Giữa truyền thuyết làng cổ Yên Trường tường đá ong

Làng Yên Trường, xã Trường Yên (Chương Mỹ - Hà Nội) vốn là một ngôi làng cổ nổi tiếng. Thế nhưng, nếu chỉ nghe mà chưa tận mắt thấy sẽ là sự thiệt thòi với những ai đam mê hoài cổ.

Một bức cổng cổ

Một bức cổng cổ

Các cao niên rành lịch sử ở Yên Trường nói rằng, đây là một làng cổ có từ thời Hai Bà Trưng, nổi tiếng với những chiếc giếng cổ bằng đá ong kỳ lạ độc đáo. Nơi đây còn lưu giữ những di tích như Bãi Pháo, Bãi Giỗi nơi diễn ra những trận đánh oanh liệt giữa quân của Hai Bà Trưng đối với quân xâm lược nhà Hán.

Chốn quê làng cổ

Đến với Yên Trường, bất kể thời gian nào trong năm thì vẻ đẹp làng cổ vẫn hiển hiện rõ rệt. Cây đa - bến nước - sân đình, người ta nói đó là tiêu chuẩn cổ. Chẳng phải, đó mới là chuẩn mực trong một thước đo mực thước về làng quê.

Làng cổ, theo như các cao niên Yên Trường gồm có hai giá trị: Vật thể và phi vật thể. Cái không nhìn được bằng mắt thường, chúng ta kiểm nghiệm sau; nhưng cái nhìn thấy đó là tiêu chuẩn ban đầu để đánh giá về ngôi làng giống quan niệm nhân trắc học “nhất dáng, nhì da, thứ ba khuôn mặt” vậy.

Những con đường trong thôn xóm Yên Trường không thuần túy như những ngôi làng Việt thời bây giờ. Một phần là do địa hình vùng trung du nên có những con dốc, mà xe máy phải tăng ga mới vượt qua được, rồi lại phải nhấn nhẹ chân phanh khi đi xuống.

Cho nên ở Yên Trường, những con ngõ rất nhỏ lại tựa như vùng miền núi. Tuy không khấp khểnh đất đá lởm chởm nhưng lại liên tục hiện hữu những khung cảnh lạ sau mỗi con dốc khiến khách phương xa vô cùng thú vị.

“Người Yên Trường rất có ý thức trong việc bảo tồn các giá trị xưa cũ. Cho nên, khi nhiều nơi không còn giữ được di sản, thì chúng tôi lại bảo lưu được đa số các giá trị. Từ đường làng, đến cổng nhà, nhà cổ và hàng rào còn khá nguyên vẹn”

Ông Nguyễn Gia Tứ, Trưởng thôn Yên Trường, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội

Bên con ngõ nhỏ là những ngôi nhà cổ, cũ và có kiến trúc lạ lùng. Nhà ở Yên Trường rất độc đáo với vật liệu làm từ đá ong. Tường nhà, tường rào, cổng nhà... không màu mè, không cầu kỳ hoa mĩ, những bức tường đá ong sậm như sáp mật hiện hữu khắp ngõ xóm.

Giữa thời xi măng hóa nhà cửa thì Yên Trường vẫn hiện diện những ngôi nhà đá ong cũ kỹ, rêu phong. Những mảng màu trên bức tường đá ong vốn sậm màu như sáp mật đã phong hóa chỗ vàng, chỗ đen, chỗ chấm màu xanh rêu như một bức họa trừu tượng.

Ở Yên Trường vẫn còn bảo tồn được những ngôi nhà đá ong hàng trăm năm tuổi, tính ra cũng đã nhiều thế hệ sống dưới những căn nhà đó. Những ngôi nhà cổ này được xây dựng theo lối kến trúc nhà vườn Bắc bộ. Cho nên, nhà nào cũng vậy, có vườn và khoảng sân rất rộng rãi với những hàng cau, cây bưởi ngát mùi tháng ba.

Người làng nói rằng, sở dĩ làng có nhiều ngôi nhà bằng đá ong là do đá ong là nguồn nguyên liệu sẵn có dưới nền đất của làng. Người làng coi đây là báu vật trời cho. Tuy nhiên hiện tại nguồn nguyên liệu này đã không còn nhiều để khai thác nữa. Nhưng những gì trời cho vẫn hiển hiện trên mặt đất, qua những ngôi nhà mang giá trị thời gian.

Bên trong một ngôi nhà cổ

Những cánh cổng xanh

Hai bên ngõ nhỏ, cũng là những bức cổng cổ với tuổi đời 100 - 200 năm tuổi. Chất liệu chủ yếu của các cổng nhà này vẫn là bằng đá ong. Một số bức cổng đẹp, có tuổi ngắn hơn được xây bằng gạch đốt lò. Nhưng tất cả đã cũ lắm rồi, gạch hoang hóa rơi rụng nhưng hiện vẻ thời gian có chỗ phong rêu, có chỗ đỏ quạch.

Đi quanh làng Yên Trường, thấy rằng, ao hồ nơi đây được quy hoạch từ xưa theo một phương cách có hệ thống. Tất cả những ao Yên Trường được đào đều to và rộng. Tuy nhiên với ao Ngõ, việc đầu tư sửa sang quá hiện đại đã làm mất nét đặc trưng của ao làng, khiến người nhìn vào tạo cảm giác giống hồ bơi hay một cái hồ nào đó ngoài thành phố. Ao cá Bác Hồ còn gọi là hồ làng nằm án ngữ cổng đình. Ao rộng 7 mẫu, giữa hồ phần đất nổi như ốc đảo, rất đẹp và nên thơ.

Một phần không thể không nói đến Yên Trường là những tường rào cây xanh mộc mạc gần gũi nhưng không kém phần độc đáo. Tường rào cây xanh theo mô típ là cây dây leo mọc trên nền hàng rào đá ong. Cho đến nay, trong làng chỉ còn một số ít hàng rào như vậy. Đặc biệt, làng Yên Trường có hàng rào cây boro nổi tiếng nhất Việt Nam của ông Trịnh Nhân Kỳ. Hàng rào này có tuổi đời gần 30 năm, được ông và gia đình tạo hình rất công phu, độc đáo.

Những khách lạ đến thăm Yên Trường không ai không bị mê mẩn bởi hàng rào lẫn cổng boro này. Hàng trăm mét dài xanh mướt là hàng vạn cây boro xen kẽ với nhau được cắt tỉa cẩn thận. Cánh cổng cũng bằng cây boro với những trụ, những viền cong mang đặc trưng của cổng nhà Bắc bộ xưa tạo dấu ấn cho ngôi nhà thêm sang trọng và cũng thêm cổ kính.

Ngôi nhà gỗ của ông Kỳ, phía bên trong là một khung cảnh đẹp. Cách bài trí ban thờ, đến sập gụ tủ chè, câu đối, đại tự… đều theo mẫu mực xưa. Tuy nhiên, vì quá quý ngôi nhà mà ông không dám ngủ trong đó. Ông coi đó như một bảo vật cha ông, bảo vật của làng và ông sẵn sàng tiếp đón khách lạ vào bên trong để hướng dẫn như một chuyên gia du lịch. Ông lấy làm tự hào, vì làng ông là một trong những ngôi làng hiếm hoi của Hà Nội còn giữ được những di sản tổ tiên. “Tôi đã dặn con cháu, dù thế nào đi chăng nữa cũng phải cố giữ lấy gia sản cha ông, không được phá hay bán đi, phải giữ lại bằng mọi giá”, ông Kỳ khẳng định.

Đình làng Yên Trường

Nơi đạo sĩ luyện đơn

Cụ Trần Hữu Bùi, Thủ từ đình Yên Trường, cho biết: một trong những cảnh đẹp của làng chính là đình cổ. Đình làng là điểm nhấn về lịch sử văn hóa của làng nên tọa lạc ở bãi đất cao, nhìn xuống ao lớn, bên kia là một gò đồi thấp. Đình thờ đức Cao Sơn Quý Minh làm thành hoàng làng, nên lễ hội vào Rằm tháng hai âm lịch. Thời Pháp thuộc, đình làng bị đốt cháy. Dân làng chạy tản cư kịp giấu chiếc chuông đồng lớn xuống ao làng nên chuông này còn đến ngày nay. Mỗi lần đánh chuông, tiếng chuông ngân xa cả làng xã. Đình làng được dựng lại trên nền đất cũ trước đây.

Một trong 9 chiếc giếng đá ong độc đáo

Yên Trường có 3 quán nằm rải rác xung quanh làng, trong đó phải kể đến quán Bà Cô là quán lâu đời với lịch sử vài trăm năm. Tương truyền, đây là nơi các đạo sĩ tụ họp để luyện đan trường sinh. Ông Nguyễn Gia Tứ, Trưởng thôn Yên Trường, cho hay: Nhiều đoàn nghiên cứu đã về đây tìm hiểu và xác quyết, làng Yên Trường cùng với làng Đa Sĩ của Hà Đông, là một trong hai nơi tụ họp của đạo sĩ. Những chiếc giếng cổ của làng liên quan đến các đạo sĩ bởi thuật luyện linh đan xưa.

Làng Yên Trường với 9 chiếc giếng cổ độc đáo, không chiếc nào giống chiếc nào. Mỗi chiếc giếng là một câu chuyện đời lẫn chuyện tâm linh. Cho nên, những chiếc giếng ấy không chỉ là di sản, mà là chốn tâm linh với ban thờ kính cẩn dâng hương thần giếng mỗi dịp lấy nước đồ xôi.

Trần Thế

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/giua-truyen-thuyet-lang-co-yen-truong-tuong-da-ong/797257.antd