Giữ vững đà tăng trưởng

Dự kiến đến cuối năm 2018, nợ công khoảng 61,4% GDP (cuối năm 2016 là 63,8%), nợ Chính phủ khoảng 51,9% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 49,9% GDP. Những con số được nêu tại báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 vừa được Bộ Kế hoạch và đầu tư (KHĐT) hoàn thành ngày 5/10.

Bộ này cho biết thêm, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước hai năm 2016-2017 đều vượt dự toán, tỷ lệ huy động ngân sách bình quân 24,9% GDP (từ thuế, phí khoảng 21% GDP). Dự kiến thu cân đối ngân sách giai đoạn 2016 - 2018 khoảng 3,7 - 3,8 triệu tỷ đồng, bằng 54-55% kế hoạch, bằng khoảng 89% tổng số thu ngân sách giai đoạn 2011-2015.

Bên cạnh đó, bội chi ngân sách năm 2016 và năm 2017 đều giảm so với dự toán về số tuyệt đối và bình quân tốc độ tăng nợ công đã giảm gần một nửa. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 18,1%, còn 3 năm 2016-2018 tăng bình quân 9,6%/năm. Trình bày báo cáo các nội dung trên, Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Văn Trung đã nêu khá nhiều kết quả nổi bật của 3 năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm.

Vẫn theo đánh giá của Bộ KHĐT, ngay từ đầu nhiệm kỳ nền kinh tế đã từng bước vượt qua khó khăn, duy trì đà chuyển biến tích cực. Năm 2018 hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, có 11 chỉ tiêu ước thực hiện giai đoạn 2016-2018 đạt và vượt so với mục tiêu kế hoạch 5 năm. Kết quả nổi bật đầu tiên là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát, liên tiếp 3 năm CPI đạt dưới 4%. Tỷ giá, lãi suất ổn định, đảm bảo thanh khoản, an toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng hợp lý (khoảng 17%), nợ công giảm còn khoảng 61,4%.

Thu ngân sách nhà nước, theo báo cáo, năm 2018 ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, bội chi ước đạt 3,67%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%. Nếu đạt mức này thì quy mô theo giá hiện hành ước đạt 5.555 nghìn tỷ đồng, tương đương 240,5 tỷ USD. GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 2.540 USD/người,tăng thêm 155 USD so với năm 2017. Theo đánh giá của Bộ KHĐT thì động lực tăng trưởng của 2018 đến cả từ phía cung và phía cầu, năng lực tăng thêm của các ngành, lĩnh vực ngày càng được mở rộng.

Đạt được những kết quả nêu trên là do Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt 9 tháng qua. Còn nhớ tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2017 và bàn phương hướng công tác năm 2018 của Chính phủ trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh yêu cầu, phải tái tạo môi trường làm việc, cải thiện môi trường thể chế để phát huy những cán bộ có năng lực tốt, tư duy tốt, kiến tạo lại niềm tin, sự tâm huyết vào thể chế, vào chế độ của chúng ta.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra phương châm 10 chữ của Chính phủ trong năm 2018: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Đây có thể coi là một thông điệp gửi tới toàn bộ Chính phủ, lãnh đạo các địa phương và từng cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách.

Chính từ thông điệp này, suốt 9 tháng qua, dù rằng công tác điều hành không phải chỉ toàn thuận lợi mà những khó khăn, thách thức là rất lớn, nào thiên tai bão lũ; nào những thay đổi trong chính sách kinh tế giữa các nước lớn làm ảnh hưởng đến chính sách kinh tế của Việt Nam; nhưng, từng, bộ, ngành địa phương đã nỗ lực hết sức mình để đóng góp vào thành công chung của kinh tế- xã hội đất nước thời gian qua. Nó cho thấy, nỗ lực sẽ gặt hái thành quả. Và thành quả ấy sẽ góp phần vào các nỗ lực giảm nghèo mà chúng ta phấn đấu nhiều năm nay; nó góp phần đáng kể vào nỗ lực thúc đẩy an sinh xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm từ đó đóng góp vào chính sách phát triển bền vững của đất nước.

Từ những kết quả của 9 tháng qua, chúng ta có quyền hy vọng cho những kế hoạch cụ thể của năm 2019. Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nêu một số chỉ tiêu chủ yếu: GDP tăng khoảng 6,6-6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8%, nhập siêu dưới 3%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP, CPI bình quân khoảng 4%. Báo cáo cũng nêu một số cân đối lớn của nền kinh tế như lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên dự kiến đạt khoảng 55,9 triệu người, tăng 1,97% so với năm 2018. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước khoảng 1.411,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7%. Bội chi ngân sách khoảng 222 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,6% GDP...

Bộ KHĐT nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu và các yếu tố tích cực nội tại như, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ít nhiều được củng cố, vị thế của một nước thu nhập trung bình và ưu tiên thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế…

Nhưng, để đạt được những mục tiêu đề ra cho phát triển bền vững, chính Bộ KHĐT cũng thẳng thắn chỉ ra thách thức: Quá trình thực hiện 3 đột phá chiến lược và các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế những năm qua chưa được xử lý triệt để. Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều về vốn thay vì đổi mới công nghệ. Tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao (trên 70%), xuất khẩu nông sản chưa thực sự bền vững...

Bên cạnh đó là những thách thức đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế, như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần bị suy giảm trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biển nhưng chưa thực sự đột phá, trong khi những lợi thế so sánh truyền thống của Việt Nam có xu hướng giảm dần... Tất cả những điều đó là những vấn đề mà nền kinh tế của ta phải đối mặt trước thách thức giữ vững đà tăng trưởng.

Hoàng Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/giu-vung-da-tang-truong-tintuc419939