Giữa 'tổng chiến dịch' giành lại vỉa hè, vỉa hè Hà Nội vẫn bị chiếm dụng

Mới đây, Hà Nội phát động 'tổng chiến dịch' giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng vẫn diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến phố nội đô.

Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 01 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.

Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 01 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.

Theo đó, các cơ quan chức năng thành phố sẽ kiểm tra quyết liệt, đồng bộ, toàn diện về những nội dung trên trong phạm vi toàn địa bàn; phát hiện, xử lý 100% hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe; kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.

Tuy nhiên, ngày 23/2, thực tế ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, ngay trên một số tuyến phố cổ (quận Hoàn Kiếm) và nhiều tuyến phố nội đô tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra phổ biến.

Phần lớn các cửa hàng, cơ sở kinh doanh đều tận dụng vỉa hè làm nơi đỗ xe, bày bán các mặt hàng... Trong ảnh, phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) hàng hóa được bày la liệt khắp vỉa hè, chặn hết lối đi lại.

Tại phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa), tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, bày các mặt hàng, trông giữ xe,... diễn ra hết sức phức tạp.

Tại đây, vỉa hè vốn dĩ đã nhỏ nay được các tiểu thương chiếm dụng bày bán đủ mặt hàng từ quần áo, hoa tươi, đồ tạp hóa,... đã đẩy người đi bộ xuống lòng đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Cũng trong tình trạng tương tự, tại phố Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) hàng quán đua nhau chiếm vỉa hè. Từ quán ăn, cà phê, đến trà đá đều lấy vỉa hè làm nơi bày bàn ghế, chỗ để xe cho khách. Nhiều đoạn vỉa hè bị chiếm giữ làm nơi để xe phục vụ kinh doanh.

Thậm chí, vỉa hè còn là nơi để rửa bát đĩa, phục vụ hàng ăn. Nước nôi chảy ra lênh láng, bẩn thỉu, gây khó chịu cho người đi đường, ảnh hưởng đến môi trường, gây mất mỹ quan đô thị.

Ghi nhận tại phố Đinh Liệt (quận Hoàn Kiếm) cũng không khá hơn, nhiều đoạn vỉa hè cũng chung tình cảnh bị biến thành nơi để xe, quán xá tấp nập, hàng hóa bày ra chiếm hết lối của người đi bộ.

Tại phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) ngoài phần vỉa hè bị chiếm giữ mở hàng quán, các chủ kinh doanh còn chiếm cả lòng đường làm nơi bố trí điểm trông giữ xe.

Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, trong hơn 1 tháng cao điểm Tết Nguyên đán 2023, quận đã xử lý hơn 1.100 trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường, tổng số tiền xử phạt là gần 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi kinh doanh vẫn rất nhức nhối.

Đức Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giua-tong-chien-dich-gianh-lai-via-he-via-he-ha-noi-van-bi-chiem-dung-16923022314452242.htm