Giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia

Ngày 4/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.Ông Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an: Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Số vụ phạm pháp hình sự tuy giảm nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo. Các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia hoạt động mạnh, lợi dụng Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ ba. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định): 'Việc chứng minh này là rất khó vì các đối tượng thường tìm mọi cách che giấu hành vi và việc đưa và nhận hối lộ rất khó chứng minh, đa phần chỉ chứng minh khi qua phạm tội quả tang mà khó chứng minh qua án truy xét. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khó nhưng không phải là không làm được.'Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng): 'Từ đó đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần rà soát kỹ về xuất khẩu lao động, nhất là công tác cấp phép, đào tạo; các cơ quan điều tra, hải quan tăng cường biện pháp nghiệp vụ, phối hợp cơ quan chức năng nước ngoài sớm phát hiện và ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các vi phạm...cũng tuyên truyền cho người dân biết tội phạm đưa người trái phép ra nước ngoài là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, đừng đề người dân coi hành vi trên là thông lệ bình thường trong xã hội, tiếp tay, tham gia và thành nạn nhân của các loại tội phạm này.'

Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Năm 2019, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 78%, cao hơn 8% so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Về cơ bản các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ; các vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt hơn; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” đã bị trấn áp mạnh. Các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh tiến độ điều tra, việc thu hồi tài sản đạt kết quả tốt hơn.

Báo cáo công tác năm 2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ: Trong những kết quả thực hiện nổi bật của việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ năm 2019, đáng chú ý, số vụ tham nhũng được khởi tố, điều tra tăng 3,9% so với năm trước. Báo cáo công tác năm 2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết: Từ ngày 1/10/2018 đến ngày 30/9/2019, các Tòa án đã thụ lý 625.979 vụ việc, đã giải quyết được 500.361 vụ việc, đạt tỷ lệ 80%./.

Xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận. Có ý kiến đại biểu lưu ý: Trên thực tế vẫn còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý về tội phạm kinh tế.

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) cho biết, hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm diễn ra khá phức tạp, đề xuất kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu đặt ra trong dự thảo Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp theo hướng giữ nguyên hoặc có thể giảm một số chỉ tiêu để sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, nhằm bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, yêu cầu Quốc hội đã giao cho các cơ quan tư pháp nói chung và ngành Kiểm sát nói riêng.

Bày tỏ không tình với ý kiến phát biểu này và cho rằng, như thế sẽ dẫn đến hệ lụy, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tranh luận rằng chỉ tiêu kinh tế - xã hội và chỉ tiêu để xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm là những vấn đề khác nhau. Tư pháp là vấn đề hộ pháp của nền kinh tế. Nếu hộ pháp không vững vàng thì nền kinh tế làm sao có thể phát triển được, đời sống của nhân dân làm sao có thể yên ổn được. Theo đại biểu “Không thể hạ thấp các chỉ tiêu về phòng chống tội phạm, đặc biệt là chỉ tiêu xử lý đúng tội.

Về cơ bản, các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ, tuy nhiên nhiều đại biểu cho biết cử tri vẫn còn băn khoăn về vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh hiện nay. Về tội phạm về đưa người đi xuất khẩu lao động, vụ 39 người tử vong ở Anh, đại biểu nêu vấn đề từ góc độ phòng chống tội phạm, quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động còn nhiều bất cập, từ đó dẫn tới những tiêu cực, gây nhức nhối.

Nhiều đại biểu lo ngại về tội phạm ma túy ngày càng tăng về số lượng và mức độ tinh vi, đặc biệt nguy hiểm là tình trạng trẻ hóa trong đối tượng nghiện ma túy.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: "Tội phạm có nguồn gốc từ ma túy có nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, gây bàng hoàng cho nhân dân, gây bất an trong xã hội. Thời gian qua tình hình tội phạm về ma túy không giảm, tăng cả về số vụ, số bắt giữ,công tác quản lý tội phạm về ma túy chưa chặt chẽ, nhiều đối tượng nghiện hút chưa được quản lý chặt chẽ, gây lo lắng cho nhân dân. Trong các văn bản luật, văn bản dưới luật liên quan đến cai nghiện, nhưng để xác định nơi cư trú đối với người nghiện hoặc quy định các cơ quan trả lời xác minh, đề nghị đưa độ tuổi 12 tuổi vao trung tâm cai nghiện để khắc phục tình trạng người nghiện trẻ hóa hiện nay, để quy định thống nhất."

Bên cạnh đó, các đại biểu cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, bảo đảm đúng tiến độ, việc thu hồi tài sản đạt kết quả tốt hơn; phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe vi phạm.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/giu-vung-on-dinh-chinh-tri-bao-ve-vung-chac-an-ninh-quoc-gia