Giữ vững an ninh khu vực, thúc đẩy sự can dự thực chất có phối hợp của các nước lớn tại tiểu vùng sông Mekong

Đây là cách thức cần thiết để giúp xây dựng không gian phát triển cân đối, lành mạnh tại Tiểu vùng sông Mekong theo hướng cân bằng ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc, và huy động được sự can dự sâu sắc hơn, có phối hợp của Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia, tổ chức quốc tế khác tại đây. Điều này đòi hỏi nhiều điều kiện từ nhiều phía, song quan trọng nhất vẫn là sự thống nhất nhận thức và phối hợp hành động trong AM-5 về lợi ích an ninh, chính trị bền vững của cả nhóm trong so sánh với lợi ích kinh tế đơn lẻ, ngắn hạn.

Trong các cơ chế hợp tác tiểu vùng hiện có, ba cơ chế rất quan trọng với Việt Nam gồm Sáng kiến tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), Hội nghị cấp cao Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam và Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mekong là khuôn khổ duy nhất có mặt đầy đủ các nước AM-5.

Đây chính là những cơ chế tác động trực tiếp nhất tới lợi ích của Việt Nam trên cả ý nghĩa “nội khối” lẫn ý nghĩa làm “trung tâm” cho hợp tác với đối tác ngoài ASEAN. Việt Nam cần tập trung hơn cho các cơ chế này, đặc biệt là CLV, phát huy thực chất hiệu quả hợp tác nội khối của chúng để duy trì và tôn tạo không gian sinh tồn của mình, đồng thời tăng cường cơ sở cho đồng thuận trong AM-5 trước các vấn đề của ASEAN.

Với tình trạng nhỏ lẻ và tách rời như hiện nay của các cơ chế đã có giữa Tiểu vùng sông Mekong với đối tác bên ngoài (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc), việc quan trọng hàng đầu là cần gắn kết các cơ chế trên với nhau nhằm tăng cường sức mạnh và hiệu quả hơn. Việt Nam cần chủ động thúc đẩy hướng này, ví như tạo cơ chế (+), như CLV+ Mỹ/Nhật Bản/Ấn Độ, CLV + Mỹ + Nhật Bản + Ấn Độ... để từng bước tạo ra những khuôn khổ cho các nước thuộc “Bộ tứ” đưa ra những nỗ lực chung, có phối hợp. Việt Nam có thế mạnh để phát huy hướng đi này.

Cơ chế hợp tác của ASEAN là cơ sở để xử lý những vấn đề an ninh khu vực (Trong ảnh: Cuộc họp quan chức cấp cao ASEAN diễn ra ngày 16-1-2020 tại Việt Nam)

Cơ chế hợp tác của ASEAN là cơ sở để xử lý những vấn đề an ninh khu vực (Trong ảnh: Cuộc họp quan chức cấp cao ASEAN diễn ra ngày 16-1-2020 tại Việt Nam)

Phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây

Đây là một điểm thiết yếu để thiết lập được một Đông Nam Á gắn kết toàn diện và một ASEAN đoàn kết, thống nhất trong tương lai. Cần thúc đẩy nhanh các chương trình hợp tác của các nước từ Ấn Độ tới các nước AS-5, tới bờ biển Việt Nam rồi vươn sang AS-5 và các nước khác bên kia Biển Đông. Cần nỗ lực hoạch định các chương trình hợp tác như thế trong trụ cột phát triển kinh tế của Cộng đồng ASEAN.

Việt Nam là nước có ưu thế thuận lợi nhất để đi đầu đưa ra và thúc đẩy những sáng kiến như vậy thông qua hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và cả những đối tác khác. Trong quan hệ với các nước ASEAN thuộc Tiểu vùng sông Mekong, Việt Nam cần chú trọng đặc biệt việc tạo cho Lào những hành lang ra Biển Đông để giúp Lào phát triển kinh tế - xã hội. Lào là một quốc gia không có biển, và đang thông qua tham gia BRI của Trung Quốc để trở thành một quốc gia “nối với biển” (land - linked), và tiến trình này làm cho Lào ngày càng chịu ảnh hưởng lớn hơn của Trung Quốc. Đây là một điểm chốt cần được xử lý để phát triển được một hành lang kinh tế Đông - Tây có lợi chung cho toàn Đông Nam Á/ASEAN.

Với các nước thuộc nhóm AS-5, Việt Nam cần liên kết, phối hợp chặt chẽ với Indonesia với tư cách quốc gia lớn nhất của ASEAN tại phần “biển đảo” để tạo nên liên kết Đông - Tây này. Indonesia có mức độ tham gia sâu với Trung Quốc thông qua gắn kết “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” của Trung Quốc với “Trục hàng hải” của Indonesia. Đây là điều kiện tốt để ASEAN nói chung, Indonesia nói riêng kết nối, giảm mức độ xung đột lợi ích trong quá trình các bên triển khai các chiến lược BRI và IPS, tạo nên những không gian cùng có lợi, trực tiếp là cho ASEAN.

Để triển khai được điều này, các cảng nước sâu ở miền Trung Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng và toàn diện. Một khi hành lang kinh tế Đông - Tây phát triển, liên kết với sự phát triển kinh tế theo hướng Bắc - Nam của BRI, có sự can dự sâu sắc của nhiều nước, yêu cầu cần có những cơ chế, khuôn khổ an ninh bảo đảm lợi ích cho tất cả các bên sẽ tự nhiên được đặt ra.

Trong những năm qua, vị thế quốc gia của Việt Nam tại khu vực đã tăng lên nhiều. Về khách quan, Việt Nam nằm ở vị trí trọng điểm tại một khu vực trung tâm về an ninh và phát triển của thế giới, vì thế là đối tác được tranh thủ cao. Về chủ quan, Việt Nam hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại khôn khéo, vừa tạo được một không gian quan hệ quốc tế thuận lợi cho an ninh và phát triển, vừa duy trì được giá trị độc lập truyền thống, tôn cao hơn vị thế quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa.

Trong tình hình mới, vị thế của Việt Nam phụ thuộc vào khả năng Việt Nam giúp điều hòa cạnh tranh Trung - Mỹ, củng cố ASEAN và góp phần xử lý hòa bình những “điểm nóng” tại khu vực.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Đỗ Lê Chi (Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an)

Phát huy “thế”, khắc phục “lực” tạo môi trường an ninh, phát triển thuận lợi

Ở giai đoạn hiện tại, với nền kinh tế còn nhỏ và chịu tác động phức tạp, nhiều chiều của nước lớn, “lực” của Việt Nam còn nhiều hạn chế, vì thế cần phát huy sức mạnh của “thế” để bổ khuyết cho điểm yếu về “lực”, từng bước nâng dần sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Với triển vọng tình hình và ưu thế tự có, Việt Nam nên chú trọng huy động sức mạnh ở bên ngoài, biến sự quan tâm, chú ý của quốc tế thành sức mạnh của mình, giúp bảo vệ và phát huy lợi ích cho mình.

Trong những năm qua, phát huy sức mạnh từ “thế”, kinh tế của Việt Nam đã hội nhập nhanh và sâu với kinh tế quốc tế và trở thành một phần gắn kết, có ý nghĩa trong nền kinh tế quốc tế, giúp nâng cao nhanh chóng tiềm lực kinh tế quốc gia. Cách tiếp cận này cần được vận dụng cho an ninh, quốc phòng, gắn kết lợi ích của các đối tác lớn, tích cực vào với Việt Nam, thông qua đó huy động sức mạnh quân sự, an ninh của họ vào việc giúp bảo vệ an ninh. Việt Nam cần chủ động nắm bắt và thúc đẩy tiến trình này, biến ưu thế thành sức mạnh vật chất phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Việt Nam có thuận lợi để gắn kết lợi ích của nhiều bên, để các bên, dù là đối lập, cũng có lợi ích trong việc ủng hộ một nền hòa bình, ổn định và hợp tác cho Việt Nam. Sự tham gia cân đối của Việt Nam trong các chiến lược lớn của Trung Quốc, Mỹ, của các cường quốc khu vực sẽ giúp củng cố thêm vị thế mà Việt Nam đã tạo dựng được trong những năm qua. Việc phát huy tốt sức mạnh từ “thế” là điều kiện quan trọng để Việt Nam ổn định, phát triển, tạo ra “lực” mới cho chặng đường tiếp theo.

(Còn tiếp)

Bài 8: Việt Nam nắm vai trò “hạt nhân” trong ASEAN, củng cố địa vị “trung tâm” của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/giu-vung-an-ninh-khu-vuc-thuc-day-su-can-du-thuc-chat-co-phoi-hop-cua-cac-nuoc-lon-tai-tieu-vung-song-mekong-post446229.antd