Giữ rừng phòng hộ

Miền Trung đang trải qua trận lũ lụt kinh hoàng. Sau những thiệt hại nặng về người, tài sản, cơ sở vật chất do bão, lũ, mưa lớn gây ra, rất nhiều người đều chung một nhận định nguyên nhân: Do biến đổi khí hậu.

Nhận định trên không sai, vì Việt Nam được đánh giá là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu. Theo đó, các hiện tượng thời tiết như El Nino, La Nina xảy ra ngày càng nhiều, dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt...

Nhưng “thủ phạm” thật sự mà không phải ai cũng thừa nhận là do chính con người tự gây nên. Việc xây dựng thủy điện ồ ạt, khai thác khoáng sản bừa bãi, tàn phá môi trường, chặt phá rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, chuyển đổi diện tích rừng sang sử dụng cho các mục đích khác... chính là nguyên nhân khiến lũ chồng lũ, ngập lụt, sạt lở càng thêm trầm trọng.

Số liệu mới nhất được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, diện tích rừng cả nước có gần 14,4 triệu ha; độ che phủ rừng 41,19%. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh cũng như kiểm tra thực địa cho thấy, rừng ở nước ta đã bị tàn phá nặng nề. Hiện có rất nhiều diện tích được gọi là “rừng” nhưng thực chất đã bị chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như cao su, cà phê, thậm chí nhiều địa phương vì mục đích kinh tế chuyển đổi rừng phòng hộ chắn sóng, chắn cát thành khu chế xuất, nghỉ dưỡng...

Thế nên, rừng phòng hộ được ví như “tấm khiên” chắn bão giông, “bức tường thành” ngăn lũ quét, xói lở hiện chỉ có khoảng 4,64 triệu ha. Với diện tích khá khiêm tốn, các khu rừng phòng hộ đang phải “căng mình” phòng hộ cho gần 4.000 con sông, 385 công trình thủy điện cùng hàng trăm hồ tự nhiên khác. Hệ quả tất yếu là rừng phòng hộ không hoàn thành chức năng bảo vệ nguồn nước, đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai... như Luật Lâm nghiệp 2017 quy định.

Điều đáng nói là đa số diện tích rừng phòng hộ được quản lý bởi 231 ban quản lý rừng, chỉ có trên 330.000ha đang được cộng đồng, các hộ gia đình, lực lượng vũ trang quản lý. Do năng lực hạn chế và đầu tư thấp, nên các ban quản lý và chủ rừng phòng hộ đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc quản lý bền vững diện tích rừng được giao, dẫn đến diện tích rừng giảm và hạn chế chức năng phòng hộ vốn có.

Ngay cả việc cắm mốc giới đất rừng để giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ đến nay vẫn tiến hành rất chậm. Một khi chủ thể quản lý rừng vẫn chưa được xác định thì nguy cơ rừng bị tàn phá vẫn sẽ còn tiếp diễn.

Các chuyên gia còn chỉ ra, chính sách hưởng lợi từ việc quản lý bảo vệ rừng, đảm bảo đời sống kinh tế cho người dân sống gần rừng nhằm giảm áp lực lên diện tích rừng phòng hộ như hiện nay không tạo động lực cho người dân giữ rừng. Thực tế, đơn giá hỗ trợ khoán bảo vệ rừng chỉ có 300.000 đồng/ha/năm, nếu mỗi gia đình được giao tối đa 30ha thì mỗi năm chỉ được hỗ trợ 9 triệu đồng - một con số rất nhỏ, không đảm bảo cuộc sống cho người dân an tâm giữ rừng.

Vì những nguyên nhân trên, mục tiêu đề ra trong “Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đạt 5,68 triệu ha rừng phòng hộ (chiếm khoảng 32% diện tích rừng của Việt Nam), đến nay đã không thành hiện thực.

Trồng rừng là cả một quá trình lâu dài, nhưng nếu ngay từ bây giờ, chúng ta không xử lý nghiêm khắc những kẻ phá rừng hay tiếp tay cho phá rừng; các trường hợp sử dụng đất rừng đặc dụng, phòng hộ không đúng mục đích và đảm bảo việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đúng đối tượng, đúng giá trị công sức lực lượng giữ rừng..., thì không biết tương lai lũ lụt sẽ còn khốc liệt như thế nào.

Chỉ có quyết liệt bảo vệ môi trường, nhất là giữ và phát triển rừng phòng hộ, thì tương lai mới có thể hy vọng giảm thiểu những thiệt hại, mất mát cũng như đau thương từ lũ lụt, mưa bão gây ra như người dân miền Trung đang phải oằn mình gánh chịu trong những ngày qua.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-rung-phong-ho-post434310.html