Giữ rừng ở Nậm Trang

Kiểm lâm viên Hoàng Văn Anh vẫn luôn nghĩ: 'Việc đi rừng hàng ngày của các anh như việc đến thăm những người bạn, có những người bạn cũ nghìn năm tuổi, cũng có những người bạn mới sinh sôi, phát triển. Và dù mới hay cũ thì tất thảy đều có sức sống mãnh liệt và chung tình yêu với nơi này…'.

Trong trẻo suốt một đời
Những hàng mưa dưới lá
Rừng gọi tên tôi thế đó
Những hạt mưa rừng trong trẻo rơi...
Trích: Màu xanh lên đường - Nguyễn Khoa Điềm

Một buổi tuần rừng của kiểm lâm viên và nhân viên tuần rừng tại khu vực rừng Nậm Trang, xã Sơn Phú (Na Hang).

Những câu chuyện đời, chuyện nghề

Như đã hẹn, tờ mờ sáng, chúng tôi bắt đầu hành trình đến với chốt bảo vệ rừng Nậm Trang, thuộc xã Sơn Phú (Na Hang). Sau cơn mưa đêm, cây cối căng tràn sức sống, những ánh nắng chiếu qua từng kẽ lá như tiếp thêm động lực trong suốt chặng đường. Chắc hẳn, ít ai biết rằng, để giữ những cánh rừng mãi xanh, là bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và có khi cả máu của cán bộ kiểm lâm, nhân viên tuần rừng nơi đại ngàn xa xôi…

Cung đường rừng đến với chốt Nậm Trang dài hơn 5 km dường như ngắn lại khi những câu chuyện đời, chuyện nghề được chia sẻ bằng sự cảm thông, thấu hiểu và ngưỡng mộ. Qua câu chuyện chúng tôi được biết, chốt kiểm lâm Nậm Trang đặc biệt hơn so với những chốt kiểm lâm khác trên địa bàn huyện Na Hang. Chốt được nằm giữa vùng lõi của rừng đặc dụng, không có rừng phòng hộ, không có rừng sản xuất, không có các hộ gia đình sinh sống, không điện, không sóng điện thoại. Chính vì vậy, công tác trao đổi thông tin gặp nhiều khó khăn, cán bộ trực chốt phải tự mình xử lý khi có sự việc xảy ra.

Kiểm lâm viên Hoàng Văn Anh ghi lại thông tin sau mỗi buổi đi rừng để báo cáo vào cuối ngày.

Anh Trần Văn Hỷ, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Sơn Phú, người dẫn đường chia sẻ: “Vì trên chốt không có sóng điện thoại nên hôm qua sau khi nhận được thông tin đoàn mình lên công tác, anh đã cử một đồng chí lên chốt để thông báo với anh em trên đó. Vì nếu không biết trước, mọi người sẽ đi rừng hết không ai ở nhà. Cũng phải 5 năm rồi không có phóng viên nào lên thăm chốt, anh em biết thông tin vui lắm. Tối qua mưa to, anh lo lắng không ngủ được, sáng nay dậy sớm đi mua đồ ăn để mang lên chốt rồi lên đợi mọi người luôn”.

Anh Hỷ cũng là người có thời gian được phân công phụ trách chốt Nậm Trang. Thời gian ở chốt có lẽ là những kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời kiểm lâm của anh. Anh Hỷ kể, anh đã có 1 tuần ở một mình trên chốt trong điều kiện thời tiết mưa bão. Các anh em xuống mua thực phẩm gặp mưa bão không kịp di chuyển lên chốt. Một tuần ấy, anh không đi được rừng, chỉ quanh quẩn trong chốt, thức ăn duy nhất là bi chuối rừng và thân cây chuối.

Những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi vẫn đang từng ngày, từng giờ được lực lượng kiểm lâm, nhân viên tuần rừng bảo vệ.

Hay như kiểm lâm viên Hoàng Văn Anh, người đang thực hiện nhiệm vụ tại chốt, quê ở xã Khuôn Hà (Lâm Bình) đã lập gia đình và mới có con chưa đầy 1 tuổi. Do đặc thù công việc, 2 tuần anh mới được về nhà 1 lần, có những lần về thăm con, con còn không nhận ra mình, anh tủi thân cứ ôm con mà rơm rớm nước mắt, cả 2 ngày nghỉ chỉ quanh quẩn ở nhà với con. Bện hơi bố, ngày anh đi con khóc dỗ mãi không nín, vợ anh phải lấy áo của anh lót cho con. Anh cũng lặng lẽ lấy một chiếc áo của con mang theo bên mình cho đỡ nhớ.

Vượt khó, giữ rừng

Khu rừng Nậm Trang có diện tích 1.638 ha. Chốt kiểm lâm nằm giữa vùng lõi rừng đặc dụng, giáp ranh với xã Thanh Tương, thị trấn Na Hang. Chốt Nậm Trang chỉ là một ngôi nhà sàn nhỏ đã xuống cấp. Mỗi khi mưa gió to, ngôi nhà lại rung lên từng chập. Nhớ cơn mưa bão đợt giữa tháng 3 vừa qua, các anh đã phải di chuyển vào trong hang đá để trú vì lo nhà bị mưa bão làm sập.

Theo quy định, chốt có 1 kiểm lâm viên và 2 nhân viên tuần rừng. Tuy nhiên, do 1 nhân viên tuần rừng mới nghỉ nên hiện tại, chốt chỉ có 1 kiểm lâm viên và 1 nhân viên tuần rừng túc trực.

Nằm giữa rừng, xung quanh là bạt ngàn cây gỗ quý nên công việc hàng ngày của các anh là tuần tra, kiểm tra rừng. Kiểm lâm viên Hoàng Văn Anh vẫn luôn nghĩ: “Việc đi rừng hàng ngày của các anh như việc đến thăm những người bạn, có những người bạn cũ nghìn năm tuổi, cũng có những người bạn mới sinh sôi, phát triển. Và dù mới hay cũ thì tất thẩy đều có sức sống mãnh liệt và chung tình yêu với nơi này…”.

Để chuẩn bị cho buổi đi rừng, từ tối hôm trước, các anh sẽ lên lịch cung đường đi của ngày hôm sau để chuẩn bị quân tư trang, đồ ăn, nước uống. Thường các anh sẽ đi từ sáng và quá trưa sẽ quay về lại chốt để kịp đi đến địa điểm có sóng điện thoại cách chốt 1 km gửi báo cáo vào cuối ngày.

Chốt Nậm Trang là một ngôi nhà sàn nằm giữa vùng lõi rừng đặc dụng.

Nơi rừng thiêng, nguy hiểm có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, vì vậy mà các anh luôn nhắc nhở nhau chú ý an toàn, và không để lạc nhau trong mỗi chuyến đi. Anh Hoàng Anh còn nhớ có những lần đi rừng gặp rắn đang làm tổ hay gặp đàn khỉ đi ngang qua, anh phải khéo léo và có cách xử lý riêng để không bị chúng tấn công.

Nhân viên tuần rừng Hà Hoàng Khải mới vào làm được 7 tháng đã “nghiện” đi rừng. Anh cười bảo, 1 ngày có thể không đi nhưng 3 - 4 ngày không đi là thấy nhớ lắm, chân tay cứ bứt rứt, buồn bực không yên. Vì vậy, dù xa nhà, công việc vất vả, nguy hiểm nhưng tôi vẫn nguyện gắn bó, góp sức mình để những cánh rừng mãi xanh.

Trong những buổi đi rừng, có những khi các anh gặp người dân đi tìm cây thuốc, tìm ong lấy mật vào khu vực rừng đặc dụng mà không có giấy phép. Các anh cũng đã nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân hiểu và không lặp lại những hành động làm tổn hại đến rừng.

Để khắc phục khó khăn về phương thức liên lạc, Trạm Kiểm lâm Sơn Phú đã xin đề xuất và được nhất trí chủ trương làm mới chốt kiểm lâm Nậm Trang trong năm 2024. Theo đó, chốt sẽ được di chuyển ra bên ngoài chốt cũ hơn 1 km, tại địa điểm có sóng điện thoại để thông tin liên lạc được thuận tiện hơn.

Bữa cơm trưa với bát canh rau rừng và thịt lợn đen được anh Hỷ mua từ ban sáng sao mà đầm ấm và ngon đến lạ lùng. Tiếng nói, tiếng cười của chúng tôi lẫn trong tiếng gió rừng xào xạc chắc hẳn sẽ là khoảnh khắc không thể nào quên với tất cả mọi người. Anh Hoàng Anh ngậm ngùi bảo nhỏ, chắc là rừng sẽ nhớ mọi người lắm đó.

Chúng tôi chia tay anh Hoàng Anh, anh Khải ở chốt bảo vệ rừng Nậm Trang khi hoàng hôn đổ bóng, bước chân mỗi người như chậm hơn bởi xúc cảm yêu quý, biết ơn với những người đã dành thanh xuân giữ màu xanh, hơi thở của đại ngàn. Và chúng tôi hứa, chắc chắn sẽ quay trở lại,

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/giu-rung-o-nam-trang-191179.html