Giữ tiếng 'cưng' trên từng năm tháng

Sau mỗi câu chuyện trong tập 'Mình gọi nhau là cưng' của Trúc Thiên là có vài chiêm nghiệm, ngẫm ngợi, rút tỉa, chắt lọc thông điệp thế thái nhân tình.

“Thích một người với yêu thương một người khác xa nhau lắm…”, “… Đôi khi nên nhẹ tênh lòng mà chấp nhận thay đổi”, “Thương một người, đôi khi chỉ cần nhìn người ta bình yên hạnh phúc là được rồi”, “Đừng bao giờ hỏi vì sao đời mình muôn ngàn lối rẽ”, “Gọi là cưng thì phải cưng cho trọn cuộc đời”….

Sau mỗi câu chuyện trong tập “Mình gọi nhau là cưng” của Trúc Thiên, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM là vài chiêm nghiệm, ngẫm ngợi, rút tỉa, chắt lọc thông điệp thế thái nhân tình, tạo độ lắng độ sâu để người đọc ám ảnh những gì xảy ra trong câu chuyện, bước vào thế giới nội tâm của nhân vật. Và nếu như không biết về tác giả, chỉ đọc tác phẩm, có thể nghĩ đây là một cây viết già dặn nhiều kiến văn, đầy trải nghiệm cuộc sống, đầy gai góc trong cuộc đời.

Khi cái tên Trúc Thiên cùng tác phẩm “Tràng Phan” viết về một nghề thủ công có tính nghệ thuật trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt đang dần mai một, với cách viết chắc tay trong cấu trúc, sinh động về ngôn từ, giàu hình ảnh như một phim tài liệu, vượt qua hơn 1.400 tác phẩm, đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới” của NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức, đã là một bất ngờ.

Đồng thời, Trúc Thiên lại đoạt giải Khuyến khích cuộc thi truyện ngắn về đề tài người lao động của báo Người Lao Động tổ chức. Gần như ai cũng ngỡ ngàng khi gặp tác giả ngoài đời, một chàng trai trẻ thế hệ 8X, gương mặt rất hiền lành, phong cách thanh nhã và có vẻ gần gũi với những “gu” thời trang trẻ.

Thật ra Trúc Thiên, tên thật là Tống Phước Bảo không xa lạ với giới yêu văn chương trẻ, đây là cây bút truyện ngắn quen thuộc của nhiều tờ báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, Người Lao động, Nhân dân, Văn nghệ, Áo trắng… với văn phong đặc sệt Nam bộ, đặc biệt là ngôn ngữ, rất nhiều từ tưởng chừng đã ở thì quá khứ trong bảo tàng, nay lại được Trúc Thiên “khai quật” lại.

Năm 2018 Trúc Thiên xuất bản tập truyện ngắn “Cả một trời thương”. Ở đây, anh rủ rỉ kể những câu chuyện đời chuyện tình mênh mang như sông nước, lắng đọng như phù sa châu thổ, và có chút gì đó bàng bạc hoài niệm như khúc “dạ cổ hoài lang”, hay những giai điệu bản tổ đờn ca tài tử…

Ở tập truyện ngắn thứ hai “Mình gọi nhau là cưng”, Trúc Thiên giới thiệu đến bạn đọc 15 câu chuyện tình man mác nỗi buồn muôn thuở của miền châu thổ Nam Bộ, có thể ví như 4 cung bậc: Điệu Bắc, điệu Nam, điệu Hạ, điệu Oán, trong nhạc tài tử miệt này: Ngày gió biết cười; Hạt thương nảy mầm; Duyên lãnh; Bữa trà cuối năm; Dưới vòm hoa trẩu trắng; Chuyện Lan Quyên; Cuối mùa điên điển; Người biết thương người; Đàn ông, đàn bà, trà và cà phê; Thềm nắng hoa vàng; Ngày đất xanh lành; Thất tình, hãy đến yêu tôi; Mình thương nhau đi; Vọng khúc tương tư; Mình gọi nhau là cưng.

“Mình gọi nhau là cưng” như một bản tổng phổ cảm xúc về tình yêu nhiều sắc thái biểu cảm qua các cung bậc yêu thương ghét hận đan xen chồng lấn. Hạnh phúc đó nhưng vẫn chen vào chút đắng đót, vị ngọt còn đọng trên môi bỗng ập tới bão giông như xát muối cuộc đời, ly tan sum họp như trò chơi cút bắt thoắt hiện thoắt ẩn làm lòng người xao động hoang hoải chênh chao…

Tác giả Trúc Thiên.

Tác giả Trúc Thiên.

Có những người dưng mà sao nỗi nhớ nhau cồn cào gan ruột, đằng đẵng hết ngày qua đêm, hay những dở dang lỡ làng một ngày, một đời trong xa xót. Có những tình yêu mà cho tới khi da mồi tóc bạc mới dám bất chấp thế gian để gắn kết yêu thương. Có những mối tình lắng ngọt như phù sa nhưng ngầm chứa cả mùa gió chướng đầy giông bão, và không hiếm những mối tình thương khó kiếp phận chỉ đến khi xế bóng tàn hơi mới cảm được ấm ngọt mà nương tựa vào nhau…

Có gì đó thật dễ thương, nhưng cũng thật hồi hộp dõi theo những mối tình mà ranh giới tuổi tác không giới hạn. Người trẻ yêu là đương nhiên dù nhiều trắc trở để đến được với nhau, nhưng tình yêu của người ở cái tuổi ông nội bà ngoại, vào buổi xế chiều cuối mùa thu lại mang đến người đọc nhiều thương cảm, “…Đâu còn bao nhiêu năm nữa bây nghe tao gọi bả là cưng ơi”.

“Mình gọi nhau là cưng”, tác giả có chút “nghiêng” về số phận những người phụ nữ, và dưới ngôn từ, cho thấy họ dù có truân chuyên bạc phận vẫn mang vẻ đẹp hồn hậu, bao dung, hy sinh vì người thân…, họ như một bảo chứng cho bình an trong ngôi nhà, giữ ngọn lửa gia đình luôn ấm áp, bảo vệ những giá trị truyền thống giữa nhiễu nhương cuộc đời, và trên hết họ như một chất xúc tác để những trái tim khô cằn sỏi đá cũng biết yêu thương.

“Cứ gieo thật nhiều giống tốt trên quãng đường mình đi qua. Rồi ắt có ngày, từ đó hạt thương sẽ nảy mầm. Chỉ khi con người ta biết thương nhau mà sống. Mọi điều trong cuộc đời này mới nhẹ như không” - Hạt thương nảy mầm.

Đặc biệt, trong tập truyện, đan xen vào những câu chuyện tình là sự thăng trầm của những nghề truyền thống, là nét đẹp những phong tục tập quán của người Nam bộ. Như trong câu chuyện tình “Duyên lành”, không chỉ là mối tình giữa Tám Đỏ và cô giáo Quyên, mà còn là trăn trở của làng nghề dệt lãnh Mỹ A nổi tiếng cả trăm năm đang có nguy cơ lụi tàn, là nỗi lo một mai không còn trái mặc nưa để nhuộm tơ dệt lãnh giữ độc quyền “danh bất hư truyền”…

Và điểm xuyết trong những câu chuyện, có cảm giác những giai điệu đờn ca tài tử với các thức điệu bài bản cổ buông phím nắn giọng luôn hiện diện, len lỏi gieo vào từng cung bậc tình yêu, từng số phận người, để câu chuyện lắng đọng hơn, sâu thẳm hơn, để nhớ để thương nhiều hơn. Có lẽ thế mà những câu chuyện tưởng chừng như bi kịch nhưng cái kết đều hướng đến một tương lai tích cực.

“Mình gọi nhau là cưng”, cái từ “cưng” sao mà ám ảnh, sao mà ấn tượng, “Gọi là cưng thì phải cưng cho trọn cuộc đời”. Trúc Thiên dẫn người đọc bước vào “vũ trụ” phương ngôn Nam bộ, mang sự đa dạng và cái mênh mông trong không gian từ ngữ, càng đọc càng thấy thú vị của khám phá. Phong cách viết nhẹ nhàng, chân chất đặc Nam bộ, gợi lên rất nhiều những “ngày xưa” tưởng chừng đã không còn ai nhắc tới cho dù có câu chuyện ở bối cảnh xa lắc xa lơ tận miền cao nguyên đá Mèo Vạc, hay miền đất núi ngàn hoa đầy mộng mơ Đà Lạt, hay kinh thành ngàn tuổi Hà Nội ngày đầu đông…

Trúc Thiên là một cây viết nghiêm túc với từng tác phẩm của mình, không chỉ chịu khó tư duy để luôn có sự mới mẻ trong các câu chuyện, còn là những tìm tòi trong kho tàng phương ngôn Nam bộ những từ ngữ “hiếm” và “xưa”, nhưng chính đó là điểm để tác phẩm của Trúc Thiên hấp dẫn bạn đọc.

Về nghề viết, Trúc Thiên chia sẻ: “Tôi đến với văn chương vì đam mê và viết văn như một cách cân bằng với những chật vật từ cuộc sống. Chỉ trên trang viết tôi mới thấy mình an lành và thong dong”. Và có lẽ thế, mà những câu chuyện của Trúc Thiên có cái trắc trở số phận nhưng thường “tiền hung hậu kiết”.

Trúc Thiên cho biết sẽ thử sức ở thể loại truyện dài và tiểu thuyết, sẽ ra mắt bạn đọc trong Hội sách tháng 3/2020. Hy vọng là một khám phá mới về cây bút 8X này./.

CTV Hoài Hương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/giu-tieng-cung-tren-tung-nam-thang-1002629.vov