Giữa tâm dịch NcoV: Áp lực tồn đọng hàng nông sản xuất khẩu tại biên giới đã giảm

Nhằm giảm tác động bất lợi từ việc hạn chế, tạm dừng hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) trước lo ngại dịch NcoV lây lan, tháo gỡ khó khăn, giải tỏa phóng hàng hóa xuất khẩu, chủ yếu là hàng nông sản, ùn ứ trên tuyến biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, Bộ Công Thương cũng các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời, hiệu quả.

Tăng cường tiêu thụ trong nước, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế Chống dịch nCoV: Chủ động điều tiết xuất khẩu sang Trung Quốc Xuất nhập khẩu nông sản có thể chịu tác động từ 6 - 8 tháng do dịch nCoV

Trước diễn biến phức tạp của dịch nCoV, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp hạn chế giao thương qua biên giới Việt – Trung, nhất là tại các cửa khẩu phụ/lối mở/điểm xuất hàng thuộc tỉnh các tỉnh Lạng Sơn (Cốc Nam, Tân Thanh); Lào Cai (Kim Thành); Quảng Ninh (Ka Long, Pò Hèn, Lục Lầm, Đại Vai, Lục Chắn, Đồng Văn, Vạn Gia), nhằm ngăn chặn dịch nCoV lây lan.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Bộ Công Thương đã làm việc với nhiều siêu thị, hệ thống phân phối trong nước tìm phương án hỗ trợ tiêu thụ, trong khi các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đang tích cực làm việc với các đối tác để mở rộng kênh tiêu thụ

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Bộ Công Thương đã làm việc với nhiều siêu thị, hệ thống phân phối trong nước tìm phương án hỗ trợ tiêu thụ, trong khi các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đang tích cực làm việc với các đối tác để mở rộng kênh tiêu thụ

Bên cạnh đó, do một số chợ biên giới mở cửa chậm hơn thường lệ, trước mắt là đóng đến ngày 8/2/2020, khiến trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới bị gián đoạn trong khi đây là hình thức trao đổi quan trọng đối với một số nông sản của ta, nhất là trái cây với kim ngạch đạt khoảng 1 tỷ USD trong năm 2019. Ngoài ra, khách mua hàng người Trung Quốc không sang được Việt Nam như thường lệ nên không có đơn hàng mới trong khi một số loại trái cây của nước ta đã vào vụ thu hoạch khiến các nhiều hàng nông sản (trừ cao su, cà phê, tinh bột sắn và thủy sản…) chịu sức ép thời vụ và bảo quản.

Trong khi đó, công tác đàm phán mở cửa chính thức thị trường nông sản (sầu riêng, chanh leo) do Bộ NN&PTNT phụ trách, dù đang diễn biến thuận lợi, nhưng nhiều khả năng sẽ bị đình trệ do các đoàn chức năng của Trung Quốc không sang được Việt Nam.

Đây là những nguyên nhân dẫn đến lượng khá lớn hàng hóa nông sản (chủ yếu là trái cây) của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đang ùn ứ tại khu vực biên giới phía Việt Nam và trực tiếp tác động làm giảm kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá XNK của cả nước trong tháng 1/2020 đạt 36,62 tỷ USD, giảm tới 18,4 % so với tháng 12/2019. Trong đó, tổng trị giá XK đạt 18,2 tỷ USD, giảm 19,4% và tổng trị giá NK đạt 18,42 tỷ USD, giảm 17,4% so với tháng 12/2019. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước trong tháng đầu tiên năm 2020 thâm hụt 232 triệu USD, trái ngược với xu hướng thặng dư của tháng 01/2019.

Riêng với Trung Quốc, tổng trị giá XNK trong tháng 1/2020 đạt 8,29 tỷ USD, giảm sâu tới 25,8% so với tháng 12/2019 và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, XK đạt 2,75 tỷ USD, giảm 35,3% so với tháng 12/2019 và NK đạt 5,54 tỷ USD, giảm 20,1%.

“Trong 3 ngày làm việc sau nghỉ Tết Nguyên đán (30, 31/1 và 3/2/2020), tổng trị giá XK trung bình của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 82,1 triệu USD/ngày, chỉ bằng 63% ngày làm việc thông thường trong tháng 1/2020 trước đó, trong khi đó NK đạt 182,8 triệu USD/ngày, chỉ bằng gần 70% ngày làm việc thông thường trong tháng 1/2020 trước đó” –đại diện Tổng cục Hải quan cho biết.

Trước tình hình trên, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người sản xuất, cư dân biên giới và doanh nghiệp hoạt động XNK, Chính phủ đã có chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp.

Về phía Bộ Công Thương, đã có Chỉ thị về tăng cường các giải pháp để đối phó với dịch bệnh, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng đưa ra các giải pháp liên quan đến cả hoạt động XNK và thị trường nội địa… Riêng với mặt hàng nông sản, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã làm việc với nhiều siêu thị, hệ thống phân phối tìm phương án hỗ trợ tiêu thụ trong nước. Bộ cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp logistics tham gia giúp đỡ bảo quản nông sản trong thời gian chờ xuất khẩu và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài (nhiều Thương vụ đã có lịch làm việc với các đối tác ngay trong tuần này - PV) phối hợp với các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng… để mở rộng hệ thống tiêu thụ hàng hóa ở các thị trường khác, không riêng gì Trung Quốc.

Với các lô hàng đang ùn ứ tại các cửa khẩu phụ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn và động viên các chủ hàng chuyển sang xuất khẩu theo đường chính ngạch với các lô hàng có đủ điều kiện. Khuyến nghị người bán đóng bao bì, gắn nhãn, gắn tem truy xuất nguồn gốc để tạo thuận lợi cho việc chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức và khuyến nghị các tỉnh biên giới bố trí diện tích bảo quản và cung cấp đủ điện cho các container lạnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Hiện nay, hơn 360 xe hàng tại Lạng Sơn đã được xử lý thông quan đúng quy định

Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các địa phương biên giới hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. “Ngày 3/2, chúng tôi đã họp khẩn với Bộ Công Thương đưa ra giải pháp giải quyết tình trạng ùn ứ xe hàng ở các cửa khẩu” – Thứ trưởng Tiến nói và cho biết hiện nay, hơn 360 xe hàng tại Lạng Sơn đã được xử lý thông quan đúng quy định.

Cũng theo ông Tiến, Bộ NN&PTNT cũng đã thống nhất với Bộ Công Thương không tiếp tục chuyển hàng nông sản lên biên giới mà tập trung tiêu thụ tại nội địa, chế biến sâu sản phẩm.

Số lượng xe nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu đang giảm nhanh

Trong công tác đẩy mạnh xúc tiến thương mại, để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong tháng 2, Bộ NN&PTNT sẽ có đoàn xúc tiến thương mại tại UAE và Mỹ; trong tháng 3 sẽ có đoàn sang Brazil và tháng 4 sẽ đi Nga và các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Về giải pháp lâu dài, cần tiếp tục đẩy mạnh quá cơ cấu sản phẩm nông nghiệp, sản xuất theo tín hiệu thị trường và liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và kết nối với các hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối nội địa. Đồng thời, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường mới khác.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giua-tam-dich-ncov-ap-luc-ton-dong-hang-nong-san-xuat-khau-tai-bien-gioi-da-giam-132269.html