các thủ tục báo cáo Quốc hội tại kỳ họp; tính linh hoạt trong điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ hạn chế.

Vì vậy, để tăng cường phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, UBTVQH đề nghị giao Chính phủ thẩm quyền quyết định danh mục dự án, bảo đảm linh hoạt, sát thực tế trong điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn.

UBTVQH đã thể hiện 2 phương án tại Điều 59 của dự thảo luật mới. Căn cứ vào ý kiến của đại biểu, UBTVQH sẽ tiếp thu, chỉnh lý theo đa số.

Trước ý kiến đề nghị cần nghiên cứu thay đổi thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn để bảo đảm tính hợp lý, khả thi, UBTVQH cũng xin ý kiến ĐBQH theo 2 phương án và trên cở sở ý kiến của đại biểu, UBTVQH sẽ chỉnh lý theo theo đa số.

Trong sáng nay, các đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Theo chương trình làm việc của kỳ họp, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) trong sáng 13-6, một ngày trước khi kỳ họp kết thúc.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/936107/giu-quy-dinh-thu-tuong-quyet-dinh-chu-truong-dau-tu-cac-du-an-vay-oda