Giữ rừng Vườn Quốc gia Xuân Sơn

Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng của Ban quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Sơn, huyện Tân Sơn luôn được bảo vệ nghiêm ngặt nhờ sự vào cuộc tích cực của đồng bào Dao, Mường cùng các dân tộc khác sống trong khu vực vùng lõi VQG.

Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Xuân Sơn phối hợp với Hạt Kiểm lâm Tân Sơn trao đổi các phương án trước khi đi tuần tra rừng.

VQG Xuân Sơn có tổng diện tích trên 15.000ha, được chia làm ba phân khu chức năng bao gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ hành chính, trên địa giới hành chính xã Xuân Sơn, một phần các xã Xuân Đài, Kim Thượng, Tân Sơn, Lai Đồng, Đồng Sơn thuộc huyện Tân Sơn; có đường ranh giới giáp ranh với hai tỉnh Hòa Bình, Sơn La.

Với hệ sinh thái rừng đặc trưng trên núi đá vôi cùng nhiều loài động, thực vật phong phú, để kiểm soát, bảo vệ tốt tài nguyên rừng, Ban quản lý VQG Xuân Sơn đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp, những quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, vận động người dân tích cực phát giác các hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng thông qua các buổi họp thôn bản; phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa truyền thanh xã.

Đặc biệt, việc tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình bằng cả tiếng phổ thông và tiếng của đồng bào dân tộc đã thực sự phát huy hiệu quả. Cùng với đó, Ban quản lý VQG đã thường xuyên phối hợp với các trường tiểu học, THCS, THPT quanh địa bàn tổ chức giảng dạy lồng vào các tiết học; lồng ghép viết kịch bản về giá trị quan trọng của rừng, cách bảo vệ rừng qua các cuộc thi... từ đó giúp các em học sinh nhận thức về bảo vệ rừng được dễ dàng, phù hợp với mọi lứa tuổi.

Ông Bàn Văn Hùng - Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng khu Dù, xã Xuân Sơn cho biết: Với sự hỗ trợ của Ban quản lý VQG Xuân Sơn, đồng bào trong khu đã nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng theo nhóm hộ hoặc cá nhân, đây là phương pháp bảo vệ rừng hiệu quả thông qua trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Để việc bảo vệ rừng bền vững, người dân trong khu đã xây dựng hương ước bảo vệ rừng, trong đó các gia đình cam kết không chặt phá rừng, không săn bắt động vật hoang dã, không đốt nương làm rẫy, khi phát hiện người lạ vào phá rừng, người dân thông báo cho chính quyền địa phương, Ban quản lý VQG để có biện pháp xử lý kịp thời. Việc xây dựng hương ước đã giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, những diện tích rừng được người dân bảo vệ, chăm sóc luôn phát triển tốt, các loại cây gỗ quý đều được bảo vệ nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của VQG Xuân Sơn đã thực hiện quy chế phối hợp liên ngành tổ chức truy quét, thường xuyên tuần tra, mật phục tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra vi phạm, đồng thời kết hợp với các tổ, nhóm cộng đồng khu dân cư nhận giao khoán thực hiện tuần tra bảo vệ rừng theo định kỳ hoặc kết hợp với việc tuyên truyền, vận động, nắm bắt thông tin từ người dân. Khi phát hiện các dấu hiệu xâm nhập rừng trái phép, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tổ chức giám sát 24/24 giờ nhằm ngăn chặn quyết liệt các hành vi vi phạm. Theo đó, từ đầu năm đến nay, lực lượng chuyên trách đã tuyên truyền trực tiếp cho người dân với 12 lớp, gần 1.400 người tham gia, tuần tra rừng nội vùng, giáp ranh gần 400 đợt với trên 2.000 lượt người.

Nhằm ổn định đời sống của người dân tại vùng lõi, VQG đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho trên 1.600 hộ với 15 cộng đồng, một nhóm hộ và 16 hộ gia đình, đồng thời triển khai hỗ trợ kinh phí 40 triệu đồng/khu/năm. Việc giao khoán rừng không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập mà còn gắn quyền lợi với trách nhiệm của các hộ dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi đây.

Đồng chí Trần Ngọc Cường - Giám đốc VQG Xuân Sơn cho biết: Hàng năm, Vườn đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tuyên truyền cho các khu dân cư, mời bà con về nhà cộng đồng của khu để tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, nghị định về công tác bảo vệ rừng, Luật Môi trường để bà con hiểu được ý nghĩa môi trường mà rừng mang lại. Nhờ đó, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép ở VQG Xuân Sơn đã giảm đáng kể, nhân dân sống trong khu vực có ý thức hơn trong công tác bảo vệ rừng, góp phần giữ tài nguyên quý giá của rừng, bảo vệ môi trường sống.

Quản lý, bảo vệ tốt VQG Xuân Sơn là bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá cho đất nước. Đó là nhiệm vụ, đồng thời cũng là trọng trách lớn lao của những người giữ rừng nơi đây. Mặc dù còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng cán bộ, nhân viên của Vườn, các tổ bảo vệ rừng hiểu rất rõ công việc của mình trước khu rừng quý hơn vàng của Quốc gia.

Thời gian tới, VQG Xuân Sơn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của Nhà nước về công tác bảo vệ, phát triển rừng. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao các mô hình nghiên cứu thành công, tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân.

Hoàng Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/giu-rung-vuon-quoc-gia-xuan-son/202667.htm