Giữa hai miền tối - sáng

Kinh tế Mỹ bước vào năm 2020 với những lo ngại của giới phân tích về các chỉ số chế tạo, đầu tư của doanh nghiệp giảm và căng thẳng thương mại có nguy cơ cản bước đà tăng trưởng của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, cũng có nhiều điểm sáng cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới có triển vọng tăng trưởng ổn định trong năm 2020.

Kinh tế Mỹ đã kết thúc năm 2019 trong bối cảnh bất ổn thương mại kéo dài dai dẳng và kinh tế toàn cầu giảm tốc đồng bộ. Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ ở mức khá, nhưng giới chuyên gia nhận định nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn có dấu hiệu chững lại. Các số liệu thống kê cũng cho thấy những “khoảng tối” của nền kinh tế số 1 thế giới. Theo đó, đầu tư của doanh nghiệp đã giảm trong hai quý liên tiếp, lần lượt ở mức 1% trong quý II và 2,3% trong quý III-2019, làm kéo lùi đà tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Ðáng chú ý là hoạt động của lĩnh vực chế tạo trong tháng 11-2019 cũng ghi nhận mức giảm trong tháng thứ tư liên tiếp, trong khi chỉ số quản lý mua hàng (PMI) giảm 47,8% trong tháng 9-2019, mức thấp nhất trong một thập kỷ.

Giới phân tích cũng cảnh báo những rủi ro bên ngoài sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ trong năm 2020 như: căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc; các yếu tố không chắc chắn mới xuất hiện trong chính sách thương mại của Mỹ đối với Ác-hen-ti-na, Bra-xin và Pháp; quan hệ Mỹ - I-ran… Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mới đây nhận định, căng thẳng thương mại là một trong những yếu tố đè nặng lên nền kinh tế Mỹ và cảnh báo nền kinh tế số một thế giới đang đối mặt với một số thách thức nghiêm trọng như tăng trưởng toàn cầu suy yếu và bất ổn thương mại leo thang trong năm qua. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo GDP của Mỹ sẽ giảm còn 1,8% vào năm 2020.

Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh tổng thể của kinh tế Mỹ, vẫn có thể thấy một số “mảng mầu sáng” khả quan. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM), lĩnh vực dịch vụ đã hồi phục trong tháng 12-2019, cho thấy hoạt động ổn định của nền kinh tế. ISM cho biết chỉ số phi chế tạo trong tháng cuối cùng của năm 2019 tăng 1,1 điểm lên 55 - mức cao nhất kể từ tháng 8-2019. Trong khi đó, các nhà phân tích ở Oxford Economics dự đoán lĩnh vực dịch vụ, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế Mỹ, sẽ tăng trưởng chậm lại song vững chắc vào đầu năm 2020.

Những “điểm cộng” khác của nền kinh tế Mỹ là tỷ lệ thất nghiệp thấp và lĩnh vực tiêu dùng tăng trưởng khá. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức gần 4% kể từ đầu năm nay, đã giảm nhẹ xuống còn 3,5% trong tháng 11-2019 vừa qua, mức thấp nhất trong gần 50 năm qua. Trong khi đó, báo cáo mới đây của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, chi tiêu tiêu dùng, chiếm tới 70% sản lượng của nền kinh tế Mỹ đã tăng mạnh trong ba quý đầu năm 2019, lần lượt ở mức 1,1%, 4,6% và 3,2%, phần nào giải tỏa những lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế. Một tín hiệu tích cực khác là thâm hụt thương mại của Mỹ cũng đã giảm. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 11-2019 đã giảm xuống còn hơn 43 tỷ USD, mức thấp nhất trong vòng ba năm qua, với nhập khẩu dầu thô, máy tính và các thiết bị công nghiệp giảm mạnh. Trong khi đó, xuất khẩu trong tháng 11-2019 tăng 0,7% lên gần 209 tỷ USD.

Bất chấp những khó khăn bên ngoài, kinh tế Mỹ trong năm 2019 vẫn tăng trưởng tương đối ổn định, lần lượt 3,1%; 2% và 2,1% trong ba quý đầu và mức tăng trưởng quý IV ước đạt khoảng 1,5 đến 2,3%. FED đánh giá những rủi ro đối với kinh tế Mỹ vẫn còn, nhưng những yếu tố không chắc chắn chủ yếu về thương mại đã dịu bớt và nguy cơ suy thoái đã giảm đi.

Thực tế nêu trên cho thấy nền kinh tế của “xứ cờ hoa” đang bước vào năm 2020 ở giữa “hai miền tối - sáng” của lo ngại và hy vọng. Tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục ổn định hay lao dốc trong năm nay phụ thuộc vào nhiều biến số của bên trong và bên ngoài nước Mỹ, nhất là các chính sách thương mại, an ninh của chính quyền Oa-sinh-tơn.

ÐÔNG DƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/42895302-giua-hai-mien-toi-sang.html