Giữ vững vùng trời Tây Nam Bộ

Năm 2023, Đảng ủy, Ban chỉ huy Lữ đoàn Pháo phòng không 226 (Quân khu 9) xác định lấy hội thao và huấn luyện bám sát yêu cầu nhiệm vụ làm khâu đột phá để nâng cao trình độ, khả năng của bộ đội.

Cách làm này đã giúp chỉ huy các cấp phân loại, đánh giá chất lượng huấn luyện của đội ngũ cán bộ và khả năng thao tác của chiến sĩ. Qua đó, đơn vị có biện pháp bồi dưỡng kịp thời nhằm tạo chuyển biến mới về công tác huấn luyện, SSCĐ, bảo vệ vững chắc vùng trời Tây Nam Bộ của Tổ quốc.

Thứ Sáu hằng tuần, Đại đội 512, Tiểu đoàn 11 Lữ đoàn Pháo phòng không 226 (Quân khu 9) đều đặn tổ chức hội thao huấn luyện giữa các khẩu đội nhằm đánh giá kết quả sau một tuần học tập. Cách làm này giúp Trung sĩ Lê Việt Mỹ, Khẩu đội trưởng Khẩu đội 3, Trung đội 1 bao quát, nắm chắc khả năng từng số và có biện pháp bồi dưỡng kịp thời. “Những máy bay hiện đại hiện nay, tích tắc có thể bay qua khỏi trận địa, vì vậy đòi hỏi thao tác của từng số phải nhanh mới hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, hội thao là dịp để anh em rèn luyện chức trách, nhiệm vụ, khả năng thao tác trên pháo khi có tình huống. Ví như trước đây pháo thủ số 5 (nạp đạn) thực hiện động tác còn chậm, mất 9 giây mới hoàn thành nhiệm vụ, trong khi yêu cầu là 7 giây mới đạt giỏi; nhờ hội thao đã giúp tôi động viên và cùng pháo thủ số 5 rèn luyện thêm động tác đứng trên pháo, cách lấy đạn, nạp đạn và đến nay đã bảo đảm thời gian quy định”, Trung sĩ Lê Việt Mỹ chia sẻ.

Khẩu đội pháo phòng không của Đại đội 512, Tiểu đoàn 11, Lữ đoàn Pháo phòng không 226 (Quân khu 9) luyện tập báo động sẵn sàng chiến đấu.

Còn Trung sĩ Nguyễn Văn Cảnh, Khẩu đội trưởng Khẩu đội 5, Trung đội 2, Đại đội 512 thường xuyên duy trì các pháo thủ luyện tập đổi số để “giỏi số mình, khá số khác”, sẵn sàng đổi vị trí khi có lệnh. Trung sĩ Nguyễn Văn Cảnh cho biết: “Một khẩu đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi sự đoàn kết, tương trợ nhau trong quá trình huấn luyện. Vì vậy, tranh thủ thời gian ôn luyện, tôi cho anh em luyện tập đổi số và ghi chép theo dõi thời gian hoàn thành thao tác của từng người. Qua các buổi huấn luyện như vậy, giúp anh em thêm hiểu biết, nâng cao trình độ thao tác, sử dụng pháo. Đây cũng là một trong những nội dung hội thao được chỉ huy đơn vị tổ chức và các pháo thủ của khẩu đội tôi luôn thực hiện tốt khi tham gia”.

Yêu cầu đặt ra đối với chiến sĩ phòng không là nắm chắc tính năng kỹ thuật, chiến thuật của vũ khí đến khả năng hiệp đồng trong khẩu đội và phân đội. Vì vậy, các nội dung hội thao được đơn vị tổ chức từ thấp đến cao để bộ đội từng bước hoàn thiện kỹ thuật, động tác. Theo Thượng úy Thạch Săm Ha, Đại đội trưởng Đại đội 512, Tiểu đoàn 11: Yếu tố hiệp đồng khẩu đội là quan trọng nhất. Do pháo bắn đón nên hiệp đồng phải đồng loạt, linh hoạt giữa các pháo thủ, khẩu đội và toàn đại đội. Vì vậy, nội dung hội thao được đơn vị tổ chức từ hiểu biết binh khí, thao tác cá nhân, hiệp đồng khẩu đội… để mỗi chiến sĩ, pháo thủ từng bước nâng dần trình độ. Ban giám khảo là chỉ huy đại đội, trung đội và cách thức tiến hành là gọi đại diện từng khẩu đội lên thi, sau đó nhận xét, rút kinh nghiệm sau mỗi phần thi cho cả đơn vị.

Các bộ phận hiệp đồng chặt chẽ không để mục tiêu ra khỏi trận địa.

Trung tá Tăng Văn Minh Sơn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 cũng khẳng định: “Để huấn luyện giỏi, mỗi cá nhân phải nắm chắc tính năng, kỹ chiến thuật của vũ khí trang bị. Nếu anh em không nắm chắc quy trình hoạt động của máy nạp đạn, máy tầm, máy hướng… và hiệp đồng không chặt chẽ với các số sẽ rất dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn, như kẹt tay, rơi đạn… Hay như có lệnh báo động SSCĐ, nếu không hiệp đồng trước thì lúc cơ động lên mâm pháo dễ bị chồng chéo, va chạm khi vào vị trí đảm nhiệm”.

Còn tại Tiểu đoàn 145, với phương châm huấn luyện sát thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban chỉ huy Tiểu đoàn xác định tập trung rèn khả năng xử lý tình huống cho cán bộ, chiến sĩ. Đại úy Nguyễn Phú Hữu, Đại đội trưởng Đại đội 571, Tiểu đoàn 145 cho biết: “Yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đòi hỏi công tác huấn luyện phải chuyên sâu, sát thực tế và nhiệm vụ được giao. Trong huấn luyện, chúng tôi yêu cầu anh em phải tập trung tối đa khi thực hiện động tác. Bởi pháo rất nặng, một thoáng lơ là là nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra. Hoặc như luyện tập bài bắn bóng neo thì có các bài bổ trợ, hành động từng số ra sao, rồi khi có gió, bắn đón gió như thế nào nên phải hướng dẫn kỹ cho anh em. Nhiều năm liền, đảm nhiệm huấn luyện chiến sĩ mới và giữ khung này cho huấn luyện chuyên ngành nên chúng tôi biết khả năng, sở trường của từng đồng chí".

Tập trung quan sát, bắt, bám mục tiêu.

Lợi thế của Tiểu đoàn 145 là đơn vị điểm của Lữ đoàn với mô hình “Huấn luyện giỏi, SSCĐ cao”. Theo đó, Tiểu đoàn chú trọng huấn luyện cán bộ chỉ huy thành thạo soạn thảo văn kiện chiến đấu và tập bài huấn luyện kíp chiến đấu theo chức trách; nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, điều hành huấn luyện, khai thác, sử dụng có hiệu quả VKTB trong biên chế. Trung tá Lê Thanh Hậu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 145, chia sẻ: “Ngoài các mục tiêu đảm nhiệm, đơn vị còn xác định UAV (máy bay không người lái) và các phương tiện bay siêu nhẹ là phương tiện được quan tâm huấn luyện. Hằng tuần, đơn vị huấn luyện kíp chiến đấu, đưa bộ đội vào sát thực tiễn, tình huống, mục tiêu bảo vệ, đánh loại phương tiện gì, mục tiêu trên giao và đối tượng tác chiến. Theo đó, đơn vị ra tình huống có phương tiện bay xâm nhập cho đại đội xử trí; trên cơ sở thời gian tổ chức chuẩn bị và tiến hành “trận đánh” của đại đội, tiểu đoàn sẽ rút kinh nghiệm chung để nâng cao khả năng xử trí tình huống của người chỉ huy và phân đội”.

Theo Thượng tá Phan Văn Khang, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, trước khi huấn luyện, đơn vị rà soát, phân loại chất lượng cán bộ từ khẩu đội trưởng trở lên, yếu khâu nào bồi dưỡng khâu đó. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ “dự giờ” lớp học mà không báo trước để kiểm tra trình độ huấn luyện của cán bộ cũng như nhận thức của bộ đội. “Để nâng cao chất lượng huấn luyện, Lữ đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, quản lý, điều hành huấn luyện. Đồng thời, tập trung huấn luyện kíp chiến đấu theo hướng đồng bộ, chuyên sâu; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện dã ngoại, huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp để nâng dần khả năng thích nghi của bộ đội”, Thượng tá Phan Văn Khang nói.

Bên cạnh nắm vững kỹ thuật động tác, Lữ đoàn còn huấn luyện nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về Chỉ lệnh số 750 của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam về xử lý tình huống tác chiến phòng không; 10 chế độ trực SSCĐ, quy định 4 biết trong quản lý vùng trời, 4 được trong đánh địch đột nhập đường không; bên cạnh đó, thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao tinh thần cảnh giác, xây dựng tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Bài và ảnh: HỮU TÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/giu-vung-vung-troi-tay-nam-bo-727110