Giữa phong ba ta vẫn còn đây

10 ngày trên biển, mười ngày - và gấp nhiều lần hơn thế, vượt ra ngoài giới hạn của thời gian là những cảm nhận mới mẻ, những nôn nao chờ đón rồi vỡ òa cảm xúc cùng những chiêm nghiệm. Đan xen trong lấp lánh của những vầng hào quang mới lạ và thánh thiện là những va đập của đời thường... Tất cả đã như những con sóng, táp vào và làm bật lên những con chữ lấp đầy trang viết trong một cuốn sách không dày nhưng đủ để đem đến cho độc giả một trải nghiệm vừa khác biệt vừa gần gũi.

Văn sáng, mạch lạc. Câu ngắn đầy chất thông tấn. Không sa đà vào những tình huống gay cấn. Cảm xúc được tiết chế. Bằng kinh nghiệm của người làm báo chuyên nghiệp, Thủy Hướng Dương biết chắt lọc để đưa tới cho độc giả những thông tin cần thiết. Là nhà văn, chị biết cách lôi cuốn và hướng cảm xúc người đọc chảy theo dòng chảy của những điều mà chính nó cũng đang làm mình xúc động. Là một "FBger" rất “Hot”, quen với giao tiếp cộng đồng mạng, chị khá tự nhiên khi đưa vào trang viết của mình lối nói, cách diễn đạt và cả sự liên tưởng rất riêng, cái riêng được dùng trong những trang nhật kí của mình mà không ngại về sự hiểu lầm, tán đồng hay phản bác của ai đó. Và cuối cùng, cuốn sách ghi thể loại "tiểu thuyết" nhưng lại thoát ra khỏi kết cấu truyền thống chương hồi mà viết dưới dạng một nhật kí hành trình - chính cách trình bày này với những phân đoạn được ghi chính xác đến từng giờ, từng phút cùng rất nhiều tư liệu mới lạ đã tăng thêm phần hấp dẫn và niềm tin cho người đọc. Sự kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố trên đã giúp nhà văn, nhà báo Thủy Hướng Dương làm nên một tác phẩm có sức cuốn hút đặc biệt khi viết về một đề tài vừa mang tính thời sự cần tới sự nghiêm túc, thậm chí khô khan, bao hàm kết cấu chặt chẽ của thông tấn báo chí lại vừa mang yếu tố tự nhiên cảm xúc cùng bay bổng của tưởng tượng trong tiểu thuyết.

Mười ngày trên biển - Độc giả được cùng nhà báo Bạch Dương khám phá hành trình ra quần đảo Trường Sa trong mọi cung bậc của cảm xúc. Từ háo hức đợi chờ đến những nỗi sợ không thể tránh của người khi lần đầu được dấn thân trong một chuyến đi tới một vùng đất thiêng mà không phải cứ muốn là có thể thực hiện.

Sự cuốn hút đến ngay từ những trang đầu tiên. Chỉ với vài phác họa nhỏ, tất cả những nhân vật chính có mặt trong cuộc hành trình đã lộ diện. Những cảm xúc rất riêng biệt của một chuyến đi đặc biệt được đề cập. Vừa nói được cái riêng vừa phản ánh được không khí chung. Nghiệp vụ viết, trong đó bao gồm cả những thủ pháp câu móc cho những trang viết sau cũng được kín đáo lập trình. Hợp lí và không dàn trải. Đủ tạo nên những nét nhấn chính xác và cần thiết.

Cảm giác chân thực đến ngay ở những chuyện, những phác họa ngắn về một vài mối quan hệ riêng tư không mấy vui cũng được nhắc đến. Nhưng nếu như 2 ngày đầu còn có sự đan xen tình cảm và những mối liên tưởng với những chuyện đời thường của cuộc sống đất liền thì tất cả bỗng trở nên nhạt nhòa nhường chỗ cho những cảm xúc tươi mới đến từ lần "chạm" đảo đầu tiên. Kí ức về trận Gạc Ma đau thương và bi tráng kèm đó là quan điểm thẳng thắn về những vấn đề liên quan đến chính trị. Chuyện khai thác cá trên vùng biển chủ quyền và hợp tác - Chuyện nhân lực biển, liên quan đến an ninh biển đảo v.v.

Việc sắp đặt nhân vật chính với ngôi thứ nhất TÔI đã giúp nhà văn Thủy Hướng Dương - thông qua nhân vật nhà báo Bạch Dương - dễ dàng và thoải mái hơn khi muốn tỏ thái độ của mình trong từng sự việc cụ thể hoặc cần thiết mở rộng cảm xúc sang những vấn đề liên quan. Tiếp đó là những buồn vui, những câu chuyện đau lòng, cả những tình huống trớ trêu của lính đảo mà truyền thông chính thống không bao giờ đưa tin, chỉ người trực tiếp ra đảo mới biết. Câu chuyện về các nhà khoa học bám biển nghiên cứu hay chuyện cậu lính trẻ với con chó trên đảo Thuyền Chài, tưởng đơn giản mà gây nhiều xúc động thậm chí thành một ám ảnh cho người đọc. Chuyện giữa đại tá Hạnh và đại tá Thanh, chuyện tình cảm riêng tư giữa Bình với Bạch Dương lại là sự phơi bày những hỉ nộ ái ố rất đời thường tưởng có gì lạc lõng nhưng lại khiến người đọc cảm thấy gần gũi, vừa cảm giác đất liền vẫn rất gần lại vừa như chứa đựng một triết lí nhân sinh.

Đảo An Bang với những cây bàng vuông. Nghe như trong tiếng sóng biển táp bờ lời nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn viết ca khúc Rock đồng hồ Cát. “Cát xoay xoay thành đảo. Gió xoay xoay thành bão. Bão xoay mịt mùng trời mây, giữa phong ba ta vẫn còn đây…”.

“Tôi quên cả giữ ý, ôm người lính thật lâu. Chắc chắn rồi, cảm ơn em. Cây bàng vuông cũng như người lính. Vừa kiên cường, vừa dịu dàng. Chỉ cần quan tâm một chút là sẽ mạnh mẽ như em. Đảo cũng thế. Đảo vừa kiên cường, vừa dịu dàng. Đất liền chỉ cần quan tâm một chút, đảo sẽ mạnh mẽ, bất khuất như pháo đài giữa biển khơi để bảo vệ Tổ quốc thân yêu.”

“Mai đây 200 con người có duyên đi cùng nhau trên một con tàu sẽ phải trở về với cuộc sống thường ngày ở đất liền, nơi họ sẽ tiếp tục chạy đua chức quyền, tiền bạc, danh vị. Rồi khóc cười với những được mất ở đời. Rất có thể những câu chuyện biển đảo và gian nan của người lính trong chuyến đi này sẽ chỉ còn là một góc kỷ niệm của ai đó, để lúc trà dư tửu hậu lục lại ký ức khoe rằng mình đã được “đặc quyền” đi Trường Sa như một thứ trang sức đẹp đẽ.”

Nhưng chúng ta tin rằng với số đông những người được trực tiếp trong chuyến đi và cả những ai đã đến được với Trường Sa gián tiếp thông qua đọc cuốn sách này sẽ mãi là những điều không thể quên.

Suy cho cùng, kết nối chặt chẽ trong xã hội hiện đại giải quyết được ối việc. Trong đó có yêu thương...” - có lẽ đó là thông điệp mà nhà văn, nhà báo Thủy Hướng Dương muốn nhắn gửi.

10 ngày trên biển - Người ta có thể thực hiện một chuyến đi biển dài ngắn khác nhau, ở những thời điểm khác nhau và trong những hoàn cảnh khác nhau. Nhưng 10 ngày trên biển để ra với quần đảo Trường Sa lại là một chuyện hoàn toàn khác. Khác về tâm thế và đặc biệt là cảm xúc. Nước Việt Nam, đời sống, văn hóa của người dân Việt Nam không thể tách rời với biển đảo của mình. Nó thống nhất như cơ thể của con người chúng ta vậy. Đã từ lâu, Trường Sa không còn đơn thuần là một quần đảo thuộc địa lí hành chính của nước ta, không chỉ có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với cộng đồng cư dân và sự phát triển đi lên của đất nước. Nó còn in đậm trong tâm thức của người Việt với tư cách là một bộ phận hữu cơ cấu thành lãnh thổ Quốc gia – Dân tộc. Trường Sa trở thành biểu tượng của khí phách Việt, là niềm tự hào dân tộc, là kỉ niệm thiêng liêng, là trách nhiệm, bổn phận và đúc kết lại, Trường Sa là Tổ quốc.

Mười ngày trên biển - Cuốn sách càng có giá trị hơn khi chủ quyền biển đảo, những liên quan địa lý - lịch sử cùng với việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa đang là một vấn đề cấp thiết trong những năm gần đây.

Biển Đông càng ngày càng nóng lên và nhận thức về biển mà chúng ta gọi là “tâm thức biển” đã và đang trỗi dậy mạnh mẽ trong lòng mọi người dân Việt Nam. Đó là sự tiếp nối về ý thức dân tộc đối với chủ quyền lãnh thổ, không ngừng nâng cao và khẳng định vị thế của Đất nước, của Dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiệm vụ đấu tranh giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc phải ở mọi lúc, mọi nơi và hơn hết phải thường trực trong tâm thức của mỗi người Việt Nam yêu nước chúng ta. Mười ngày trên biển ít nhiều đã thành công trong sứ mệnh của mình.

Nhà văn Kao Sơn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/giua-phong-ba-ta-van-con-day-73375