Giữa fan và thần tượng là sự gắn bó mật thiết nhưng cũng vô cùng phức tạp

Phát ngôn gây tranh cãi và lời xin lỗi của Đông Nhi một lần nữa nhắc lại tầm quan trọng của fan đối với thần tượng. Thực chất cho thấy, Idol và fan là mối quan hệ tưởng như gắn bó mật thiết nhưng thực ra lại ẩn chứa rất nhiều sự phức tạp.

Mới đây, Đông Nhi có phát ngôn gây bức xúc không chỉ với người hâm mộ mà còn cả khán giả yêu nhạc Việt. Sau hai ngày, ca sĩ gốc Hà Nội chính thức có lời xin lỗi trên mạng xã hội. Song, động thái của cô vẫn tiếp tục gây tranh cãi, chưa thể xoa dịu được hậu quả mà còn như giọt nước tràn ly.

Nổi tiếng là một trong những ca sĩ có lượng fan đông đảo, giọng ca Bad Boy phải chịu làn sóng chỉ trích mạnh mẽ, bị chính những khán giả trung thành quay lưng.

Phát ngôn gây tranh cãi và lời xin lỗi của Đông Nhi một lần nữa nhắc lại tầm quan trọng của fan đối với thần tượng.

Trường hợp của Đông Nhi tái khẳng định vai trò của người hâm mộ với thần tượng. Sức mạnh và quyền lực của fan có thể củng cố vị thế của nghệ sĩ, cũng có thể lật đổ cả một sự nghiệp trong chốc lát. Điều này đúng như một bình luận trên mạng chỉ ra: “fan quay lưng còn đáng sợ hơn cả anti-fan”.

Đông Nhi là một trong những ca hiếm có của làng nhạc Việt. Cô sở hữu giọng hát không quá xuất sắc, phong cách âm nhạc cũng không độc đáo, có một giai đoạn không hoạt động thường xuyên nhưng vẫn giữ được sức hút sau hơn 13 năm làm nghề.

Nhờ vào việc vào nghề từ sớm và có sự định hướng rõ ràng nên không khó hiểu khi Đông Nhi sở hữu lượng fan rất lớn và trung thành.

Gần 13 năm làm nghề, Đông Nhi đạt khá nhiều thành tích, ra mắt 3 album phòng thu cùng hàng loạt MV được đầu tư. Tuy nhiên, khó thể nói những gì cô có được ngày hôm nay là không phụ thuộc vào sự ủng hộ của khán giả.

Ngoài đám cưới với Ông Cao Thắng, sự nghiệp Đông Nhi cũng gây ồn ào với hàng loạt scandal liên quan đến fan club, từ việc bỏ tiền mua fan đến những lục đục nội bộ, mâu thuẫn giữa fan và ê-kíp.

Ở giai đoạn sau sự nghiệp, các khán giả yêu nhạc Đông Nhi chủ yếu là các bạn học sinh, sinh viên, những đối tượng thuộc Gen Z. Giọng ca gần như không tạo được ấn tượng tốt với nhóm khán giả lớn tuổi, những người tương đối khó tính trong việc thưởng thức âm nhạc.

Do đó, phát ngôn của Đông Nhi thực sự đã làm tổn thương đến thế hệ quyết dành trọn thanh xuân chỉ để theo dõi nữ ca sĩ.

Sau phát ngôn, người chịu thiệt thòi nhất chính là Đông Nhi. Lý do là khán giả ngày nay có quá nhiều sự lựa chọn, có quá nhiều ca sĩ để yêu thích, để thần tượng. Còn Đông Nhi mất đi khán giả thì xem như mất cả sự nghiệp ca hát.

Vị trí của cô có được trên các bảng xếp hạng âm nhạc, phần lớn là nhờ vào sự ủng hộ của lượng fan đông đảo.

“Là Nhi sai vì Nhi chính là nguồn cơn của mọi việc. Là Nhi chưa đủ giỏi để khiến các fan hài lòng, là ekip của Nhi chưa đủ tốt để có thể làm mọi thứ như các bạn mong đợi”, Đông Nhi xin lỗi.

Nhiều ý kiến cho rằng Đông Nhi lại chỉ đang gián tiếp đổ lỗi cho khán giả, vì đã mong đợi ở thần tượng quá nhiều. Cô cũng cho thấy mâu thuẫn trong lời nói khi “không xóa bài đăng cũ” nhưng lại “ẩn nó đi”. Sự nhập nhằng trong phát ngôn và sự thay đổi quá nhanh trong suy nghĩ khiến lời xin lỗi của Đông Nhi tiếp tục gây tranh cãi.

Nhiều khán giả quay lại ủng hộ Đông Nhi nhưng cũng không ít người cho biết họ chưa đồng tình, vì như một bình luận trên mạng thì "bát nước hất đi rồi làm sao lấy lại được!".

Dẫu sao sự việc lùm xùm vừa rồi chính là bài học đắt giá dành cho Đông Nhi, một bài học mà không ai có thể dạy cô suốt những năm làm nghề. Đó cũng là lời cảnh tỉnh dành cho bất kỳ nghệ sĩ đang ngày đêm lao động miệt mài và tìm cách chinh phục khán giả.

NS được gọi là nổi tiếng là vì có nhiều khán giả ủng hộ. NS quan trọng tới đâu là dựa vào mức độ được khán giả ủng hộ. Bởi vậy, người NS nên tự đặt mình dưới khán giả, đừng bao giờ tự đại đứng trên khán giả. Người ta nói làm nghệ thuật là để "phục vụ cho đời", chớ không nói "làm ơn cho đời".

Các NS, soạn giả tiền bối hay nói "mang/biết ơn vì khán giả đã thương", "tôi viết ra bài đó thu đĩa may mắn được khán giả thương". Đấy không phải chỉ cảm ơn vì khán giả đã chịu bỏ tiền ra mua đĩa, mua vé, mà quan trọng hơn là cảm ơn khán giả đã thương, đã chia sẻ được cảm xúc của người NS.

Và người xưa xem chuyện được khán giả thương là một điều ơn nghĩa. Ngoài chuyện ơn nghĩa, người xưa còn cho thấy một lối cư xử rất khiêm cung, có trước có sau, khán giả thưởng thức NS và NS mang ơn khán giả. NS khiêm cung, tự xem mình thấp mà tư cách lại được nâng cao, tự xem mình nhỏ mà giá trị lại trở nên lớn...

Trong các buổi “giao lưu truyền nghề”, NSND Kim Cương luôn căn dặn diễn viên trẻ giữ đạo đức và tôn trọng khán giả.

Có thể thấy, người đời trước không lạc hậu, họ đã thể hiện trình độ ứng xử rất trọng tình trọng nghĩa.

Khán giả và NS nuôi dưỡng tâm hồn lẫn nhau nhưng khán giả nuôi NS về vật chất thông qua những tấm vé với tư cách là khách hàng. Với vai trò là người bán, NS cần khách hàng và khi có khách hàng chịu ủng hộ thì phải tri ân họ.

Với tư cách là người làm nghệ thuật, NS cần người đồng cảm, người chịu thưởng thức và khi tìm được thì cũng phải biết ơn. Với tư cách khách hàng, khán giả là người bỏ tiền ra mua sản phẩm. Nhưng với nghệ thuật, khán giả không chỉ bỏ tiền mà quan trọng hơn là bỏ ra cả tình thương.

Và một điều cuối cùng, đừng xem quan hệ NS - khán giả đơn thuần là bán - mua, vì như thế là đang hạ thấp giá trị của mối quan hệ tri âm tri kỷ cao quý này, đang tầm thường hóa nghệ thuật...

Xuân Lan

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/giua-fan-va-than-tuong-la-su-gan-bo-mat-thiet-nhung-cung-vo-cung-phuc-tap-207550.html