Giữa vạn tấm lòng

100% người có công với cách mạng đã nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Tuy nhiên, một số người có công đã tự nguyện dành phần tiền hỗ trợ của mình để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Thương binh Lê Quang Hòa, xóm Bá Vân 2, xã Bình Sơn (T.P Sông Công) là người như thế.

Thương binh Lê Quang Hòa (thứ hai từ trái sang) trao đổi cùng gia đình người có công trong xã kinh nghiệm trồng cỏ, chăn nuôi bò.

Thương binh Lê Quang Hòa (thứ hai từ trái sang) trao đổi cùng gia đình người có công trong xã kinh nghiệm trồng cỏ, chăn nuôi bò.

Ông Hòa chia sẻ: “Tôi có 22 năm phục vụ trong quân đội, tham gia nhiều trận đánh và mang trên cơ thể 1 vết đạn thù. Hiện tôi làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã, nên có điều kiện đến với các gia đình hội viên và người dân. Vì thế, tôi thông hiểu trong cuộc sống còn rất nhiều gia cảnh cần được giúp đỡ. Số tiền 1,5 triệu đồng do Chính phủ hỗ trợ trong 3 tháng, tôi tự nguyện không nhận vì bản thân đã có lương hưu”.

Có mặt ở đó, ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) xã cho biết: “Ông Hòa là một tấm gương mẫu mực trong công việc. Không chỉ tích cực trước các phong trào địa phương, ông còn hăng hái tham gia ủng hộ, giúp đỡ gia người có công trên địa bàn và người dân”.

Còn ông Nguyễn Dân Dĩnh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã cho biết: “Ngoài tham gia đóng góp các khoản tiền quỹ theo quy định, ông Hòa thường xuyên chích một phần lương của mình ủng hộ thêm cho quỹ, và ủng hộ tiền cho các hộ nghèo xóa nhà dột nát”.

Từ chuyện thương binh Lê Quang Hòa không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ, câu chuyện giữa chúng tôi chuyển sang chủ đề về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ở lĩnh vực nào cũng có vai trò quan trọng của những người có công với cách mạng. Ông Nguyễn Văn Quyến, Phó Chủ tịch Hội CCB xã chia sẻ: Hội CCB có 35/588 hội viên là thương binh; Hội Nạn nhân CĐDC có 80/90 trường hợp bị ảnh hưởng trực tiếp; Hội Cựu TNXP có 30 hội viên, trong đó 1 trường hợp là thương binh, 2 trường hợp là nạn nhân CĐDC. Hiện, 100% gia đình thương binh, gia đình nạn nhân CĐDC đều đã có mức sống ổn định, không có hộ nghèo.

Ông Hòa cho biết thêm: Việc cá nhân tôi dành tiền hỗ trợ để ủng hộ cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, đó là việc nên làm. Ở xã, còn có ông Thìn, vừa là nạn nhân CĐDC, đồng thời là thương binh, nhưng chưa bao giờ mỏi mệt trước nhiệm vụ được giao. Hơn thế, ông thường xuyên san sẻ phần tiền phụ cấp của mình cho các đồng chí tham gia công tác Hội Nạn nhân CĐDC. Cụ thể, trích 100.000 đồng/tháng cho đồng chí Phó Chủ tịch Hội; trích 300.000 đồng/năm dùng hỗ trợ tiền xăng xe, tiền điện thoại cho đồng chí Thường vụ Hội. Và bằng uy tín của mình, ông đến các doanh nghiệp, nhà hảo tâm vận động ủng hộ chân quỹ Hội. Đến nay, chân quỹ Hội Nạn nhân CĐDC có 20 triệu đồng, toàn bộ số tiền này được giao cho gia đình hội viên vay phát triển kinh tế.

Mọi việc làm đều xuất phát từ cái tâm. Nên hằng năm, ngoài số tiền ủng hộ các quỹ như quy định, ông Hòa, ông Thìn và ông Dĩnh còn tự nguyện ủng hộ thêm bằng tiền lương, tiền trợ cấp của mình. Khi được hỏi, các ông đều có chung câu nói: Việc nên làm, song cũng không nên kể. Vì kể đôi khi còn làm tổn hại đến danh dự của người được giúp. Từ hành động ý nghĩa ấy đã tạo sức lan tỏa thành phong trào tri ân rộng khắp trên địa bàn bàn xã, như việc giúp đỡ gia đình người có công cấy lúa, thu hái chè và ủng hộ tiền làm nhà ở.

Ông Trần Văn Hòa, nạn nhân CĐDC xóm Xuân Đãng 1 cho biết: “Năm 2019, tôi sửa lại nhà ở. Ngoài 20 triệu đồng tiền hỗ trợ từ Quỹ Nạn nhân CĐDC, tôi còn được Hội Cựu TNXP xã hỗ trợ 5 triệu đồng”. Còn ông Nguyễn Đức Vần, xóm Xuân Đãng 3, vừa là nạn nhân CĐDC và là thương binh. Ông Vần là chủ hộ làm kinh tế giỏi ở Bình Sơn. Ông tâm sự: “Mình đã cống hiển tuổi thanh xuân cho đất nước, nay được san sẻ thu nhập của mình để giúp đỡ đồng đội, hạnh phúc lắm chứ!

Còn Thầy thuốc Ưu tú, CCB, thương binh Trần Duy Tỵ, xóm Long Vân, người được dân địa phương gọi ông là hai trong một. Tức là trong cơ thể ông mang cả vết thương đạn bom và là nạn nhân chất độc da cam. Ông mở phòng khám tại nhà và thường xuyên khám, chữa bệnh không lấy tiền của người có công và người thuộc diện hộ nghèo. Ông tự hào về điều đó, và tiếp tục tham gia các hoạt động từ thiện, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người có công và thân nhân của họ.

Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Trong 5 năm gần đây, nhân dân xã Bình Sơn đã hiến hơn 20.000 m2 đất để làm 93 km đường bê tông nông thôn mới; nhân dân và các đơn vị ủng hộ được gần 150 triệu đồng sửa chữa Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ…. Cũng trong giai đoạn này, toàn xã có 35 hộ được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà, sửa nhà ở. Toàn bộ các hoạt động này đều có sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân, trong đó gia đình người có công luôn tiên phong đi đầu ủng hộ. Và hiện ở Bình Sơn, nhiều gia đình người có công đang nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Gia đình ông Bình là một trong những điển hình này.

Đầu năm 2020, ông đầu tư 1 tỷ đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi hươu, chồn và bò. Ông cho biết: Tôi đã trồng cỏ đủ để nuôi 1 đàn bò 50 con; hươu 50 cặp và khoảng 1.000 con chồn. Đỡ lời chồng, bà Chu Thị Oanh cho biết: Là thương binh nên chồng tôi cảm thông được cái đau, cái khó của những người bị thương tật. Có điều kiện giúp đỡ ai, ông không ngần ngại. Nên thấy xã gọi ông đến lấy tiễn hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19, tôi động viên chồng dành tiền ấy cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Ông ấy gật đầu, cười rất tươi, bảo: Số tiền ủng hộ của mình chẳng đáng là bao, nhưng đủ để sưởi ấm một cảnh đời khó nghèo khác giữa vạn tấm lòng.

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/giua-van-tam-long-273326-85.html