Giữa từ tâm thảo dược

Buổi sáng đưa con trai đi chợ Nguyễn Công Trứ - cái chợ nổi tiếng ở quận Hai Bà Trưng trong lòng Hà Nội, để mua lá húng chanh, quyết trị bằng được những cơn ho sù sụ cùng những cơn nôn trớ của nó dạo này.

Khu vực bán lá nằm sâu trong chợ. Để có thể tiếp cận khu vực này phải đi qua một dãy hàng thịt, hàng rau, hàng tôm cá, hàng hoa quả..., và có vẻ đấy là một cơ hội tốt đến bất ngờ để hai bố con cảm thấu từng gương mặt của từng chủ nhân những món hàng này.

Đầu tiên là mặt những bà hàng thịt, sao kỳ lạ thế nhỉ, mặt bà hàng thịt nào cũng sắc. Những gương mặt của những người tay phải cầm dao, tay trái cầm cái mài dao có vẻ xa lạ với những gì thuộc về phúc hậu, từ bi chăng? Có phải thế không nhỉ, hay chỉ là những cảm nhận cá nhân, vô căn cứ?

Chẳng biết nữa, chỉ có điều, nhìn mấy bà hàng thịt, mặt thằng con 3 tuổi cứ cau có lại. Thằng bố do có cảnh giới tốt hơn nên bên ngoài vẫn tỏ ra lạnh tanh, như không có tí tẹo cảm xúc gì. Tiếp nữa là gương mặt của những bà bán tôm cá.

Thật khó tìm một từ ngữ chính xác để mô tả những gương mặt này, nhưng có lẽ do cái ấn tượng khứu giác đến từ những chậu tôm cá lớn lao, tràn ngập quá mà hai bố con có cảm giác những gương mặt này cứ có chút gì... lạnh lạnh.

Cảm giác ngột ngạt chỉ giảm đi chút ít khi chạm mặt những bà bán hoa quả. Gương mặt của mấy bà có vẻ dịu hơn. Nhưng khi sờ vào một quả cam, chưa kịp hỏi giá, bà chủ đã thét lên: "60.000, không mặc cả" thì cảm giác dịu dịu vừa hé kia đã bị cảm giác điêu điêu đánh sập.

Nhưng dẫu sao thì điêu cũng đỡ ghê hơn đanh, và đỡ sợ hơn lạnh. Vì thế chăng mà thằng con nhoẻn miệng, cười nhếch mép một cái trước khi trở lại cái vẻ cau có mà đến bố nó nhìn vào cũng thấy khó chịu.

Rồi hai bố con cũng đến dãy hàng bán lá. Hai bà bán hàng - mỗi bà một rừng lá xung quanh, ngồi cạnh nhau. Phong thái của cả hai bà đều nhẹ nhàng, và gương mặt của hai bà thì phúc hậu đến phát sốc. Liệu đấy có phải là những người phụ nữ đến từ thời xưa cũ của cái kinh kỳ biến tướng này không? Hai người đàn bà như tạo ra một thế giới riêng trong chợ.

Thế giới ấy có mùi thơm của các loại lá cây, thảo dược; có sự tĩnh lặng trầm mặc của cả người bán lẫn những món hàng được bán. Khi tôi hỏi mua lá húng chanh chữa ho, bà bán hàng tư vấn nên mua thêm một chút hẹ chữa long đờm.

Thế là từng ngón tay bà bốc vào một nhúm lá húng chanh, lại bốc vào mấy lá hẹ - cứ từ tốn, từ tốn như thể thời gian vô nghĩa dưới những ngón tay mình. Thằng con tôi chăm chú nhìn những ngón tay ấy như nhìn vào một bà tiên - những bà tiên mà mẹ nó thường kể mỗi khi ru nó ngủ.

Còn ông bố thì cứ vương vất trong đầu câu hỏi: Ở giữa lá cây, thảo dược hiền hòa, con người ta cũng có khí vận, khí sắc hiền hòa theo thì phải?

Ở thế giới của những râu ngô, mã đề, hương nhu, đinh lăng... ấy, con người ta muốn ngoa ngoắt, đanh đá, bon chen (dù đây đích thực là chợ) cũng khó mà thành được?

Những bà bán lá trong một ngôi chợ vì thế luôn mang đến cho chợ một không khí rất... phi chợ búa. Nó là không khí của những dược sĩ dân gian hiền hòa. Nó là không khí của một thiên nhiên từ tâm. Nó là không khí của những người đàn bà dù rõ ràng là đang đi buôn nhưng cái buôn ấy lại hắt hiu, phảng phất trong nó vẻ đẹp của những vị "bốc thuốc" cứu đời...

Khi nhìn bà bán lá "bốc" từng chiếc lá "cứu" con trai khỏi những cơn ho dai dẳng, tôi chợt nhớ rằng trên chiếu hầu đồng cũng có hình tượng của một cô gái lên non bốc thuốc. Đó là hình tượng cô Sáu sơn trang:

Cô Sáu vâng lời Mẫu thượng
Hái thuốc tiên độ lượng nơi nơi
Non xanh đủng đỉnh trên đồi
Chân quấn xà cạp chiếc gùi trên vai

Trong tứ phủ thánh cô, phần lớn những cô trên thượng đều đành hanh, đanh đá, duy có cô Sáu luôn hiện lên thùy mị. Điều gì làm nên nét tính cách rất khác biệt này?

Nhiều lần tôi suy nghĩ, và tự trả lời rằng: Vì cô Sáu gắn liền với những buổi chiều lên non hái thuốc! Ở giữa thiên nhiên cây cỏ, với những cái gùi chứa hàng chục, hàng trăm thứ dược liệu kỳ diệu giúp người phàm tẩy rửa mọi bụi bặm trần ai thì làm sao cô không thùy mị, hiền từ cho được!

Trong văn chương lãng mạn của Tự lực văn đoàn ngày xưa, dễ thấy người yêu lý tưởng của các cô gái trí thức thời ấy chính là những anh sinh viên trường Dược đầy nho nhã. Chẳng biết có phải vì ảnh hưởng bởi Tự lực văn đoàn hay không mà ngày xưa, hồi 16 tuổi, một trong những ước mơ của tôi chính là mơ trở thành... dược sĩ?

Trở lại với bà bốc thuốc, à quên - bà bán lá trong góc chợ, sau khi bán cho cậu con trai ba thang húng chanh trị ho, bà còn ân cần dặn phải về đun cách thủy thế nào, cho em bé uống cẩn thận ra sao. Cậu con có vẻ quý bà lắm. Nó mở hết cỡ miệng cười tươi. Phải lâu lâu rồi, kể từ đợt dính phải cơn ho khó chịu này, nó mới lại tươi như thế.

Dắt nó về, lại phải đi qua bà hàng thịt, hàng cá, hàng hoa quả..., nhưng ông bố không bị mấy gương mặt ấy "trêu ngươi" nữa. Hoặc giả cũng chẳng quan tâm đến nữa. Trong đầu ông bố chỉ có duy nhất một suy nghĩ: nhà mình chật lắm, nhưng cũng phải tìm cách để cố trồng cho ông con một cái cây.

Nhất định, nó sẽ lớn lên cùng với một cái cây!

Vương Trọng Tín

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/giua-tu-tam-thao-duoc-515171/