Giữ suối nguồn văn hóa trong lễ hội truyền thống

Tháng Giêng, Hai, trên khắp cả nước tưng bừng các hoạt động lễ hội truyền thống; câu chuyện phục dựng, gìn giữ bản sắc và biến đổi lễ hội phù hợp với bối cảnh đương đại một lần nữa được đặt ra.

Lễ hội có nhất thiết phải hoành tráng?

Người xưa có câu Trống làng nào, làng ấy đánh/Thánh làng nào, làng ấy thờ. Lễ hội thời phong kiến có lễ quốc gia, lễ hàng tổng và lễ làng. Lễ hội quốc gia chủ yếu do triều đình tổ chức. Lễ hội hàng tổng lớn hơn do nhiều làng cùng tổ chức. Riêng lễ hội làng chỉ có quy mô nhỏ, thuần người làng và dân làng đi xa về, cùng lắm mở rộng ra một số làng kết nghĩa. Vì quy mô nhỏ như vậy nên lễ hội làng mang tính kết nối tình làng nghĩa xóm sâu sắc. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng trong bài viết “Hội hè dân gian với làng quê đổi mới” từng nhấn mạnh lễ hội góp phần củng cố tinh thần cộng đồng của làng quê xóm cũ, giúp thỏa mãn nhu cầu được “cộng cảm”, nêu cao tín ngưỡng và phong tục địa phương.

Lễ hội thể hiện nét đẹp văn hóa, truyền thống của dân tộc, thúc đẩy sự tôn trọng và bảo tồn di sản. Ảnh: Minh Đức

Theo thời gian, lễ hội có nhiều thay đổi. Do điều kiện đi lại tốt nên lễ hội ngày nay đông người tứ xứ tham dự. Bên cạnh hướng đến nhu cầu tâm linh, có bộ phận không nhỏ tham gia lễ hội với mục đích giải trí đơn thuần. Các địa phương cũng mượn dịp này để kinh doanh, tổ chức lễ hội theo hướng làm sao thu hút thật đông du khách. Điều này một mặt tác động tích cực đến việc bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống, song mặt khác cũng kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có nguy cơ làm biến dạng di sản trong bối cảnh đương đại.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhìn nhận, những năm qua, nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng, nhưng thật đáng tiếc trong đó cũng không ít lần người ta làm cho nó biến dạng. Nhiều lễ hội được tổ chức dựa trên kịch bản na ná nhau, nhiều hoạt động, nghi thức trong lễ hội được “bồi”, “tô vẽ” cho hoành tráng, thu hút sự chú ý…

“Có lễ hội cồng chiêng ở Hòa Bình tổ chức đánh cùng lúc 200 cái cồng chiêng. Trong khi đó, mỗi chiếc cồng chiêng đánh ra một âm sắc, mỗi người đánh lại mang một nét cá tính riêng, nên việc đem cả mấy trăm chiếc cồng chiêng đánh một lúc ảnh hưởng không tốt đến nghệ thuật cồng chiêng. Việc này cũng tương tự như tổ chức hát quan họ tập thể để lập kỷ lục. Tất cả đều đi ngược lại tinh thần của di sản”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nói.

Tại hội thảo “20 năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: từ UNESCO đến cộng đồng” do Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức cuối năm 2023, nhiều ý kiến cảnh báo tình trạng di sản phi vật thể, trong đó có lễ hội “bị ép” phải hoành tráng. GS.TS Nguyễn Thị Hiền, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng một số di sản như hát xoan, quan họ Bắc Ninh, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương... sau khi được UNESCO ghi danh đã bị gắn thêm ý tưởng và quan điểm về sự xứng tầm, hoành tráng. “Điều này tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn hủy hoại không gian, ý nghĩa vốn có của di sản”.

Không lấn sân vai trò của cộng đồng

Những năm qua, nhiều địa phương khai thác lễ hội nhằm tạo ra nguồn lợi kinh tế, phát triển du lịch và xây dựng thương hiệu. Theo các chuyên gia, đây là hướng đi tất yếu trong bối cảnh đời sống kinh tế phát triển, nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa thông qua lễ hội ngày càng tăng. Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra tình trạng khai thác lễ hội quá đà.

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam dẫn chứng về lễ hội Lam Kinh năm 2023 (với điểm nhấn là chương trình sân khấu thực cảnh), lẽ ra phải do cộng đồng đứng ra tổ chức từ các nghi lễ tế, rước… nhưng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa muốn nâng cấp để đạt chuẩn khi quay lên truyền hình. Lễ hội hầu như bị biến thành sân khấu hóa, nghệ sĩ các đoàn nghệ thuật đóng vai những nhân vật lễ hội và thực hành các nghi lễ, cộng đồng trở thành khán giả…

“Như thế là Nhà nước đang lấn sân vai trò của cộng đồng. Đưa lễ hội lên sân khấu, biến thành diễn xướng quả là có thể dễ dàng thu hút đông đảo người xem, nhưng cộng đồng của di sản đó liệu có coi đó là di sản của mình, hay chỉ là nghệ thuật trình diễn? Ngoài ra, tôi biết một số địa phương có kế hoạch tái dựng lễ hội nhiều lần trong một năm để phục vụ du lịch. Điều đó càng không nên vì như vậy lễ hội bị tách ra khỏi bối cảnh, mất tính thiêng và làm sai lệch bản chất của di sản trong tâm thức cộng đồng”, GS.TS. Từ Thị Loan nhìn nhận.

Cùng ý kiến, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, nếu các sinh hoạt văn hóa cổ truyền bị tách ra khỏi bối cảnh tồn tại của nó thì các chức năng văn hóa - xã hội - tâm linh nhanh chóng biến mất, và các sinh hoạt đó trở nên giả tạo, nhàm chán. “Trong bối cảnh đương đại, tổ chức lễ hội có thể chuyển dịch nhiều yếu tố nhằm phục vụ nhu cầu của đời sống mới nhưng không chỉ tập trung vào hoạt động vui chơi giải trí mà còn thể hiện chân thực những nét đẹp văn hóa truyền thống, thúc đẩy sự tôn trọng và bảo tồn di sản văn hóa, từ đó duy trì và phát triển giá trị quý báu của tập thể cộng đồng”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/giu-suoi-nguon-van-hoa-trong-le-hoi-truyen-thong-i361687/